Tự chủ ĐH phải tạo ra được môi trường thúc đẩy sáng tạo và cống hiến

GD&TĐ - Tự chủ ĐH được xem là nền tảng quan trọng để đổi mới quản trị ĐH tại Việt Nam. Tuy nhiên, làm sao để một mô hình mới không vận hành theo cách cũ đang là vấn đề đặt ra hiện nay. 

Tự chủ ĐH phải tạo ra được môi trường thúc đẩy sáng tạo và cống hiến

Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, các trường được giao quyền tự chủ tài chính, tự chủ nhân sự, cơ cấu tổ chức, đào tạo, học thuật… suy cho cùng, cũng chỉ là những điều kiện để thúc đẩy cái lớn hơn, đó là tạo ra được môi trường sáng tạo thật sự cho các giáo sư, các nhà khoa học.

Đánh giá lại vai trò Hội đồng trường

Hội đồng trường được xem là một mắt xích quan trọng trong quản trị ĐH, là một kênh giám sát quan trọng trong thực hiện quyền tự chủ của các trường ĐH. Tuy nhiên, theo như PGS.TS Đinh Thành Việt - Trưởng ban Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Đà Nẵng - thì nếu quy định thành phần cứng của Hội đồng trường gồm Ban giám hiệu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn trường, Bí thư Đoàn Thanh niên, đối với những trường đang hưởng ngân sách từ Nhà nước thì có thể tạm chấp nhận được, nhưng một khi không thực hiện tự chủ tài chính thì sẽ rất khó phát huy vai trò của Hội đồng trường trong thu hút tài chính.

Cùng quan điểm, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Hội đồng trường ngoài vai trò giám sát, thông qua chiến lược phát triển của trường, còn tham gia vào việc “kéo” tài chính về cho nhà trường. “Thế nên, nếu trong Hội đồng trường có thành phần ngoài trường tham gia thì sẽ khách quan hơn trong đánh giá. Nhưng nếu mời doanh nghiệp tham gia, thì có một tâm lý là tiếng nói của đại diện doanh nghiệp phải có hiệu quả thì người ta mới tham gia. Trong khi trên thực tế, quá đông các vị trí chủ chốt của chính quyền tham gia vào Hội đồng trường thì ở ngoài sao vào được, đặt tình huống khi biểu quyết thì người ngoài chỉ là thiểu số, cũng gần như không thay đổi được gì” - ông Phan Thanh Bình nêu rõ

Mô hình ĐH hai cấp - ĐH Đà Nẵng đã sớm thành lập Hội đồng ĐH vùng ở cấp ĐH Đà Nẵng và Hội đồng trường ở các trường ĐH và CĐ thành viên. Trong 6 cơ sở giáo dục ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng thì có 5 đơn vị có Hội đồng trường. Thế nhưng, theo GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng: “Do cơ cấu thành phần đương nhiên “cứng” với Hội dồng ĐH vùng gồm Ban Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Công đoàn ĐH Đà Nẵng và Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục ĐH thành viên quá lớn, thành phần mời bên ngoài gần như không đáng kể. Đối với các trường thành viên, thành phần cứng gồm Ban giám hiệu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn trường, Bí thư Đoàn Thanh niên trường. Nên các vấn đề đưa ra trong Hội đồng ĐH vùng và Hội đồng trường nhiều khi đã được nêu trong Nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng chỉ là sự nhắc lại, khẳng định lại. Vì thế, vai trò của các Hội đồng trường ít có nội dung mới, không quyết định các vấn đề về cơ cấu, nhân sự. Giám đốc ĐH vùng và Hiệu trưởng trường có giải trình trước Hội đồng cũng không cần thiết vì đã qua rất nhiều lần đánh giá cán bộ và đánh giá trong Đảng, các thành phần tham dự đánh giá đã có cả thành viên của Hội đồng trường”.

Cũng theo GS.TS Trần Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng trường rất khó làm rõ vai trò của mình, vì thực tế phần lớn Hiệu trưởng là Bí thư Đảng ủy trường, điều này làm cho vai trò của Chủ tịch Hội đồng trường bị mờ nhạt. Vì thế, nên cơ cấu Chủ tịch Hội đồng trường là Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng không phải là Bí thư Đảng ủy. Ngoài ra, “Hội đồng trường cũng cần có một hành lang pháp lý để vận hành thống nhất, do đó, việc bổ sung quy định về tổ chức cuộc họp tại Điều lệ nhà trường là cần thiết như triệu tập; điều kiện, thể thức tiến hành cuộc họp, thông qua nghị quyết…” - GS.TS Trần Văn Nam gợi ý.

Đổi mới phương thức đầu tư của Nhà nước

Là một trong 16 trường được Bộ GD&ĐT thí điểm giao quyền tự chủ, PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng - cho rằng: “Tự chủ không có nghĩa là cắt giảm ngân sách đầu tư của Nhà nước. Trong tự chủ tài chính, cần phân biệt chi thường xuyên và chi đầu tư. Đối với những trường ĐH thực hiện tự chủ, phần chi thường xuyên sẽ do nhà trường đảm bảo, nhưng Nhà nước cũng phải thực hiện đầu tư có trọng điểm, đầu tư lớn thì mới thúc đẩy được sự phát triển, tạo sự lớn mạnh của nhà trường. Nhà nước chỉ nên quan tâm đến hai đối tượng: Nhân tài và SV nghèo, đối tượng chính sách, phần còn lại, người học phải tự lo, nếu chúng ta cứ đầu tư dàn trải thì sẽ kéo chất lượng đi xuống”.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn cũng cho rằng “dù tự chủ hay không tự chủ thì vấn đề tài chính, học phí là một bài toán riêng, trong đó, không thể vì đảm bảo cho một vài % rất nhỏ đủ điều kiện học tập mà hơn 90% SV khác phải chấp nhận điều kiện học tập thấp trong khi họ có đủ điều kiện để chấp nhận mức học phí cao hơn với điều kiện học tập tương xứng”.

Trước các quan điểm này, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Tự chủ ĐH, trước hết phải là vấn đề nhận thức. Chúng ta cứ nói đến tự chủ về cơ cấu tổ chức, nhân sự, học thuật tài chính nhưng đó chỉ là những điều kiện cho cái lớn hơn, đó chính là môi trường cho sự sáng tạo. Tự chủ ĐH phải tạo được môi trường cho những người có trình độ phát huy được khả năng, sự sáng tạo của mình. Khi được đáp ứng các điều kiện để sáng tạo thì sẽ có sản phẩm giúp các trường tăng nguồn lực. Nhà nước sẽ vẫn có trách nhiệm đầu tư cho các ĐH trọng điểm dù các trường đó thực hiện tự chủ ĐH”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: “Chúng ta cứ nói về tự chủ tài chính, thực ra là chỉ đẩy vấn đề để tạo sức bật cho các trường trong vấn đề tự chủ ĐH. Nhà nước sẽ vẫn đầu tư cho giáo dục ĐH theo năng lực và nhiệm vụ của từng trường. Đối với người học, những SV nào thuộc diện khó khăn, chính sách thì Nhà nước phải lo, người giỏi thì sẽ có học bổng. Tuy nhiên, chúng ta phải sòng phẳng với nhau trong tài chính giáo dục, đó là phải làm rõ vấn đề thực ra chi phí đào tạo thực trên đầu SV là bao nhiêu, từ đó mới có thể cân đối trong thu chi tài chính phục vụ đào tạo”.

GS.TS Trần Văn Nam cho rằng: “Việc quan niệm tự chủ đồng nghĩa với việc cắt giảm nguồn ngân sách tài chính sẽ gây khó khăn cho các trường nằm ở các vùng khó khăn, thu nhập vùng còn cách xa so với hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Sự cắt giảm ngân sách sẽ dẫn đến khuynh hướng các trường chạy theo mở các ngành ít cần sự đầu tư về cơ sở vật chất, những ngành đào tạo đang có nhu cầu học hiện tại cao… dẫn đến việc đào tạo ngày càng xa rời với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế và hội nhập quốc tế hiện nay”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ