Hội thảo góp ý Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học |
Sửa Luật nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước
Dự hội thảo có đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT, GS.TS Đặng Kim Vui – Giám đốc Đại học Thái Nguyên, cùng cán bộ, giảng viên các trường đại học thành viên đại học Thái Nguyên, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc yêu cầu các đại biểu đóng góp ý kiến xây dựng cho bản dự thảo để sửa đổi bổ sung, hoàn thiện Luật giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục đại học hiện nay nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước.
Đặc biệt là các đại biểu là cán bộ, giảng viên đại học, từ kinh nghiệm thực tiễn đào tạo của trường mình bày tỏ quan điểm về những nội dung trong bản dự thảo, những điểm còn nhiều ý kiến khác nhau để ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện chỉnh sửa bản dự thảo… Nhất là những nội dung trong tăng cường tự chủ đại học, xây dựng cơ chế tự chủ cho các trường hoạt động.
Sau khi nghe bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học trình bày những nội dung trong bản Dự thảo, sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục đại học trong tình hình hiện nay, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến cho bản dự thảo.
Hội đồng trường bầu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc (giữa) chủ trì hội thảo góp ý Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. |
Bà Nguyễn Thị Tính – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên đã bày tỏ nhất trí với những nội dung bản dự thảo. Đồng thời góp ý: ở điều 15 khoản 4, bà đề nghị lựa chọn phương án hai quy định là "trường thành viên", "viện nghiên cứu thành viên".
Điều 16, lựa chọn phương án hai là bầu hiệu trưởng. Theo bà Tính, chọn phương án này dùng chung được cho tất cả các trường.
Điều 20 chọn phương án hai là Hội đồng trường tổ chức thực hiện quy trình bầu Hiệu trưởng và các phó Hiệu trưởng trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận; đánh giá hiệu quả hoạt động của hiệu trưởng hàng năm, lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ, đột xuất, nếu thấy cần thiết; bổ sung tiêu chuẩn hiệu trưởng trước khi được bầu, đối với cấp trường quản lý, thâm niên là 5 năm.
Về thành phần hội đồng trường, ông Nguyễn Bình Nhự - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang cho rằng phải tăng số cán bộ, giảng viên trong trường tham gia hội đồng trường, giảm bớt số lượng thành viên hội động trường là người ngoài trường (theo luật hiện nay, 30% là nhiều) nhằm tăng cường tính sát thực với chuyên môn trong các hoạt động, quyết định của hội đồng đến các hoạt động chuyên môn của trường đại học.
Ông Nhự cũng bày tỏ đồng ý với quan điểm thứ nhất: sửa đổi quy định về Hội đồng trường (Điều 16) và quy định về Hiệu trưởng (Điều 20) theo hướng là Hội đồng trường tổ chức thực hiện quy trình bầu Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng trình Bộ GDĐH công nhận.
Quy định cụ thể nhiều hoạt động của trường, hội đồng trường
Các đại biểu phát biểu ý kiến đóng góp Hội thảo góp vào Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. |
Ông Nguyễn Bá Đức – Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Trào cho rằng: từ thực tiễn của trường đại học của tỉnh miền núi cho thấy, lần điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, bước đi của các trường đại học các vùng miền cả nước.
Lần sửa đổi luật lần này phải khẳng định được những cơ sở giáo dục đại học, những đối tượng điều chỉnh phải tuân thủ luật giáo dục đại học. Nên điều 3 của bản dự thảo phải ghi rõ: việc tổ chức hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học phải tuân thủ Luật giáo dục đại học, những công tác khác không được quy định trong luật này mới tuân theo các văn bản luật, dưới luật khác… mới đảm bảo chặt chẽ.
Điều về hội đồng trường, thực chất nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường là hoạt động theo chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn của trường đại học. Tuy thế về ngân sách và bộ máy giúp việc sẽ phải thêm bộ máy giúp việc cho hội đồng trường;
Theo ông Đức, vấn đề đặt ra là ngân sách hoạt động cho riêng bộ máy này có thuộc ngân sách hiệu trưởng cấp hay không để độc lập với hiệu trưởng, bộ máy giúp việc cho hội đồng trường được thành lập từ đâu… Luật phải làm rõ vấn đề này để không tăng thêm cán bộ trong trường và đảm bảo hoạt động độc lập cho hội đồng trường.
Ông Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Y dược – ĐH Thái Nguyên lại cho rằng ngân sách hoạt động của hội đồng trường nên theo quy chế chi tiêu nội bộ của trường đại học để phù hợp với kế hoạch thu, chi tài chính hàng năm của trường; Trong đó khi quyết định kinh phí hoạt động của trường trong kế hoạch hàng năm, có dành riêng kinh phí hoạt động cho hội đồng trường.
Các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung sửa đổi: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ GDĐH trên các phương diện: hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản; Nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở GDĐH; Đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn quốc tế; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với GDĐH; Vấn đề còn kiến còn nhiều ý khác nhau về cơ cấu tổ chức trường đại học và công nhận hiệu trưởng các phó hiệu trưởng trường đại học.