Các trường rốt ráo mở ngành đón mùa tuyển sinh 2025

GD&TĐ - Ngoài mở thêm ngành đào tạo, nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng dự kiến một số điểm mới trong công tác tuyển sinh từ năm 2025.

Sinh viên BUV. Ảnh: NTCC
Sinh viên BUV. Ảnh: NTCC

Dự kiến nhiều ngành mới

Từ năm 2025, Trường ĐH Thương mại dự kiến mở 7 chương trình mới về kiểm toán, marketing, luật, ngôn ngữ Trung Quốc... GS.TS Nguyễn Hoàng Việt - Phó Hiệu trưởng cho biết, các ngành này thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), gồm: Quản trị thương hiệu (ngành Marketing), Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (Kiểm toán), Kinh tế và Quản lý đầu tư (Kinh tế), Luật kinh doanh (Luật kinh tế), Thương mại điện tử (Thương mại điện tử), Quản trị Hệ thống thông tin (Hệ thống thông tin quản lý), Tiếng Trung thương mại (Ngôn ngữ Trung Quốc).

Dự kiến mỗi chương trình mới tuyển 80 - 100 sinh viên chính quy. Trường sẽ sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó ưu tiên học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS.

Chia sẻ lý do mở ngành mới, GS.TS Nguyễn Hoàng Việt cho hay, hiện tại và những năm tới, tân cử nhân sẽ gặp những thách thức về sử dụng công nghệ, xử lý dữ liệu lớn (big data). Các doanh nghiệp cũng đòi hỏi nhân sự về kinh nghiệm thực tế.

Vì vậy, trường xác định phải thay đổi tư duy xây dựng chương trình đào tạo theo hướng cập nhật, có môn mới và gắn với thực tiễn. Trường sẽ tiếp tục lấy ý kiến về khung chương trình, chuẩn đầu ra, phương pháp đào tạo để hoàn thiện chương trình trước khi tuyển sinh từ năm 2025.

Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam (BUV) tiếp tục ra mắt 7 chương trình đào tạo bậc cử nhân và thạc sĩ. Các chương trình này bắt đầu đào tạo từ năm 2025. Trong đó, 6 chương trình bậc cử nhân là: Khoa học dữ liệu và Phân tích kinh doanh; Quản trị và Đổi mới kỹ thuật số. Hai ngành này được cấp bằng bởi ĐH London và chỉ đạo học thuật bởi Học viện Kinh tế & Khoa học Chính trị London;

Ngành Sản xuất Phim và Truyền thông được cấp bằng bởi ĐH Nghệ thuật Bournemouth; ngành Kỹ thuật phần mềm được cấp bằng bởi ĐH Stirling; ngành Quản trị Du lịch, Quản lý Tổ chức sự kiện được cấp bằng bởi ĐH Bournemouth. Một chương trình bậc thạc sĩ là Kinh doanh, được cấp song bằng bởi BUV và ĐH Staffordshire, với 5 chuyên ngành: Quản trị quốc tế, Digital Marketing, Du lịch và Khách sạn, Công nghiệp sáng tạo, Công nghệ tài chính và Phân tích dữ liệu.

Bà Võ Hồng Hạnh - Giám đốc Marketing & Truyền thông BUV cho biết, các chương trình mới sẽ kế thừa và phát huy lợi thế sẵn có của BUV trong đào tạo học thuật. Bên cạnh yếu tố học thuật, sinh viên được tài trợ để tham gia nghiên cứu khoa học chuyên sâu, được đào tạo theo Chương trình nâng cao năng lực cá nhân và phát triển kỹ năng xã hội độc quyền tại BUV. Qua đó, trang bị các kỹ năng mềm, nhằm chuẩn bị cho các em hành trang bước vào thị trường lao động toàn cầu.

Các thành viên Hội đồng Trường ĐH Cần Thơ đã đóng góp ý kiến và thống nhất thông qua tờ trình phê duyệt chủ trương mở ngành đào tạo và chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, tuyển sinh đào tạo năm 2025. Theo đó, trường dự kiến mở thêm 5 ngành mới bậc đại học gồm: Luật dân sự và tố tụng dân sự; Thương mại điện tử, Tâm lý giáo dục; chương trình chất lượng cao ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; Thú y.

cac-truong-rot-rao-mo-nganh-1-3670.jpg
Sinh viên Trường ĐH Thương mại. Ảnh: NTCC.

Định hướng mới trong tuyển sinh

Năm 2025, học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 với nhiều thay đổi so với năm 2024 trở về trước. Ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, học sinh được lựa chọn 2 môn thi còn lại trong số các môn học ở lớp 12 để dự thi tốt nghiệp THPT. Với thay đổi này, các cơ sở giáo dục đại học đã rục rịch có những định hướng mới trong tuyển sinh.

Ngoài việc mở thêm 2 ngành mới, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh đang bàn thảo kế hoạch tuyển sinh năm 2025. Trường dự kiến mỗi ngành gồm 4 tổ hợp môn và mỗi tổ hợp có 3 môn. Trường chờ thông tin chính thức từ Bộ GD&ĐT về phương hướng tuyển sinh chung cho năm 2025 và cấu trúc lại tổ hợp môn. Khi đó mới có cơ sở đưa ra phương án cụ thể cho từng phương thức.

TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh cho hay, nhà trường đang nghiên cứu thêm phương án mới cho xét tuyển đại học năm 2025, dự kiến sẽ có thêm phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Trường cũng dự kiến dành 50 - 60% chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT năm 2025. Ngoài ra, Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ giảm chỉ tiêu cho xét tuyển bằng học bạ THPT lớp 10, 11 và học kỳ I của lớp 12 xuống còn 15 - 20%.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cho phép các trường tự chủ mở ngành. Sự thay đổi này tạo điều kiện để ngày càng nhiều ngành được mở mới ở các trường. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, từ 2019 đến tháng 8/2023, số ngành các trường mở mới là gần 1.200.

Cho rằng, xu hướng mở ngành là tất yếu và nằm trong chiến lược phát triển của nhiều trường, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định, điều này giúp tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng để thu hút người học. Người học cũng có nhiều lựa chọn hơn. Dù vậy, các trường cần thận trọng khi mở ngành, tránh ồ ạt, chạy theo "trend".

“Thực tế, nhiều trường chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn tự mở ngành đào tạo. Nhiều trường mở ngành nhưng không đảm bảo đủ các điều kiện”, TS Lê Viết Khuyến nhắc lại và cho biết, Thanh tra Bộ từng xử phạt một số trường không duy trì đủ các điều kiện sau một thời gian mở ngành. Có trường phải đóng ngành, chuyển sinh viên sang trường khác.

Việc mở ngành khi không chuẩn bị kỹ lưỡng có thể dẫn đến một số hệ lụy, TS Lê Viết Khuyến cảnh báo. Chẳng hạn, chất lượng đào tạo không đảm bảo, không đủ sinh viên theo học… Vì vậy, cơ quan chức năng cần kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn nữa trong việc tự chủ mở ngành của các trường.

Lưu ý khi mở ngành mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, cơ sở giáo dục đại học phải xác định những ngành đó có phù hợp với xu hướng, nhu cầu của xã hội hay không.

Đặc biệt, các trường phải có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng đào tạo; phải công khai, minh bạch mọi dữ liệu tuyển sinh, từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, các phương thức xét tuyển, để thí sinh lựa chọn. Hiện, Bộ GD&ĐT quản lý việc tuyển sinh, mở ngành của các trường thông qua những dữ liệu này, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

GS.TS Raymond Gordon - Hiệu trưởng BUV khẳng định, phát triển chương trình đào tạo chất lượng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường. Hy vọng, mỗi sinh viên khi bước ra cánh cổng BUV không chỉ giỏi về học thuật mà còn mang tinh thần tiên phong, trái tim bản lĩnh để đối mặt với mọi thách thức, để lại dấu ấn bền vững trong một thế giới đầy biến động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.