Tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt được

GD&TĐ - Việc thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, tuy nhiên một số mục tiêu vẫn chưa đạt được.

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, phiên họp sáng 5/11.
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, phiên họp sáng 5/11.

Sáng 5/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực nội vụ.

Liên quan đến vấn đề tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chưa đạt được mục tiêu mà đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, việc thực hiện tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt ở ngành y tế, giáo dục là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ. Đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Việc thực hiện tự chủ đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, tuy nhiên một số mục tiêu vẫn chưa đạt được.

Bộ trưởng cho biết, tự chủ về tài chính, chi thường xuyên và chi đầu tư đã đạt 6,6%, tự chủ toàn phần, đạt 18,7% số các đơn vị sự nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên nhìn tổng thể kết quả vẫn còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân như: chưa hoàn thiện hệ thống pháp luật về tự chủ; do ảnh hưởng đại dịch Covid-19; sự hướng dẫn của cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt…

Về giải pháp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác tự chủ đơn vị sự nghiệp, cần thực hiện một số giải pháp như: tổ chức Hội nghị đánh giá toàn diện việc thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp để có cái nhìn tổng quát, khơi thông những bế tắc. Rà soát sửa đổi toàn diện, nhất quán, liên thông các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này. Các Bộ, ngành địa phương, các đơn vị sự nghiệp cần nêu cao tinh thần quyết tâm trong việc thực hiện tự chủ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về vấn đề tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về vấn đề tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Trả lời chất vấn về vấn đề tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP trong đó xác định là tự chủ một phần hoặc là tự chủ toàn diện.

Việc xây dựng tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp nhằm để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà nước giao và hoàn thiện các danh mục tự chủ để từ đó xác định được các nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác phục vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ và chủ động.

Cùng với việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cũng tiến hành hoàn thiện một số chính sách như chính sách đất đai, đấu thầu

Trước thực trạng một số đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ tài chính toàn phần vừa qua như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K hay Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay huy động nguồn lực xã hội để thực hiện cho công tác tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn.

Cụ thể như: nguồn thu khó khăn, liên doanh, liên kết cũng khó khăn… cho nên các đơn vị xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần mà xin thực hiện tự chủ một phần. Tức sẽ tự chủ phần chi thường xuyên; còn chi đầu tư, ví dụ như mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới… thì ngân sách nhà nước phải đảm bảo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, điều này là hợp lý, miễn sao phục vụ cho người dân tốt nhất và làm thế nào để cho đơn vị ngày càng phát triển nhất. Từ tự chủ chi thường xuyên sẽ tiến tới khi có nguồn thu ổn định và phát triển thì sẽ tự chủ toàn bộ. Có như vậy chất lượng dịch vụ ngày một tăng lên và phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Sau phần kết thúc chất vấn Nhóm vấn đề thứ 3, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực thanh tra, gồm: Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng;

Hai là, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra;

Ba là, giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong Nhân dân;

Bốn là, công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chịu trách nhiệm chính phần trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ