Tự chủ mở ngành đào tạo là điểm mới trong tự chủ chuyên môn, học thuật mà các quy định trước Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật số 34) chỉ phân cấp cho các đại học (ĐH) quốc gia, ĐH vùng và các cơ sở giáo dục ĐH được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP.
Luật số 34 có hiệu lực, cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ mở ngành đào tạo khi đáp ứng điều kiện mà không cần trình cơ quan quản lý xin chủ trương và cấp phép như trước đây; trừ một số ngành đặc biệt cần sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước (lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên).
Theo đó, các trường đã chủ động dừng tuyển sinh một số ngành đào tạo không còn đáp ứng nhu cầu xã hội và thay thế bằng các ngành đào tạo mới phù hợp, cần thiết hơn trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại và xu hướng trong tương lai gần. Số lượng ngành đào tạo được mở mới tăng đáng kể, đặc biệt các ngành do cơ sở đào tạo thực hiện quyền tự chủ triển khai.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, giai đoạn 2022 - 2024, số lượng ngành đào tạo trình độ giáo dục ĐH do cơ sở giáo dục ĐH tự chủ mở nhiều hơn khoảng 4 lần các ngành do Bộ GD&ĐT ra quyết định cho phép cơ sở đào tạo thực hiện. Các trường đã quan tâm sâu hơn việc mở ngành để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của đất nước và từng địa phương. Ngành đào tạo được quan tâm mở nhiều trong năm 2024 gồm: Du lịch, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, trí tuệ nhân tạo…
Năm 2025, số lượng ngành mở mới tiếp tục tăng, đặc biệt các ngành đón đầu nhu cầu nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, như: Ngành/chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực đường sắt tốc độ cao, vi mạch - bán dẫn, logistics mới (phục vụ vận hành metro, sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc), năng lượng mới (năng lượng tái tạo, điện hạt nhân)…
Có ý kiến lo lắng tự chủ mở ngành có thể dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”. Tuy nhiên, chế tài áp dụng nếu cơ sở giáo dục ĐH lạm dụng, cố tình mở ngành khi chưa đủ điều kiện đã được quy định rõ trong Luật. Thêm vào đó, tự chủ mở ngành cũng đi kèm với trách nhiệm giải trình và bảo đảm chất lượng chương trình mới mở; phải thực hiện đánh giá, kiểm định chất lượng ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và bị áp dụng chế tài nếu vi phạm quy định.
Bộ GD&ĐT cũng đã điều chỉnh quy định về mở ngành, danh mục thống kê ngành đào tạo theo hướng quản lý chất lượng, gắn liền với thực tiễn lĩnh vực nghiên cứu của ngành dự định mở và kinh nghiệm chuyên môn của giảng viên; tiến đến linh hoạt thay vì chỉ căn cứ theo tên ngành đào tạo ghi trên văn bằng của giảng viên.
Tuy nhiên, một số trường ĐH đang khó khăn trong việc bảo đảm đội ngũ giảng viên để duy trì ngành đào tạo theo quy định. Để phát triển các ngành mới đòi hỏi giảng viên phải cập nhật kiến thức liên tục và chứng minh về năng lực thông qua các đề tài, công bố quốc tế liên quan đến ngành đào tạo mới. Tình trạng cạnh tranh giảng viên giỏi giữa các cơ sở giáo dục ĐH cũng khiến việc duy trì ngành đào tạo và xác định chỉ tiêu tuyển sinh ở nhiều trường gặp khó khăn.
Trước thực tế này, cơ sở giáo dục ĐH cần rà soát, quy hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, đáp ứng chuẩn cơ sở giáo dục ĐH, chuẩn chương trình, bảo đảm các điều kiện về mở ngành và phù hợp với quy mô tuyển sinh, đào tạo. Trong quản lý Nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện, triển khai cơ chế, chính sách theo chủ trương, nghị quyết của Đảng, quy định tại Luật Giáo dục ĐH, để giáo dục ĐH thực sự trở thành động lực then chốt và thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.