Tự chủ đại học: Nhà nước thay đổi cách đầu tư kinh phí

GD&TĐ - Tự chủ không có nghĩa là để các trường đại học tự lo, tự bơi. Không phải Nhà nước cắt kinh phí đầu tư mà chỉ thay đổi cách đầu tư cho hiệu quả hơn. - Đó là góp ý của đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn TP Hà Nội) khi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan – đoàn TP Hà Nội
Đại biểu Nguyễn Thị Lan – đoàn TP Hà Nội

Để dự thảo luật đạt được sự đồng thuận và tính khả thi cao, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề xuất một số nội dung quan trọng liên quan đến dự thảo Luật này.

Thứ nhất, cần quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học sao cho hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất để các trường có thể phát huy cao nhất lợi thế so sánh.

Tránh trường hợp mở ra quá nhiều trường đại học trong một khu vực hoặc cùng đào tạo một ngành nghề dẫn đến đào tạo dư thừa, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.

Trong luật cũng cần quy định rõ các điều kiện tối thiểu để một trường đại học có thể thành lập mới tại một địa phương, tại một vùng địa lý kinh tế cụ thể.

Trước khi Chính phủ quyết định thành lập một trường đại học mới cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố, điều kiện, vị trí địa lý, tính đặc thù, sự khác biệt về ngành nghề đào tạo, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo các trường mới thành lập sẽ phát triển tốt và không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các trường đại học đã có từ trước trong khu vực và họ đang thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo phục vụ xã hội về ngành nghề ấy.

Thứ hai, về điều kiện mở ngành mới, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, rà soát lại, quy định lại điều kiện mở ngành, không phải ngành nào cũng giống ngành nào. Cần phải xác định một số ngành nghề đặc biệt, các ngành cần yếu tố kỹ thuật cao, tay nghề thực hành nhiều phải có các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện mở ngành, như cần đủ về nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành, thực tập, nghiên cứu.

Thứ ba, vấn đề tài chính và đầu tư cho đại học. Trong dự thảo luật đã có các Điều 64, 65, 66 về cơ chế tài chính để phù hợp với tự chủ đại học. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Lan góp ý thêm: Luật cần cụ thể hóa được chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, trường đại học là trung tâm của đổi mới sáng tạo để ưu tiên đầu tư nguồn lực cho đúng hướng.

Luật cần phải thể hiện được quan điểm tự chủ đại học không có nghĩa là để các trường đại học tự lo, tự bơi. Không phải Nhà nước cắt kinh phí đầu tư mà chỉ thay đổi cách đầu tư cho hiệu quả hơn.

Căn cứ vào các chỉ số đầu ra và chất lượng sản phẩm của các trường, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục đại học là hướng đi đúng nhưng nhà nước vẫn cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ đào tạo một số ngành đặc thù như: ngành y, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, nông lâm ngư và một số ngành khó xã hội hóa thông qua hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các trường đại học có thế mạnh về lĩnh vực đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ