Tự chủ đại học nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập

GD&TĐ - Mục đích của tự chủ đại học là phát triển, tạo ra chất lượng, vị thế mới cho các trường. Qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực và phát triển khoa học công nghệ cho đất nước trong giai đoạn hội nhập với thế giới.

Tự chủ đại học là phát triển, tạo ra chất lượng, vị thế mới cho các trường
Tự chủ đại học là phát triển, tạo ra chất lượng, vị thế mới cho các trường

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh điều này khi tham gia thảo luận tại buổi Tọa đàm "Tự chủ đại học - Nhìn từ chính sách, pháp luật" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 16/11.

Tạo hành lang pháp lý vững chắc

Việc thể chế hóa trong văn bản cao nhất của giáo dục đại học rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý vững chắc, lâu dài cho các trường đại học thực hiện quyền tự chủ của mình.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc

Thứ trưởng cho biết: Sau khi thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm với 23 trường, bên cạnh kết quả tích cực, còn có nhiều hạn chế vướng mắc mà lãnh đạo các trường đại học và chuyên gia đã nêu.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã đề cập 3 nội dung lớn của tự chủ đại học đó là: Chuyên môn, học thuật; tổ chức, nhân sự; tài chính, tài sản. Qua đó, tạo điều kiện cho các trường khi thực hiện.

Không chỉ với cơ sở giáo dục đại học công lập, nội dung tự chủ được mở rộng đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục, đặc biệt là nội dung liên quan đến vấn đề chuyên môn học thuật như: mở ngành, liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế...

Các cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục bình đẳng như nhau, chỉ căn cứ trên vấn đề bảo đảm chất lượng. Đây là những nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển, nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng, năng động và hướng tới chất lượng cao hơn, hiệu quả tốt hơn của toàn bộ hệ thống giáo dục đại học.

Liên quan đến học phí, dự thảo Luật cũng đặt ra nguyên tắc chung là: học phí được xác định dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật. Sau này nhà nước có công cụ giám sát các trường trong việc định ra mức học phí hợp lý, phù hợp với chất lượng đào tạo. Đồng thời, nhà trường phải có trách nhiệm công khai minh bạch, giải trình, thông báo cho người học cả năm và cả khóa học, để người học lựa chọn.

Với các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự chủ chi thường xuyên 100%, việc thu học phí vẫn phải thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Nói cách khác là vẫn có mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học ở những vùng có điều kiện khó khăn, những cơ sở giáo dục đại học ở các ngành, lĩnh vực như: văn hóa nghệ thuật, nông, lâm, ngư nghiệp...

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trao đổi nhiều nội dung liên quan đến tự chủ đại học
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trao đổi nhiều nội dung liên quan đến tự chủ đại học

Nhà nước kiến tạo

Quản lý nhà nước ở đây tập trung vào những khía cạnh lớn, nhà nước phải thực hiện vấn đề chiến lược của giáo dục đại học; quy hoạch, kế hoạch phát triển của giáo dục đại học để thúc đẩy toàn bộ hệ thống phát triển
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc

Trong dự thảo Luật cũng quy định, các cơ sở giáo dục đại học phải trích phần thu của mình vào quỹ học bổng dành cho sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Thực tế hiện nay đã thực hiện và 23 trường tự chủ đã thực hiện tốt điều này. Các trường tự chủ cũng đã sử dụng toàn bộ lãi suất từ nguồn thu của mình gửi ngân hàng để làm quỹ học bổng.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định về trách nhiệm, Nhà nước có chính sách về học bổng, tín dụng cho các em có hoàn cảnh khó khăn hoặc đối tượng sinh viên có nhu cầu. Qua đó nhằm bảo đảm cho người nghèo, các em có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận với giáo dục đại học.

Cũng theo Thứ trưởng, vai trò quản lý nhà nước chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm, thực sự là nhà nước kiến tạo. Trước đây quản lý của chúng ta đôi khi ảnh hưởng tới quyền quản trị của nhà trường, thì nay tách bạch quyền quản lý nhà nước với quyền quản trị của nhà trường và khi đó nhà nước thực hiện đúng vai trò quản lý của mình. Sửa đổi Luật lần này thể hiện rõ tinh thần đó.

Trong quá trình tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ cạnh tranh với nhau để phát triển, nhưng phải bảo đảm lợi ích của người học, xã hội, phù hợp với mục tiêu chung phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nhà nước đặt ra chuẩn, quy chuẩn chất lượng để bảo đảm cơ sở giáo dục đại học hoạt động đúng định hướng, và chất lượng ngày càng được nâng cao.

Cùng với đó, Nhà nước tăng cường vai trò kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm, quy định để các cơ sở giáo dục phải tăng trách nhiệm giải trình với người học, với xã hội và với các bên có liên quan. Qua đó để bảo đảm nhà trường phát triển đúng định hướng, mục tiêu.

Trong dự thảo luật có đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học. Đây là cách để các cơ sở giáo dục đại học có nghĩa vụ công khai minh bạch, giải trình, bảo đảm cho người học, cho xã hội có thông tin liên quan để lựa chọn chương trình học tốt nhất, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của mình.

Mặt khác bảo đảm hệ thống phát triển có chất lượng cao hơn và bảo đảm cho các cơ sở giáo dục tự chủ nhưng nhà nước vẫn quản lý. Đồng thời bảo đảm lợi ích của người học, của xã hội, lợi ích chung của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ