Cần xác định mục đích học tập của nhóm
Vật lý là bộ môn khoa học thực nghiệm, vì vậy hoạt động nhóm có những đặc thù riêng. Mỗi học sinh cần có sự quan sát tỉ mỉ, hỗ trợ nhau một cách nhịp nhàng trong tất cả các thao tác thí nghiệm để đưa ra một phát hiện mới, hoặc giải quyết một bài toán mới. Từ đó, bổ sung cho nhau kinh nghiệm về khoa học trong cuộc sống, các kĩ năng thực hành, nâng cao tư duy phê phán, tư duy logic.
Nhấn mạnh điều này, thầy Nguyễn Huy Hùng - Giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) - cho rằng: Điều quan trọng đầu tiên là học sinh phải được giới thiệu và sử dụng được các thiết bị thí nghiệm, đồ dùng học tập đúng cách, an toàn.
Tiếp đến, cần xác định mục tiêu học tập của nhóm; giao nhiệm vụ cho từng nhóm rõ ràng, xác định rõ tiến trình của mỗi nhóm cũng như hoạt động cụ thể của học sinh, xác định thời gian hoạt động nhóm và kết quả hoạt động nhóm ghi vào phiếu học tập...
Mỗi thành viên đều hoàn thành công việc được giao và kiểm tra các thành viên khác cùng hoàn thành. Để nhóm hoạt động hiệu quả, bản thân mỗi thành viên trong nhóm cần được trang bị các kỹ năng cần thiết. Đồng thời, phải biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhau, trợ giúp nhau hoàn thành công việc.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ người nói, phân tích, tư duy theo hướng tích cực, học sinh cần có kỹ năng đưa ra các câu hỏi chất vấn. “Đây là một kỹ năng khó, ngay cả với giáo viên” - thầy Nguyễn Huy Hùng cho hay.
Về cách chia nhóm, theo thầy Hùng, có thể chia nhóm ngẫu nhiên, có thể chia nhóm theo bạn thân; theo học lực hay kinh nghiệm trong lớp; cũng có thể chia nhóm theo vị trí ngồi... Số lượng thành viên của nhóm tùy thuộc vào hoạt động học sinh cần thực hiện.
Tạo “nguyên liệu” đầu vào
Để có thể thiết kế và tổ chức các hoạt động nhóm hiệu quả đối với các môn học nói chung, môn Vật lý nói riêng, thầy Trần Văn Huy (Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, Hà Nội) - cho rằng:
Trước hết, giáo viên cần có một cái nhìn khái quát về việc thiết kế một bài học. Theo đó, mỗi bài học, mỗi hoạt động cần xác định rõ mục tiêu, nội dung, kỹ thuật tổ chức và sản phẩm cần đạt.
Trong các phương pháp tổ chức, thầy Huy cho biết mình thường sử dụng dạy học theo trải nghiệm. Người học có thể đã đọc một số tài liệu hoặc đã thử làm theo hướng dẫn một số bài giới thiệu nhập môn và chủ đề cần đọc, hoặc tự mình mò mẫm trong giây lát với máy móc trong phòng lab...
Tất cả các yếu tố đó sẽ tạo ra các kinh nghiệm nhất định cho người học và chúng trở thành “nguyên liệu đầu vào” quan trọng của quá trình học tập. Tuy vậy, theo thầy Huy, kinh nghiệm quan trọng nhất là những kinh nghiệm mà các giác quan của con người có thể cảm nhận rõ ràng được.
Để làm rõ quan điểm của mình, thầy Trần Văn Huy đưa ví dụ minh họa cho những nhiệm vụ giao cho các nhóm thực hiện qua trải nghiệm.
Như, trong phiếu hoạt động nhóm dạy bài “Ném ngang, ném xiên” trong chương trình Vật lý lớp 10, giáo viên thiết kế có hai mức độ. Phần 1 tất cả các nhóm có thể làm được nhằm tạo sự hào hứng cho học sinh; phần 2 học sinh phải thảo luận kĩ, giúp học sinh hiểu kiến thức sâu sắc.
Hay khi thiết kế phiếu hoạt động nhóm dạy bài “Mô men lực” - Vậy lý 10 - việc áp dụng lớp học đảo ngược sẽ rất hiệu quả. Học sinh sẽ phải tự học qua mạng theo yêu cầu và thiết kế của giáo viên.
Phiếu học tập này giúp học sinh vận dụng những vấn đề đã tự học để giải quyết, từ đó bộc lộ những vấn đề mà trong quá trình học sinh tự học chưa hiểu rõ.
“Với những hoạt động trải nghiệm trên, việc tổ chức hoạt động nhóm trở nên hấp dẫn hơn, thu hút được sự chú ý của học sinh. Qua quá trình tiến hành, tôi nhận thấy học sinh thảo luận và suy nghĩ rất hào hứng khi thực hiện nhiệm vụ, từ đó, những năng lực dần được hình thành.
Tuy nhiên, giáo viên cần phải đầu tư thời gian mới có thể soạn được những bài cụ thể như vậy. Do đó, để triển khai rộng rãi hoạt động học qua trải nghiệm cần làm dần dần, trước hết mỗi chương chọn một bài để làm. Qua thời gian, cách thức tổ chức mới sẽ được hoàn thiện và tiến đến triển khai rộng rãi” - thầy Trần Văn Huy cho biết.