Cô giáo miền núi thấy học trò như một tấm gương trong

GD&TĐ - Chủ nhân giải Nhì cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ III năm học 2019 – 2020, cô giáo Nguyễn Thị Lệ cho rằng: Nếu mỗi cá nhân luôn ý thức làm điều tốt sẽ góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tươi đẹp.

Vượt qua đoạn đường đất gập ghềnh, leo đèo vượt dốc đến nhà bạn khó khăn trong lớp để trao gửi yêu thương, động viên, giúp bạn học tập là niềm vui mà  em Thảo (áo tím) lựa chọn trong mỗi cuối tuần.
Vượt qua đoạn đường đất gập ghềnh, leo đèo vượt dốc đến nhà bạn khó khăn trong lớp để trao gửi yêu thương, động viên, giúp bạn học tập là niềm vui mà  em Thảo (áo tím) lựa chọn trong mỗi cuối tuần.

Những dung dị nơi miền núi chinh phục cô giáo đồng bằng

Cô giáo Nguyễn Thị Lệ, giáo viên Trường THPT Hòa Bình, xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn là chủ nhân giải Nhì của cuộc thi với Tác phẩm: “Bông hoa đẹp giữa đời thường”.

Cô Lệ cho hay: “Tôi là một giáo viên, sinh ra ở Bắc Giang nhưng cái duyên đã đưa tôi đến và làm cô giáo miền núi gắn bó với mảnh đất xứ Lạng được 12 năm. Sống nơi “đất khách” càng thấm thía giá trị của đạo đức, nhân văn và tinh thần chia sẻ”.

Khi được biết về cuộc thi viết về “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” do Báo Giáo dục và Thời đại phát động, cô Lệ cho biết  bản thân đã rất tâm đắc với ý nghĩa của cuộc thi. Cô đã lựa chọn viết về cô học trò nhỏ luôn chuyên cần, sáng tạo trong việc học, ý thức trong mọi hành động, sống tình cảm và có tấm lòng nhân ái đối với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Cùng đồng hành với những mảnh đời éo le, bất hạnh với mong muốn góp sức, chung lòng và hành động với phương châm giúp họ không bị bỏ lại phía sau. Em Thảo là một học sinh phổ thông nhưng đã có những suy nghĩ, hành động đẹp để góp phần xây dựng quê hương Chi Lăng anh hùng - đó cũng là tấm gương để các học sinh khác học tập và noi theo.

Cô giáo Nguyễn Thị Lệ
Cô giáo Nguyễn Thị Lệ

Với cảm nhận của cô giáo Lệ, những tấm gương quanh ta thật dung dị biết bao, những việc làm quanh ta không cần là quá to lớn, cao siêu, mà đó là những tấm gương điển hình về sự hăng say trong học tập, làm những việc có ích cho xã hội, coi việc làm đó là niềm vui, là lẽ sống. Và Em Thảo chính là tấm gương điển hình trong trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cuộc thi có ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, với cuộc cách mạng 4.0. Bên cạnh sự phát triển, đôi khi chúng ta thấy ở đâu đó vẫn còn sự vô cảm đối với những mảnh đời bất hạnh, sự lơ đãng trong học tập. Thông qua bài viết, tôi mong lan tỏa được những hành động đẹp của một bạn học sinh dân tộc miền núi luôn chuyên cần, sáng tạo trong học tập, hơn thế nữa em còn là một người có tấm lòng nhân ái, thơm thảo trong cuộc sống.

Những việc làm của em Thảo đáng để chúng ta nhìn vào và học tập. Thế hệ trẻ được sống trong hòa bình, hãy luôn nhớ sống sao cho xứng đáng. Hãy luôn nỗ lực, sáng tạo trong học tập, biết yêu thương, quan tâm đến những mảnh đời còn thiếu thốn xung quanh mình. Hãy cùng nhau xây dựng một xã hội no ấm, giàu tình thương, giàu tính nhân văn.

Học trò tôi – bông hoa đẹp giữa đời thường

Em Thảo sinh ra trong một gia đình dân tộc Nùng, ở thôn Làng Mỏ, xã Gia Lộc huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Tôi đã rất ấn tượng về câu nói của em: “Những gì chúng ta biết ngày hôm nay sẽ lỗi thời vào ngày hôm sau. Nếu chúng ta ngừng học thì chúng ta sẽ ngừng phát triển”. Và có lẽ đó chính là con đường, là động lực để em Thảo không ngừng tìm tòi, sáng tạo và đổi mới phương pháp học của mình sao cho tiếp thu bài một cách hiệu quả nhất.

Trong các tiết giảng của tôi nói riêng và của các giáo viên khác nói chung, Thảo luôn sáng tạo trong cách tiếp thu chiếm lĩnh tri thức. Em đã hệ thống hóa kiến thức của bài giảng bằng một sơ đồ tư duy mà bản thân tự thiết kế. Có những bài em mạnh dạn, tự tin lên thuyết trình giống như một “trợ giảng” của thầy cô. Không những thế, trong quá trình học Thảo luôn gắn lý thuyết đã học vào để thiết kế sản phẩm phục vụ nhu cầu bản than.

Thảo cũng là một học sinh có tấm lòng nhân hậu, thơm thảo. Những đồng tiền tiết kiệm của mình em sử dụng để giúp đỡ người già neo đơn, những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Đôi khi chỉ là gói mì tôm, túi bột canh, chai nước mắm nhưng làm cho những người xung quanh em cảm thấy ấm lòng vô cùng. Em hay nói “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, bây giờ em đang tuổi đi học nên em chỉ giúp đỡ được như vậy, em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này mình có điều kiện giúp đỡ nhiều người dân nghèo ở Lạng Sơn, góp phần cho quê hương xứ Lạng của em ngày một thay da đổi thịt. Em còn luôn sẵn lòng giúp đỡ những bạn học chậm tiến bộ, hay quyên góp những quyển sách làm cho tủ sách nhà trường phong phú hơn, sử dụng những đồng tiền tiết kiệm của bản thân để trao yêu thương cho những mảnh đời thiếu may mắn.

Giữa muôn ngàn bông hoa đẹp của rừng hoa dân tộc Việt Nam, cách sống và học tập của em Lô Phương Thảo là một bông hoa đẹp dung dị, lặng lẽ tỏa hương cho đời bằng những việc làm cụ thể, đúng lứa tuổi.

“Tôi viết về em Thảo như một lời nhắn nhủ tới các em học sinh, hãy luôn sống có ích, luôn sáng tạo không ngừng trong học tập vì “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”. Những người không cố gắng tu dưỡng, rèn luyện bản thân sẽ ngày càng tụt hậu. Mong các em học sinh và cả người lớn chúng ta hãy lắng lòng cảm nhận, nhân lên những việc làm tốt, giúp cuộc sống ngày càng tươi đẹp.”, Cô giáo Nguyễn Thị Lệ.     

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ