Tự chủ buộc các trường đầu tư có trọng điểm
Tự chủ đại học đã nhắc đến từ lâu và được dư luận quan tâm. Là người đứng đầu của một trường đại học đã thực hiện tự chủ từ hơn 20 năm nay, Tiến sỹ quan tâm đến vấn đề gì trong tự chủ đại học hiện nay?
- Trước hết phải khẳng định rằng, tự chủ đại học là xu thế tất yếu hiện nay, là con đường để các trường phát triển bền vững. Nhiều người quan ngại về vấn đề tài chính, học phí khi thực hiện tự chủ. Theo tôi, giáo dục đại học là giáo dục nghề nghiệp (không phải giáo dục phổ cập), giúp cho người học có việc làm và có thu nhập tốt sau khi ra trường. Vì thế người học trả học phí để có được kiến thức, kỹ năng là hoàn toàn hợp lý với xu hướng kinh tế thị trường.
Gần đây, tự chủ được phát triển khá mạnh bởi Nhà nước không thể bao cấp mãi được. Tuy nhiên không bao cấp không có nghĩa là không đầu tư. Nhà nước vẫn đầu tư nhưng đầu tư có trọng điểm và có chiều sâu, không dàn trải. Có như vậy chúng ta mới có được các trường đại học, ngành học có sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Cũng nên nhìn nhận rằng, tự chủ thực chất vẫn được đầu tư, nguồn đầu tư đó chính là học phí của sinh viên. Trường nào có uy tín, có chất lượng đào tạo tốt (sinh viên ra trường có việc làm) thì sẽ được xã hội đầu tư (đây chính là hình thức xã hội hoá) thông qua học phí do sinh viên theo học đóng góp. Điều đó có nghĩa, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thúc đẩy quá trình phát triển bình đẳng hay nói cách khác là, tự chủ thúc đẩy quá trình đầu tư bình đẳng cho các trường đại học.
Khi tự chủ, buộc các trường phải đầu tư có trọng điểm, có chất lượng từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đến chất lượng đào tạo thông qua việc tổ chức đào tạo tốt, có hiệu quả để trường mình có được uy tín trong xã hội. Nói cách khác, khi tự chủ, các trường sẽ phải công bố tất cả các vấn đề thuộc về đảm bảo chất lượng và phải giải trình trước xã hội.
Khi đó người học có thêm thông tin để lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp với năng lực cá nhân và vị trí việc làm trong tương lai. Điều này hoàn toàn có thể làm được bằng cách: Sinh viên tự thiết lập cho mình một bảng chọn với đầy đủ các tiêu chí và có thể chọn trường, ngành phù hợp theo phân khúc mà mình mong muốn. Ví dụ như: ngành nghề, cơ sở vật chất, đội ngũ, chuẩn đầu ra, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo, phong trào hoạt động xã hội, học phí, học bổng…
Tự chủ dẫn tới trách nhiệm giải trình
Nếu theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thì các trường sẽ được tự chủ một cách toàn diện. Liệu đây có phải là giải pháp giúp các trường chuyển mình và bắt nhịp với thực tiễn?
- Theo tôi, tự chủ luôn gắn liền với thực tiễn. Chẳng hạn như: Nếu tôi cấp tiền cho anh thì rất có thể anh sẽ còn mơ hồ (thậm chí vô trách nhiệm) và đầu tư vào đâu đó mà rất xa rời với thực tiễn, xa rời thị trường lao động. Nhưng khi anh tự chủ rồi, mọi thứ sẽ khác. Lúc đó, buộc anh phải tính toán, tham gia trực tiếp vào thị trường lao động (thông qua phản hồi từ nhà sử dụng lao động) và bị thị trường lao động chi phối.
Theo quy luật, nếu anh cung cấp cho thị trường những lao động không có chất lượng thì sẽ không có người học đến với anh. Như vậy, buộc anh phải tự chuyển mình, nâng cao chất lượng đào tạo để được xã hội chấp nhận. Rõ ràng, nếu nhìn từ thị trường lao động thì tự chủ đại học tuân thủ đúng với quyền lựa chọn của thị trường chứ không phải khiên cưỡng.
Trở lại câu chuyện về tự chủ toàn diện, tôi cho rằng chủ trương này đã “mở cửa” cho các trường đại học. Theo đó, các trường sẽ được tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước Nhà nước và xã hội. Tự chủ sẽ giúp các trường tự quyết định lộ trình phát triển của mình và rút ngắn được thời gian để trường thực hiện được công việc vốn vẫn được cho là cồng kềnh về thủ tục hành chính.
Liệu có xảy ra tình trạng lạm quyền khi thực hiện cơ chế tự chủ, thưa TS?
- Tôi cho rằng, cần phân định tường minh hai khái niệm: tự chủ và tự do. Tự chủ không có nghĩa là tự do, muốn làm gì thì làm. Khi tự chủ các trường sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội. Khi đó mọi thứ đều được công khai, minh bạch, buộc các trường phải làm thận trọng.
Ngoài ra, còn có cơ chế giám sát của Hội đồng trường, của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Ngay như ở Viện Đại học Mở Hà Nội, sau mỗi buổi học, sinh viên có quyền góp ý, phản hồi ý kiến thông qua phần mềm mở. Ý kiến của sinh viên có thể là thước đo để giảng viên, nhà trường điều chỉnh phù hợp. Chẳng hạn khi sinh viên phản hồi là học không hiểu thì nhà trường sẽ phải xem xét xem lý do xuất phát từ giảng viên, hay từ chương trình? Nếu từ giảng viên thì do chuyên môn hay do nghiệp vụ sư phạm… Từ đó nhà trường có thể nắm bắt được để điều chỉnh hoạt động nhằm đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.
Xin cảm ơn TS!