Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho biết, về cơ bản đồng ý với quy định của dự thảo Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường. Quy định các nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường thực chất là chuyển một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản góp phần làm tăng tính tự chủ của các trường, tiến tới bỏ cơ chế chủ quản là phù hợp với chủ trương chung.
Đại biểu Giang cho rằng, thực tiễn trong thời gian qua, hội đồng trường hoạt động còn hình thức, chưa thực quyền do vẫn còn duy trì cơ quan chủ quản. Những quyền hạn của cơ quan chủ quản chuyển giao cho một tập thể, cụ thể là hội đồng trường chứ không nên trao cho cá nhân hiệu trưởng.
Hiệu trưởng và bộ máy của hiệu trưởng điều hành hành chính, thực hiện chủ trương, định hướng của hội đồng trường và chịu sự giám sát của hội đồng trường, xã hội, tập thể giáo viên và người học.
Riêng về quy định tuổi của Chủ tịch hội đồng trường trong dự thảo Luật, theo đại biểu Nguyễn Trường Giang là chưa đầy đủ, rõ ràng. Đối với các trường ngoài công lập như thế nào là đủ sức khỏe để làm việc, đối với các trường công lập tuổi theo quy định của pháp luật sẽ do cơ quan nào quy định? Do đó, đại biểu đề nghị xác định thẩm quyền này ngay trong luật hoặc giao cho cơ quan nào đó quy định bằng văn bản dưới luật.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang |
Cũng quan tâm đến tiêu chuẩn của Chủ tịch hội đồng trường, đại biểu Nguyễn Thanh Phương – (TP Cần Thơ) cho rằng, tiêu chuẩn và trình độ của chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng của các cơ sở giáo dục công lập cần tương đồng với nhau, có như thế mới có thể thuận tiện trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong dự án luật cũng quy định, các cơ sở giáo dục công lập, nếu người ngoài trường được bầu làm Chủ tịch hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học nên việc quy định tiêu chuẩn về trình độ học vấn của Chủ tịch Hội đồng trường tương đương như hiệu trưởng là rất cần thiết.
Tại điểm đ khoản 6 Điều 16 quy định trong quy chế tổ chức hoạt động của hội đồng trường công lập là sẽ quy định thời gian tối đa giữa vị trí hiệu trưởng, hiệu phó và các chức danh khác. Đại biểu Nguyễn Thanh Phương cho rằng, quy định này sẽ tạo thông thoáng cho các trường tự quyết thời gian quản lý của các chức danh trên, người làm tốt có thể kéo dài để đóng góp cho sự phát triển của cơ sở giáo dục.
Nhưng, đại biểu Phương cũng nêu quan điểm cần có giới hạn tối đa trong thời gian giữ chức vụ trong dự thảo luật nhằm tránh các trường hợp quy định thời gian giữ chức vụ quá dài, bất hợp lý, hạn chế người có năng lực tham gia quản lý.
“Tôi cũng biết một số cơ sở giáo dục ở một số quốc gia có thời gian giữ vị trí tối đa 2 nhiệm kỳ, thậm chí nhiệm kỳ thứ hai còn phải ngắn hơn nhiệm kỳ thứ nhất. Tôi đề xuất nên quy định trong dự thảo luật thời gian giữ tối đa vị trí hiệu trưởng, hiệu phó trong cơ sở giáo dục đại học công lập không quá 2 nhiệm kỳ với tổng thời gian không quá 10 năm. Quy định này cũng tạo sự đồng nhất giữa các cơ sở giáo dục với nhau” – đại biểu Nguyễn Thanh Phương góp ý.
Đại biểu Lê Quốc Phong (Bình Thuận) |
Quan tâm đến điều kiện Chủ tịch hội đồng trường, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn dự thảo: "Chủ tịch hội đồng trường có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học", và cho rằng như vậy là khá tốt. Tuy nhiên, một số nước thận trọng hơn, ví dụ Trung Quốc, Hội đồng trường phải có kinh nghiệm giảng dạy 5 năm, mình là kinh nghiệm quản lý. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét thêm vấn đề này, nếu được cho thêm vào điều kiện của Chủ tịch hội đồng trường.
Đại biểu Lê Quốc Phong (Bình Thuận) trao đổi về thành phần hội đồng trường đại học và đại học. Tại mục b khoản 3 Điều 16, mục b khoản 3 Điều 16, mục a khoản 2 Điều 18 có quy định một trong các thành viên đương nhiên của hội đồng trường đại học, hội đồng đại học là đại diện Ban Chấp hành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là người học. Như vậy, dự thảo lần này có sự điều chỉnh khá lớn so với dự thảo lần trước khi điều chỉnh sự tham gia của các tổ chức đoàn thể của thanh niên, sinh viên trong hội đồng trường.
Đại biểu Phong thống nhất cao việc quy định đại diện Đoàn thanh niên là một thành viên đương nhiên của hội đồng trường. Tuy nhiên, đề nghị cần điều chỉnh theo hướng xác định rõ đồng chí Bí thư Đoàn trường ĐH hoặc Bí thư Đoàn ĐH sẽ tham gia vào Hội đồng trường.
Bên cạnh đó, việc tham gia của người học trong hội đồng của trường đại học là cần thiết. Tuy nhiên, khái niệm người học khá rộng về đối tượng ở trong các trường đại học và đại học hiện nay, bao gồm có cả sinh viên, học viên, các loại hình đào tạo. Do đó, đại biểu Phong đề nghị quy định rõ đại diện sinh viên tham gia vào hội đồng trường.