Phát huy quyền tự chủ ở các cơ sở GD đại học

GD&TĐ - Thảo luận tại hội trường sáng 6/11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã đủ điều kiện để Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và mong Luật sớm được ban hành.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Nhất trí với việc xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trong kỳ họp này đại biểu Huỳnh Thành Đạt - đoàn TP Hồ Chí Minh nhận xét, dự thảo luật đã cơ bản hoàn chỉnh các nội dung, không có sự khác biệt xung đột và mâu thuẫn.

Theo đại biểu, hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học, nhất là các cơ sở giáo dục đại học đang rất mong luật này sớm được ban hành. Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là sự thể chế hóa chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học của Đảng.

Đồng thời phát huy có hiệu quả hơn nữa quyền tự chủ đại học ở các cơ sở giáo dục đại học với 3 trụ cột là: tự chủ về hoạt động chuyên môn; về tổ chức bộ máy và nhân sự về tài sản và tài chính trên nền tảng các điều kiện đảm bảo chất lượng, gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt - đoàn TP Hồ Chí Minh
 Đại biểu Huỳnh Thành Đạt - đoàn TP Hồ Chí Minh

 “Về định hướng hình thành, phát triển các đại học lớn trong tương lai, tôi tâm đắc với một quan điểm rất mới, mang tính chiến lược lâu dài được thể hiện trong dự thảo luật. Đó là trường đại học có thể chuyển thành đại học, các trường đại học có thể liên kết với nhau để trở thành đại học, tất nhiên là có điều kiện. Theo cách như thế chúng ta sẽ sớm có được những đại học mạnh, đạt chuẩn mực khu vực và quốc tế” - đại biểu Huỳnh Thành Đạt.

Đại biểu cũng thống nhất với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đề nghị giữ ổn định hệ thống, tránh gây xáo trộn không cần thiết, đồng thời tạo cơ hội cho sự phát triển của các trường đại học, các đại học; sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học, trong đó đại học quốc gia đóng vai trò là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của cả hệ thống.

Cũng cho rằng, dự thảo luật lần này đủ các điều kiện để thông qua mà không cần phải chờ đến Luật Giáo dục, đại biểu Nguyễn Thanh Phương - đoàn TP Cần Thơ phân tích:

Dự thảo trình ra Quốc hội lần này đã tiếp thu, chỉnh sửa và bổ sung rất nghiêm túc các ý kiến góp ý của đại biểu phát biểu tại kỳ họp thứ 5 vừa qua. Tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất rõ các nội dung mà đại biểu có ý kiến. Trong dự thảo luật các vấn đề mà đại biểu quan tâm là hệ thống giáo dục và quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đã được quy định với nhiều nội dung mới, rõ ràng, chi tiết, hợp lý hơn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương - đoàn TP Cần Thơ
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương - đoàn TP Cần Thơ 

Về hệ thống giáo dục, đại biểu thống nhất với đề xuất trong dự thảo luật, hệ thống này phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay của giáo dục Việt Nam, tất nhiên còn nhiều nội dung cần phải thay đổi trong tương lai, nhất là bộ máy quản lý của đại học quốc gia, đại học vùng cần được tinh gọn, hài hòa với bộ máy của các trường thành viên, tăng tính liên kết và tự chủ của các trường thành viên.

Các nội dung quan trọng về tự chủ đại học như về học thuật chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính, tài sản được quy định cụ thể thông qua nhiệm vụ, chức năng của hội đồng trường cùng với các điều kiện kèm theo để thực hiện quyền tự chủ.

"Dự thảo luật lần này ra đời chắc chắn sẽ cởi trói rất nhiều cho các cơ sở giáo dục trong quá trình tự chủ để phát triển theo xu hướng hội nhập của thế giới. Bên cạnh dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của luật cũng được kèm theo. Vì thế khi dự thảo luật thông qua sẽ nhanh đi vào thực tế. Tôi cho rằng, dự thảo luật lần này đủ các điều kiện để thông qua mà không cần phải chờ đến Luật Giáo dục"- đại biểu Nguyễn Thanh Phương - đoàn TP Cần Thơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ