Loại hình đào tạo cũng sẽ không ghi lên văn bằng như hiện nay. Đây là bước đột phá trong việc không phân biệt hình thức đào tạo, tạo sự bình đẳng trong hoạt động đào tạo, hướng đến quản lý chất lượng, trường có chất lượng, có uy tín thì xã hội ghi nhận, người học sẽ theo. TS Trương Tiến Tùng - Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội - nhấn mạnh.
Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật GDĐH được coi là rất mở, như quy định về loại hình đào tạo sẽ chỉ còn tập trung và không tập trung, chứ không còn chính quy và đào tạo thường xuyên nữa. Là người đừng đầu một cơ sở đào tạo từ xa có đông học viên, quan điểm của ông về việc này thế nào?
Tại khoản 2, Điều 6 của Dự thảo có quy định về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục ĐH quy định, các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung. Đứng cả về phía nhà trường và người học thì tôi cho rằng đây là quy định hết sức hợp lý, việc không còn ghi lên văn bằng là hình thức đào tạo chính quy hay đào tạo từ xa lên là Luật đã công nhận quyền bình đẳng trong đào tạo của trường và người học, điều này cũng xóa bỏ tâm lý “chính quy hơn đào tạo từ xa” đã bám rễ lâu trong xã hội.
Nhưng không phải xã hội, người dân không có lý khi lo lắng về sự khác nhau về chất lượng của 2 loại hình đào tạo này?
Nói như thế thì vô cùng, thực tế là ở loại hình đào tạo nào cũng đều có người giỏi và người kém. Điều quan trọng quyết định chất lượng có một phần không nhỏ từ ý thức của chính người học đó. Không thể nói là đào tạo từ xa kém chính quy, như ở Viện ĐH Mở Hà Nội, học viên của chúng tôi có ở khắp các vùng miền đất nước, đa phần trong số họ đều đã tốt nghiệp một trường ĐH nào đó.
Nhưng nay yêu cầu chuyên môn khác, bắt buộc họ phải học thêm một chuyên ngành mới nhưng do điều kiện công tác nên bắt buộc phải theo học loại hình đào tạo từ xa. Thực tế cho thấy rất nhiều người ý thức học tập tốt, cùng với sự quản lý đào tạo khắt khe của Viện nên chất lượng đào tạo không hề thua kém chính quy.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định Hội đồng trường bầu hiệu trưởng là điểm mới tăng quyền tự chủ cho trường. Quan điểm của ông về việc này thế nào, thưa ông?
Theo như tôi biết thì tại Điều 16 và 20 quy định về Hội đồng trường đã quy định cụ thể về số lượng thành viên hội đồng trường là 17 người. Đây là số lẻ; các thành viên bên ngoài trường chiếm tỷ lệ tối thiểu 30% tổng số thành viên, trong đó bao gồm một đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Hay như quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của hội đồng trường cũng là khá chi tiết, trong đó có quyền tổ chức thực hiện quy trình bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng. Các quy định trên đã thể hiện tính dân chủ trong biểu quyết các vấn đề quan trọng, quyết định đường hướng phát triển của trường sẽ không bị chi phối bởi cá nhân nào.
Theo tôn chỉ, mục đích đặt ra, Hội đồng trường là cơ quan quản trị, quyền lực cao nhất trong trường ĐH nên Hội đồng trường thực hiện quyền tự chủ trong việc bầu hiệu trưởng và trình kết quả bầu để Bộ GD&ĐT công nhận, nhằm thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về GDĐH, thực hiện giám sát các tiêu chuẩn cũng như việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các chức danh lãnh đạo trong các cơ sở GDĐH, là điều cần thiết và hợp lý. Rõ ràng quy định trên thể hiện rõ quan điểm của Bộ GD&ĐT là để các trường thực hiện quyền tự chủ của mình, Bộ không can thiệp mà chỉ giám sát các quy trình và tiêu chuẩn đã được quy định chuẩn với chức danh hiệu trưởng. Điểm mới này tôi nghĩ xã hội, người học sẽ đều tán đồng vì điều này thể hiện đúng chức năng, quyền hạn thực của Hội đồng trường.
Theo Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật GDĐH các cơ sở GDĐH được quyền tự chủ các hoạt động tài chính, chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo. Ý kiến của ông ra sao?
Dự thảo đã chỉ rõ, tạo sự chủ động cho cả nhà trường và người học trong chi tiêu tài chính như: Các trường được quyền chủ động xây dựng và quyết định giá dịch vụ đào tạo, nhưng phải theo quy định của Chính phủ về giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo; Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh. Hay như quy định cơ sở GDĐH công lập thuộc loại tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư hoặc loại tự chủ chi thường xuyên, có nghị quyết thông qua chủ trương của Hội động trường, được sử dụng nguồn tài chính trong việc quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp của cơ sở GDĐH và các nguồn hợp pháp khác do cơ sở GDĐH tự huy động. Những quy định trên một lần nữa khẳng định quyền tự chủ cho các trường.
Cũng như vậy, các quy định sử dụng vốn, tài sản và giá trị thương hiệu của nhà trường để liên kết với các tổ chức và cá nhân thực hiện đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước; Quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu học phí và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ, bao gồm cả chi tiền lương, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở GDĐH. Những quy định này đều hướng đến việc các trường tự chủ tuyệt đối, điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy việc thực hiện quyền tự chủ để các trường có trách nhiệm và lớn mạnh hơn.
Xin cám ơn ông!