Đã kỷ luật 56 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

GD&TĐ - Tổng hợp năm 2021 và 6 tháng đầu năm nay, có 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải xử lý kỷ luật

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Hơn 20.300 công chức, viên chức bị kỷ luật

Chiều 4/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 – lĩnh vực nội vụ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) hỏi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về tình trạng nhiều cán bộ quản lý, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật, gây ra phản ứng không tốt trong dư luận.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua đã tạo ra những dư luận không tốt. Nói cách khác là tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Tổng hợp từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm, đã xử lý 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải xử lý kỷ luật, có trường hợp phải xử lý hình sự. Ngoài ra, xử lý kỷ luật hơn 20.300 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Trong số này cũng có xử lý về mặt hình sự.

Số lượng này tính trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức tương đương khoảng 1%, cũng là con số lớn nhất từ trước đến nay. Từ thực trạng này, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu để ban hành một nghị định về đạo đức công vụ.

“Chúng ta siết chặt hơn nữa kỷ cương, đạo đức công vụ. Làm sao mà đảm bảo được đồng bộ giữa các quy định của Đảng với các quy định của Nhà nước để chúng ta thực hiện việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của chúng ta trong sạch phục vụ Nhân dân” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đánh giá cán bộ, công chức còn dĩ hoà vi quý

Đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) cho biết, công tác đánh giá chất lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức chưa sát thực tế, còn tình trạng nể nang, e ngại, dĩ hoà vi quý.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, thời gian qua, Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và thực chất kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian gần đây đã có chuyển biến tích cực hơn.

Năm 2021, số cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ đạt 22%. Trước đó, số liệu này là 30%. Số cán bộ công chức, viên chức được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ là 1,72%. Những năm trước đó, tỉ lệ này dao động từ 0,56% - 0,64%.

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng việc đánh giá năng lực cán bộ, công chức, viên chức chưa sát thực tế, chưa căn cứ vào sản phẩm kết quả đầu ra, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Trong thời gian tới, để việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được tốt hơn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, các cấp, các ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về đánh giá, đảm bảo đồng bộ, có tiêu chí và bằng sản phẩm cụ thể.

Bộ trưởng cho biết, cần tập trung hoàn thiện xong việc xác định vị trí việc làm, làm cơ sở để đánh giá năng lực của cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm mới đảm bảo yêu cầu tốt hơn. Các bộ quản lý ngành, địa phương cần cụ thể hoá ở cơ quan đơn vị mình làm việc, xếp loại, đánh giá công khai, công bằng, dân chủ, chính xác.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Thu hồi 1.021 quyết định do sai phạm trong tuyển dụng

Trả lời câu hỏi về việc sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức viên chức trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện Kết luận 71 của Bộ Chính trị và Kết luận 27 của Ban Bí thư về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã rà soát những sai phạm trong vấn đề tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2007 trở lại đây.

Đến thời điểm này, đã rà soát 88.888 người (theo Kết luận 71). Còn theo Kết luận 27 đã rà soát 11.000 người và trong tổng số đó đã phải thu hồi 1.021 quyết định do sai phạm trong vấn đề tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ