Quy định rõ trách nhiệm giải trình của các trường đại học
Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã chỉ ra quyền tự chủ cho các trường đại học. Tuy nhiên do chưa quy định rõ, nên việc thực hiện tự chủ theo luật chỉ là tự lo về tài chính, còn các quyền khác chưa được thực hiện.
Dự thảo Luật sửa đỏi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học lần này đã giao phần lớn công việc quản trị các trường đại học cho tự thực hiện. Điều này cho phép các trường thực sự thực hiện được quyền tự chủ, không chỉ về tài chính mà cả về đào tạo, về khoa học, về tổ chức bộ máy và nhân sự.
Các trường phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước và đặc biệt chúng ta biết tài sản giá trị lớn nhất không phải chỉ là tài sản vật chất mà quan trọng hơn là tài sản vô hình như danh tiếng, uy tín.
Chính vì vậy, quyền về sở hữu tài sản của các trường đại học thuộc về quyền của cả xã hội, trong đó có người học, cựu học viên và người sử dụng lao động.
“Vì vậy, tôi đề nghị trong luật lần này cần phải quy định rất rõ trách nhiệm giải trình của các trường đại học đối với người học, cựu học viên và đối với những đơn vị là người sử dụng lao động về các chuẩn đầu ra, sản phẩm đào tạo của mình” - đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Trong luật lần này cần phải quy định rất rõ trách nhiệm giải trình của các trường đại học |
Nhà nước cấp ngân sách theo cơ chế đặt hàng
Đồng tình cao với những thay đổi mang tính chất đột phá về cơ chế tài chính, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cơ chế thu học phí của các trường đại học phải dựa trên cơ sở tính giá dịch vụ đào tạo.
Chúng ta vẫn khẳng định, đây là các trường thu học phí và người học phải nộp học phí, nhưng không phải dựa vào Luật Phí và lệ phí mà phải dựa vào cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí đào tạo. Trên cơ sở đó, các trường mới có cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc đào tạo các chương trình có chất lượng cao.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ sự đồng tình với cơ chế đầu tư ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học. Đại biểu Cường lý giải, không phải tự chủ là không cấp ngân sách, nhưng cấp ngân sách ở đây là theo cơ chế đặt hàng để xóa bỏ tính chất bình quân như trước đây.
Phải tạo ra một cơ chế bình đẳng cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập với các trường ngoài công lập. Với cơ chế này chúng ta cũng khắc phục được tình trạng những trường yếu kém nhưng vẫn được cấp ngân sách nhưng cuối cùng kết quả học tập không tốt, ra trường không làm việc được.
Như vậy không chỉ lãng phí ngân sách nhà nước, mà lãng phí lớn hơn đó là các em đã mất thời gian 4, 5 năm tuổi trẻ của mình để vào đây học nhưng không thu được nhiều kết quả.