Minh định tính pháp lý, hướng đến chăm lo đội ngũ nhà giáo

GD&TĐ - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD và Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD ĐH đã chính thức được Bộ GD&ĐT công bố. 

Minh định tính pháp lý, hướng đến chăm lo đội ngũ nhà giáo

Quan điểm từ các nhà quản lý nhận xét cho thấy: Hai Dự thảo lần này đã có những điều chỉnh, bổ sung nhiều vấn đề sát sườn với đời sống giáo dục nước nhà, với công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo Nghị quyết 29. TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đã trao đổi với Báo GD&TĐ xung quanh hai dự thảo Luật này.

Ông nhận thấy Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD vừa mới công bố có điểm gì mới mang tính thiết thực cho đội ngũ giáo viên?

Đó rõ ràng là đề xuất lương giáo viên được xếp ở mức cao nhất. Tuy nhiên, những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung về GD vốn rất nhạy cảm, thậm chí làm khó những người làm chính sách.

Tôi lấy ví dụ: Khi lĩnh vực GD, giáo viên mà không được đầu tư thì chúng ta đã thấy rất rõ những bất cập và hệ luỵ. Lương người thầy không đủ sống thì làm sao mà yên tâm làm công việc trồng người được!? Tuy vậy, khi ngành Giáo dục thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực được gọi là quốc sách hàng đầu này bằng minh chứng “lương giáo viên được xếp ở mức cao nhất” thì dư luận lại dậy sóng.

Bao nhiêu câu hỏi đặt ra là “con tôi không có thời gian nghỉ ngơi”, “nâng lương liệu có nâng chất lượng đào tạo?”, “sao lại ưu ái ngành GD như vậy?”… Thực sự, rất mâu thuẫn khi nghe, đọc những dòng phản hồi như thế! Không tăng lương cho đội ngũ giáo viên - những người đang chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội – cũng bị “lên án” và khi đề nghị chính sách ưu đãi tôn vinh người thầy cũng bị “chỉ trích”, quá khó!

Về bản chất, thực tế cho thấy, sau khi tính toán bậc lương, một giáo viên mặc dù được tăng cũng chỉ chưa bằng lương của công nhân bậc thấp. Vì vậy, đề xuất này theo tôi cần kiên định thực hiện dù Chính phủ và Nhà nước sẽ phải đối phó với bài toán “phình” quỹ lương, tăng ngân sách. Nhưng đây là việc phải làm.

Dự thảo Luật GD đã khắc phục những khiếm khuyết và hạn chế gì, thưa ông?

Tôi thấy, những sửa đổi, bổ sung của Luật cho hệ thống GD quốc dân lần này đã được dư luận đánh giá theo hướng tích cực nhờ tính mở, sự linh hoạt, đạt sự liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.

Nhu cầu người học, năng lực đào tạo cũng như thị trường lao động luôn nằm trong một thể thống nhất cao. Dự thảo đã cho thấy, hệ thống GD được thiết kế theo hướng tạo điều kiện cho người học, có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo; đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại GD chung mà các quốc gia phát triển đã đi trước… đây là điều rất đáng ghi nhận.

Cá nhân tôi nghĩ, việc xây dựng hệ thống GD quốc dân theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người học là tốt, nhất là trong bối cảnh đào tạo theo hệ thống tín chỉ, hệ thống GD phải luôn là hệ thống mở, linh hoạt, phục vụ người học, phục vụ xã hội; tạo cơ hội để mọi người học tập suốt đời.

Các thể chế, chính sách và quy định pháp luật để hệ thống GD vận hành của Dự thảo Luật GD lần này theo ông đã đầy đủ và ổn chưa?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã kịp thời bổ sung một số quy định, thể chế, chính sách phù hợp. Cụ thể, bổ sung Điều 14a về Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD để phù hợp với Luật Quy hoạch (đang được trình Quốc hội thông qua) và thực tiễn phát triển GD thời gian tới.

Theo đó, bổ sung lần này đã giao hẳn nhiệm vụ về cho UBND cấp tỉnh, các địa phương căn cứ vào đó xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở GD do địa phương quản lý, trình HĐND cùng cấp phê duyệt làm sao đảm bảo phù hợp với Luật GD ĐH, Luật GD nghề nghiệp, nhằm xây dựng phát triển GD mầm non, GD phổ thông, GDTX.

Đây là điểm rất rõ ràng, nó tạo tiền đề để chúng ta nhanh chóng quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới trường lớp một cách đầy đủ và khoa học nhất.

Các chính sách đối với nhà giáo được luật hóa trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD đã đầy đủ và ổn chưa?

Về chính sách đối với nhà giáo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc GD mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật GD, (“Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”).

Tôi rất đồng quan điểm: Khi đã xác định GD là quốc sách hàng đầu, chính sách với nhà giáo của chúng ta không chỉ là vấn đề tiền lương. Nền GD nước nhà đang đòi hỏi rất nhiều chính sách tổng thể mang tính hệ thống, và xu hướng tự chủ là tất yếu, không thể phụ thuộc vào Nhà nước mãi được. Việc Nhà nước tạo ra khung chuẩn để nền GD phát triển tự nhiên là hết sức cần thiết.

Tự chủ đại học cần được đẩy mạnh. Vậy Điều 32 về Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GD đại học trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD ĐH lần này đã bao hàm hết khái niệm về vấn đề tự chủ chưa, thưa ông?

Vấn đề tự chủ đại học, ngành GD hay nói chính xác là người đứng đầu ngành đã có chủ trương cho các trường tự chủ toàn diện. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của hệ thống GDĐH các nước trên thế giới.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung gần như đã mở cho các trường tự chủ một cách toàn diện như: Về tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế…

Vậy tại sao vẫn còn vướng mắc và vẫn đang dành cho số ít các trường? Vẫn còn đâu đó chưa hiểu hết ý nghĩa của việc trường được tự chủ là cả về tổ chức, nhân sự, tài chính tài sản, đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ, đảm bảo chất lượng, hợp tác quốc tế.

Đương nhiên, khi anh tự chủ thì anh sẽ đi đôi với tự chịu trách nhiệm. Chịu trách nhiệm trước hết là với chính mình, sau đó sẽ là trách nhiệm đối với khách hàng, xã hội. Hãy xem tất cả những ai trong hệ thống đều là những khách hàng, họ cần được tôn trọng. Tự chủ sẽ gắn liền với sự chủ động.

Xin cảm ơn ông!

“Hiện nay, thang bảng lương của giáo viên thực sự chưa phù hợp, vì thế cần thiết kế lại. Tuy nhiên, cũng hết sức lưu ý, cần mạnh mẽ quyết liệt hơn trong việc tinh giản bộ máy biên chế vì hiện nay đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong ngành GD còn rất đông, nguồn ngân sách có hạn. Việc tinh giản theo hướng tinh lọc là hết sức cần thiết”. TS Trần Đình Lý

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ