Tự chủ đại học: Khơi thông sáng tạo

GD&TĐ - Tự chủ đại học chính là khơi thông nguồn lực, tự chủ là khơi thông sự sáng tạo chứ không phải là tự chủ để cho anh thích làm gì thì làm.

Tự chủ đại học chính là khơi thông nguồn lực, khơi thông sự sáng tạo. Ảnh minh họa/internet
Tự chủ đại học chính là khơi thông nguồn lực, khơi thông sự sáng tạo. Ảnh minh họa/internet

Tạo điện kiện cho các đơn vị chủ động sáng tạo

Trước đây chúng ta có một thời “ông chủ chọn nhân viên” nhưng ngược lại chính những người nhân viên cũng chọn ra ông chủ của mình. Có như vậy tinh thần phục vụ và trách nhiệm của chúng ta đối với nhau sẽ cao hơn.
 Đại biểu Ngọ Duy Hiểu

Đó là ý kiến của Đại biểu Ngọ Duy Hiểu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khóa XIV khi trao đổi với phóng viên báo Giáo dục & Thời đại, về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Theo Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, tự chủ là xu thế của thế giới. Thực tế đã có nhiều trường thành công. Tại Việt Nam, nhiều trường đại học tự chủ cũng đã gặt hái được nhiều thành công, chẳng hạn: Trường ĐH Tôn Đức Thắng… Tự chủ đại học chính là chúng ta khơi nguồn sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học sau này.

“Tôi cho rằng, nhân việc xây dựng Luật giáo dục lần này, chúng ta cần xây dựng được những quy định, định hướng cho vấn đề tự chủ. Tự chủ ở đây, không có nghĩa là khoán trắng mà chúng ta tạo điện kiện cho các đơn vị chủ động sáng tạo.

Nhà nước vẫn phải tham gia vào những mặt hết sức cần thiết để tạo thêm nguồn lực. Ở đây, tự chủ đại học chính là khơi thông nguồn lực, tự chủ là khơi thông sự sáng tạo chứ không phải là tự chủ để cho anh thích làm gì thì làm” - Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: Năng lực quản trị là yếu tố quyết định thành bại trong điều kiện giáo dục đang có sự cạnh tranh rất lớn hiện nay
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: Năng lực quản trị là yếu tố quyết định thành bại trong điều kiện giáo dục đang có sự cạnh tranh rất lớn hiện nay

Yếu tố quyết định thành bại

Cũng theo Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, vấn đề quản trị là hết sức quan trọng cho các trường học nói chung, nhất là những trường thành công hay không đều phụ thuộc rất nhiều vào năng lực quản trị của người đứng đầu.

Năng lực quản trị là yếu tố quyết định thành bại trong điều kiện giáo dục đang có sự cạnh tranh rất lớn hiện nay gồm cả cạnh tranh trong nước và trên thế giới.

Phải đổi mới quản trị giáo dục thì chúng ta mới tiếp cận được những chuẩn mực quốc tế về giáo dục, đồng thời chúng ta mới phát huy được sự năng động, sáng tạo và chúng ta thu hút được nguồn lực xã hội hóa và chúng ta cũng làm cho chất lượng đầu vào cũng như chất lượng đầu ra của chúng ta tốt hơn.

Về công nhận hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu – lựa chọn phương án: Hội đồng trường bầu và sau đó Bộ GD&ĐT phê chuẩn kết quả đó.

Như vậy sẽ tạo cho các trường chủ động, sáng tạo và hơn ai hết những người cùng làm việc với nhau là những người biết được đồng chí của mình ai xứng đáng để làm ở vị trị thủ lĩnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ