Tự chủ tài chính: Trao quyền cho các trường đại học

GD&TĐ - Tự chủ đại học nói chung và tự chủ tài chính đại học nói riêng là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển của các trường đại học trên thế giới.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng

Đáp ứng yêu cầu phát triển

Theo GS.TS Trần Đức Viên - Phó Chủ tịch thường trực phụ trách Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ở Việt Nam, tự chủ đại học đã manh nha hình thành từ những năm đầu của thập kỷ 1990 và từng bước được luật hóa theo tiến trình hướng tới tự chủ toàn diện. 

Tự chủ tài chính đại học công lập đi chậm hơn và mới chỉ bước đầu được cụ thể hóa tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP. Nhằm thúc đẩy quá trình tự chủ tài chính đại học công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết 77 được quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn, tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, tự chủ về tài chính.

Cụ thể, đối với tự chủ tài chính, cơ sở giáo dục đại học thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động được quy định mức thu học phí (mức thu bình quân không vượt quá trần quy định cho từng ngành) và các khoản thu sự nghiệp (theo nguyên tắc bù đắp chi phí và tích lũy hợp lý), trả lương cho giảng viên theo thành tích giảng dạy và nghiên cứu khoa học, sử dụng các nguồn thu theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, quyết định và chịu trách nhiệm đối với các dự án đầu tư mua sắm từ nguồn hợp pháp của đơn vị, tham gia cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu, vay vốn và đầu tư ở thị trường tài chính…

GS.TS Trần Đức Viên
GS.TS Trần Đức Viên

GS.TS Trần Đức Viên viện dẫn, trong vài thập niên gần đây, cơ chế và chính sách đối với tài chính đại học công lập của Việt Nam đã có nhiều đổi mới phù hợp với tiến trình tự chủ đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển.

Về mặt tiến trình, tự chủ tài chính đại học công lập chỉ thực sự bắt đầu từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006. Kết quả thực thi quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ công, tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội lựa chọn, tiếp cận các dịch vụ công với chất lượng ngày càng cao.

Tháo gỡ khó khăn

Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Đức Viên, cơ chế tự chủ tài chính đại học công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP cũng đã bộc lộ những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện; đáng chú ý là cơ sở giáo dục đại học chưa được giao quyền tự chủ tài chính một cách đầy đủ, chưa phát huy được khả năng tự chủ tài chính thông qua huy động các nguồn thu từ hoạt động liên doanh, liên kết, mở rộng cung ứng dịch vụ công, đầu tư tài chính… do thiếu đồng bộ và “đủ mạnh” của hệ thống văn bản pháp luật.

Để khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đại học công lập nói riêng và tự chủ đại học nói chung, Luật Giáo dục đại học 2012 đã ra đời và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và đặc biệt là Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017. Hiện nay, đã có Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định số: 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này.

Theo đó, tự chủ tài chính đại học công lập được thiết kế theo hướng các trường đại học công lập quản lý tài chính đề cao tính hiệu quả và minh bạch trên cơ sở thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Cụ thể, các trường đại học công lập được thực thi các quyền chủ động xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ trong phạm vi nguồn tài chính được sử dụng phù hợp với đặc thù của đơn vị, đa dạng hóa các nguồn thu thông qua thực hiện cơ chế xã hội hóa và cung cấp dịch vụ công sử dụng NSNN theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu, sử dụng các nguồn tài chính ngoài NSNN cùng với kinh phí NSNN cấp có hiệu quả để phát triển hoạt động sự nghiệp theo nhu cầu xã hội và thực hiện chế độ tiền lương theo kết quả và hiệu suất lao động.

Về cơ bản, các chính sách về tự chủ tài chính đại học công lập mới được triển khai trong những năm gần đây, đã phần nào giúp các trường chủ động hơn trong khai thác nguồn thu và quản lý chi tiêu, mở rộng và quảng bá chương trình đào tạo chất lượng cao, liên kết, đào tạo ngắn hạn, dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao chất lượng và uy tín để thu hút sinh viên trong và ngoài nước.

Các trường thực hiện thí điểm tự chủ tài chính cũng đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, xây dựng các quy chế, định mức chi tiêu phù hợp hơn. Tuy vậy, tự chủ tài chính đại học công lập vẫn còn những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Một giờ học của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Một giờ học của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam

GS.TS Trần Đức Viên nêu thực trạng: Khi đề cập tới giáo dục đại học, xã hội đều đánh giá chất lượng đào tạo đại học ở nước ta còn có khoảng cách khá xa so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới...

Thế nhưng đây lại là điều dễ hiểu nếu so sánh trong mối quan hệ đầu ra (chất lượng đào tạo) với đầu vào (đầu tư cho giáo dục đại học) giữa Việt Nam và các nước phát triển.

Chẳng hạn, trung bình mỗi sinh viên học tại các trường đại học công lập ở Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 chỉ phải đóng mức học phí từ 7 - 10 triệu đồng/năm tùy theo ngành học; trong khi, mức học phí bình quân quy đổi ra đồng VND mà lưu học sinh Việt Nam phải trả cho các trường đại học ở nước ngoài tuỳ theo từng trường và từng ngành đào tạo khoảng từ 300 - 500 triệu đồng/năm (gấp khoảng 50 lần so với Việt Nam).

Nếu căn cứ vào lệ GDP bình quân theo đầu người với suất chi đào tạo đại học bình quân đối với chương trình đại trà như ở các nước trong khu vực thì mức học phí tối thiểu năm 2019 được xác định khoảng 79,5 triệu đồng/sinh viên/năm (gấp khoảng 9 lần so với Việt Nam).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Gỡ bỏ gánh nặng

GD&TĐ - Một thời gian dài, sáng kiến - kinh nghiệm là điều kiện bắt buộc để xét thi đua.