Chuyển mình nhờ cơ chế tự chủ tài chính

GD&TĐ - Trong bối cảnh hội nhập, tự chủ đại học là xu thế không thể khác nếu muốn hệ thống GDĐH tiệm cận các chuẩn mực của quốc tế.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM).
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM).

Với kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 cùng nền tảng là xây dựng cơ chế tự chủ, ĐHQG TPHCM đang nỗ lực để chuyển mình.

Tự chủ, hướng đi không thể khác

Thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ sớm nhất trong khối ĐHQG TPHCM là Trường ĐH Quốc tế, đến nay có thêm ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Kinh tế- Luật, ĐH Bách khoa TPHCM.

Những thành tựu mà cơ chế tự chủ mang lại cho các trường khá rõ nét khi thu nhập của giảng viên, nhân viên được cải thiện, phúc lợi chăm sóc hỗ trợ cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên khó khăn tăng lên. Đáng kể nhất là chính sách thu hút người tài, người giỏi về trường triển khai có hiệu quả hơn khi có nguồn lực tự chủ về tài chính.

Nhìn nhận tự chủ là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước để phát triển giáo dục đại học, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng: Ngoài tăng tính chủ động mọi mặt cho các trường, cơ chế tự chủ giúp hệ thống GDĐH Việt Nam có thể nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, tự chủ đại học muốn thành công phải đi cùng với trách nhiệm giải trình của trường đại học, thể hiện sự minh bạch của các bên liên quan thông qua báo cáo giải trình được xây dựng dựa trên các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI), đặc biệt là chính sách về tài chính và học phí (chính sách miễn giảm, tín dụng). Tự chủ chất lượng đào tạo phải là thước đo quan trọng nhất của các trường - đó là khả năng có việc làm của người học sau khi tốt nghiệp cũng như mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng.

“Học phí luôn là mối băn khoăn lo lắng của sinh viên khi một trường công lập chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính. Tuy nhiên, nếu các trường biết đa dạng hóa nguồn thu thì các khoản hỗ trợ cho sinh viên sẽ gia tăng, mức học phí được tính toán ở mức chấp nhận đủ và được khi có các nguồn thu khác song hành. Trường ĐH Quốc tế đang làm việc này rất tốt. Hiện 3 nguồn thu chính tại các trường đại học công lập bao gồm ngân sách Nhà nước, học phí và các nguồn thu khác. Trong 3 nguồn thu này, lớn nhất và quan trọng nhất vẫn là học phí. Khi các trường đại học tự chủ, ngân sách Nhà nước sẽ không còn.

Để giảm bớt gánh nặng học phí, các trường thành viên đã đẩy mạnh hoạt động để tăng nguồn thu khác, nhất là thu từ chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ, từ hợp tác công tư, khai thác tài sản trí tuệ, cơ sở vật chất, đến việc chủ động hợp tác với các doanh nghiệp, hình thành và vận hành các quỹ tài trợ... Tuy nhiên, hiện các nguồn thu này vẫn còn ở mức tương đối vì vướng nhiều ràng buộc bởi các văn bản pháp lý”, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết.

Để tháo khó và phát huy nguồn lực tài chính ngoài học phí, hỗ trợ các trường tốt hơn khi triển khai cơ chế tự chủ, thời gian qua ĐHQG TPHCM đã tích cực triển khai ký kết hợp tác, chuyển giao công nghệ với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn và bộ, ngành để gia tăng nguồn lực từ hoạt động chuyển giao.

Thống kê của ĐHQG TPHCM cho thấy năm 2019 có 4.746 công bố khoa học, đạt doanh thu 250 tỉ đồng từ chuyển giao công nghệ. Tính đến tháng 5/2020, ĐHQG TPHCM đăng ký 458 đơn bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó có 180 đơn được cấp bằng độc quyền/giấy chứng nhận (hơn 30% là sáng chế, giải pháp hữu ích). Đặc biệt, tiềm lực khoa học và công nghệ của đơn vị rất lớn khi có hơn 80 nhóm nghiên cứu tiềm năng, 9 nhóm nghiên cứu mạnh, 2 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia, 11 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQG TPHCM.

Khối tài sản trí tuệ của đơn vị mang đến nhiều kỳ vọng khi đang sở hữu 288 bằng độc quyền về sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Trong đó, khoảng 60% bằng độc quyền về sáng chế và giải pháp hữu ích có tiềm năng thương mại hóa.

ĐHQG TPHCM trong lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN.
ĐHQG TPHCM trong lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN.

Tháo nút thắt tài chính sao cho hiệu quả và thành công?

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, năm 2015, GDĐH chỉ nhận được khoảng 6,1% trong tổng chi của ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, tương đương 0,33% GDP. Con số này thấp hơn nhiều so với tỉ trọng GDP của chi ngân sách cho GD-ĐH ở nhiều nước láng giềng, chẳng hạn như Singapore (1,0%), Hàn Quốc (0,94%), Malaysia (1,3%) và Thái Lan (0,64%).

PGS.TS Vũ Hải Quân nhìn nhận thời gian qua quá trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam cũng đặt ra ba thách thức rất lớn liên quan đến tài chính đại học (học phí, chi phí vận hành), mà theo ông nếu Việt Nam không có hệ thống các giải pháp đồng bộ sẽ giới hạn cơ hội tiếp cận GDĐH của một bộ phận không nhỏ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Quan trọng hơn, theo PGS.TS Vũ Hải Quân, “nút thắt” trên sẽ khiến các trường đại học chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển quốc gia.

Ba thách thức tài chính lớn nhất mà các trường khi theo cơ chế tự chủ phải đối mặt chính là nguồn chi từ ngân sách Nhà nước không còn được đảm bảo, chính sách tín dụng sinh viên vẫn còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh và cuối cùng là các hoạt động đa dạng hóa nguồn thu chưa hiệu quả.

Trong 3 vấn đề trên, PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng các trường khi tự chủ cần phải quan tâm nhiều hơn đến nguồn thu đến từ hoạt động chuyển giao công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp, cũng như xây dựng được kênh tài chính tín dụng thật tốt cho sinh viên. Muốn tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, PGS.TS Vũ Hải Quân đề nghị Nhà nước cần sớm xây dựng và ban hành Chiến lược tổng thể phát triển GDĐH ở Việt Nam, trong đó có phân tích, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao cho mỗi giai đoạn, đề xuất kinh phí đầu tư của Nhà nước để đào tạo nhóm lao động này, từ đó sớm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng đào tạo đối với các trường đại học trong đó có 2 ĐHQG.

Mặt khác, bên cạnh nguồn đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người. Bởi theo ông, các phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi nó được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi. Cần có lộ trình điều tiết ngân sách Nhà nước đối với các trường đại học tự chủ một cách phù hợp hơn, theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường đại học tự chủ phải theo lộ trình. Đặc biệt, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác công tư (PPP), nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng…

“Tài chính học tập bao giờ cũng quan trọng và nó chi phối sự lo lắng của sinh viên. Vì vậy, song hành với các chính sách mang tính đồng bộ, Nhà nước cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên. Trong đó, điều nhiều sinh viên mong mỏi nhất hiện nay là điều chỉnh mức cho vay, thời gian vay mức lãi suất cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí”, PGS.TS Vũ Hải Quân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ