Tự chủ đại học - Nhìn từ chính sách, pháp luật

GD&TĐ - Đây là chủ đề chính của buổi Tọa đàm trực tuyến do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng nay (16/11) tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc tham dự và có những thảo luận xung quanh chủ đề này.

Nhiều ràng buộc mang tính chất hành chính, quản lý nhà nước được tháo gỡ đáng kể khi các trường đại học tự chủ. Ảnh minh họa/internet
Nhiều ràng buộc mang tính chất hành chính, quản lý nhà nước được tháo gỡ đáng kể khi các trường đại học tự chủ. Ảnh minh họa/internet

Phát biểu đề dẫn, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định, tự chủ ĐH là một thuộc tính, nhu cầu tự thân của đại học.

Để phát triển và hội nhập, giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác là phải thực hiện đẩy mạnh tự chủ ĐH theo lộ trình và điều kiện của đất nước, nhưng về cơ bản phải theo quy luật phát triển GDĐH thế giới.

Nhìn từ các trường ĐH đã ít nhiều thành công trong cơ chế tự chủ cho thấy, không phải không có những e dè, lo ngại nếu “bầu sữa” ngân sách bị cắt giảm.

Song thuận lợi mà trường có được khi thực hiện theo cơ chế tự chủ lại rất lớn. Nhiều ràng buộc mang tính chất hành chính, quản lý nhà nước được tháo gỡ đáng kể. Trường được chủ động mở chương trình đào tạo mới, tuyển dụng giảng viên giỏi, liên kết với các trường quốc tế để đa dạng hóa sản phẩm đào tạo…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến tự chủ đại học
 Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến tự chủ đại học

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: Năm 2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Năm 2014, để thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Chính phủ đã tiến hành thí điểm với các trường đại học công lập bằng Nghị quyết 77/NQ-CP.

Thí điểm này để mở rộng tự chủ đại học, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục. Từ thí điểm đó có kết quả tốt thì chúng ta sẽ tiến hành nhân rộng.

Sau hơn 3 năm thực hiện, những kết quả bước đầu đã rất tích cực, nội dung của thí điểm cho 23 trường của Nghị quyết 77/NQ-CP hiện nay đang được thể chế hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, mà Quốc hội dự kiến thông qua vào kỳ họp lần này. Nội dung Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm trên 3 mặt: tự chủ về chuyên môn, nhân sự tổ chức và tài chính, tài sản.

Theo Thứ trưởng, sau hơn 3 năm, các trường có kết quả tích cực; các trường đã chú trọng về chất lượng, quy mô đào tạo đã được điều chỉnh hợp lý, phần lớn các trường đã được kiểm định.

Với quy mô lớp học, các trường cũng đã điều chỉnh giảm để đổi mới phương pháp đào tạo, nâng cao về chất lượng. Nghiên cứu khoa học cũng có kết quả tích cực, đặc biệt là công bố quốc tế. Khi tự chủ, các trường đã chủ động trong hoạt động nghiên cứu khoa học, sử dụng đội ngũ của mình, có cơ chế khuyến khích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế đã tăng mạnh trong các trường tự chủ.

Về tự chủ tổ chức nhân sự, bộ máy, sau khi tự chủ, các trường đã tiến hành rà soát sắp xếp lại bộ máy, hoàn thiện mô hình quản trị, phần lớn các trường tự chủ đã thành lập hội đồng trường, củng cố tổ chức bộ máy bên trong cho hiệu quả.

Các trường đã ban hành rất nhiều quy định nội bộ để hoàn thiện tổ chức. Những vấn đề tuyển dụng, sử dụng, trả thu nhập gắn với kết quả công việc tạo động lực bên trong đã có sự thay đổi.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm 

Về tài chính, tài sản, các trường phải tự chủ chi thường xuyên 100%, đồng thời chi đầu tư cũng phải tự chủ với các dự án dở dang tiếp tục, nhưng bù lại các trường được tăng học phí để bù đắp. Lúc đầu, các trường cũng lo ngại về tăng học phí, nhưng đến nay tăng học phí đi liền với chất lượng, các trường cũng thu hút được người học và tự chủ tài chính tốt.

Việc tự chủ tài chính cũng giúp cho các trường có nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy nghiên cứu khoa học.

Điều quan trọng nữa là các trường cũng dành nguồn lớn để bổ sung vào quỹ học bổng, phần lớn các trường tự chủ, học bổng đã tăng nhiều dành cho các đối tượng chính sách. Có thể nói, kết quả ban đầu tích cực trong việc thí điểm Nghị quyết 77/NQ-CP.

Đến nay có 23 trường ĐH được tự chủ cho là chất xúc tác mạnh, tạo động lực cho toàn hệ thống GDĐH phát triển, minh chứng cho tính đúng đắn từ tinh thần của nghị quyết. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 77/NQ-CP, cho thấy những trường được thí điểm tự chủ còn vướng nhiều rào cản, trong đó chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, bất cập; cơ chế quản lý theo chế độ Bộ chủ quản không còn phù hợp; thiếu quy định và định nghĩa cụ thể về tự chủ và quyền của các trường đại học trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ