Hiểu sự cần thiết, ý nghĩa của hoạt động này nên các nhà trường, giáo viên đã và đang chủ động, tích cực để công tác tự bồi dưỡng thêm hiệu quả.
Kinh nghiệm trường vùng khó
Thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát – Thanh Hóa) cho biết: Trường có 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó 20 giáo viên thuộc dân tộc Thái, Mông, Mường… trình độ còn những hạn chế nhất định. Xác định chất lượng đội ngũ giáo viên quyết định hiệu quả giáo dục nên trường chú trọng tới công tác hỗ trợ, thúc đẩy nhà giáo tự bồi dưỡng.
Thầy Tùng cho biết: Thấm nhuần quan điểm tự bồi dưỡng đối với giáo viên của Bộ GD&ĐT “Chuyển quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng”, nhà trường tạo điều kiện cho giáo viên tự bồi dưỡng trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến LMS với hỗ trợ của đội ngũ cốt cán tại địa phương. Các thầy cô đã học xong 3 mô đun về “Tìm hiểu Chương trình GDPT 2018”; “Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”; “Kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”.
Ngoài ra, trường định hướng giáo viên tự bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp, khuyến khích thầy cô giáo mỗi tuần tự bồi dưỡng ít nhất một chuyên đề nhỏ mà bản thân thấy cần thiết. Hiện, 6/9 điểm trường Tiểu học Trung Lý 1 chưa có điện lưới. Để tự bồi dưỡng qua mạng, giáo viên phải di chuyển tới chỗ có điện, mạng Internet để tải tài liệu về nghiên cứu, hoặc in ra giấy.
Để hỗ trợ công tác tự bồi dưỡng, ban giám hiệu cũng tìm kiếm, tải về và chuyển cho giáo viên những tài liệu, nội dung, chuyên đề… cần thiết. Cùng đó, thông qua dự giờ, xác định những điểm yếu của giáo viên, ban giám hiệu và tổ chuyên môn sẽ xây dựng những chuyên đề cụ thể, phù hợp (cách dạy 1 tiết Toán, Tiếng Việt, hướng dẫn học sinh đọc… hiệu quả) rồi hướng dẫn trực tiếp cho họ theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.
“Bồi dưỡng chuyên môn giáo viên bằng tiết dạy mẫu cụ thể hiệu quả hơn so với yêu cầu ngồi nghe, nghiên cứu lý thuyết...” - thầy Tùng khẳng định.
Thầy Nguyễn Văn Tám – Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Lâm (Đầm Hà – Quảng Ninh) chia sẻ: Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng đại trà, trường lập các tổ nhóm chuyên môn trong đó có giáo viên cốt cán. Mỗi tổ chuyên môn chịu trách nhiệm bồi dưỡng từ 1 - 3 giáo viên còn yếu chuyên môn.
Bên cạnh đó, qua hoạt động dự giờ, tổ chuyên môn trực tiếp góp ý vào chuyên để giảng dạy, giúp giáo viên nắm được điểm yếu, điểm cần tự nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện.
Để hỗ trợ giáo viên tự bồi dưỡng, nhà trường còn đề xuất cùng đơn vị chuyên môn cấp trên tổ chức hoạt động bồi dưỡng qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hiện, nhà trường dù còn khó khăn vẫn đầu tư mua phần mềm bồi dưỡng trực tuyến để giáo viên thuận tiện trong công tác tự bồi dưỡng chuyên môn. Trong các hoạt động bồi dưỡng giáo viên của sở, phòng tổ chức, trường đều cử người tham dự nghiêm túc, đầy đủ.
Đặc biệt, trường luôn khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng qua tham dự các lớp học nâng cao kiến thức, kĩ năng Tin học; Tiếng Anh; Các môn chuyên biệt… Tạo điều kiện về mặt thời gian, vật chất khi giáo viên tham dự các lớp, khóa bồi dưỡng; Khuyến khích, động viên giáo viên có thành tích giáo dục tại các cuộc thi cấp huyện, tỉnh… Để có thành tích chắc chắn, giáo viên phải tự bồi dưỡng.
Cô Nguyễn Thị Thùy Dung – giáo viên Trường Mầm non 1 thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) cho biết: Hoạt động hỗ trợ giáo viên tự bồi dưỡng chuyên môn luôn được nhà trường quan tâm, tạo điều kiện.
Cụ thể, mỗi tháng 2 lần, các tổ chuyên môn lại tập huấn cho giáo viên. Nhà trường cũng tổ chức nhiều đợt bồi dưỡng vào khung giờ khác nhau để giáo viên luân phiên tham dự đầy đủ mà vẫn hoàn thành công việc trên lớp.
Dự giờ thăm lớp cũng là một cách bồi dưỡng giáo viên hiệu quả. Từ thực tế giờ dạy, giáo viên sẽ được góp ý và hướng dẫn trực tiếp từ ban giám hiệu, tổ chuyên môn, đồng nghiệp…
“Giáo viên thực sự tiến bộ, vững vàng hơn trong nghiệp vụ chuyên môn từ hoạt động bồi dưỡng của nhà trường, tổ chuyên môn. Trong bối cảnh giáo dục đổi mới, và yêu cầu cao hơn đối với giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ, sự hỗ trợ các cô bồi dưỡng và tự bồi dưỡng vô cùng hữu ích, cần thiết...” – cô Dung bày tỏ.
Tự bồi dưỡng - nhu cầu tự thân
Thầy Phạm Văn Mạnh – Giáo viên Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát – Thanh Hóa) chia sẻ về kinh nghiệm tự bồi dưỡng: “Tôi không đặt ra cho bản thân một ngày phải tự học, tìm hiểu bao nhiêu kiến thức, dành ra bao nhiêu giờ để tự học. Tôi tự bồi dưỡng kiến thức bất cứ khi nào có thời gian rảnh trong ngày. Các nội dung kiến thức tôi đọc thường phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy trên lớp. Mặt khác, quá trình triển khai Chương trình, SGK mới ở lớp 1 trên mạng có nhiều tài liệu phù hợp để nghiên cứu và hỗ trợ hữu ích cho vào giảng dạy. Tuy nhiên, với điều kiện vùng miền, đặc thù học sinh, tôi cân nhắc, lựa chọn kĩ càng khi áp dụng kiến thức tự bồi dưỡng vào thực tế”.
Cũng theo thầy Mạnh, quá trình đổi mới giáo dục với những yêu cầu đặt ra đòi hỏi người thầy không chỉ học trong sách vở, đồng nghiệp mà còn phải tự bồi dưỡng qua nguồn tài liệu, giáo án, kinh nghiệm tiên tiến của các nước. Tự bồi dưỡng đúng cách, hiệu quả sẽ giúp giáo viên không bị tụt hậu và nâng cấp bản thân thường xuyên, liên tục…
Thầy Lê Quang Tùng bày tỏ quan điểm: Nhà trường hỗ trợ hết sức cho quá trình tự bồi dưỡng của giáo viên. Tuy nhiên, giáo viên phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và tất yếu phải tự bồi dưỡng. Giáo viên cần hiểu, những tri thức khoa học và phương pháp sư phạm được đào tạo trên ghế nhà trường chưa thể thỏa mãn và đáp ứng yêu cầu đổi mới thường xuyên trong giáo dục. Do đó, việc tự bồi dưỡng đòi hỏi giáo viên phải có ý thức, tự giác.
Thầy Nguyễn Văn Tám cũng cho rằng, vấn đề tự học, tự bồi dưỡng trong đội ngũ nhà giáo cần sự quan tâm, thúc đẩy, tạo điều kiện tốt nhất từ nhà trường. Bên cạnh đó, nhận thức của mỗi giáo viên về vấn đề tự bồi dưỡng cần đúng đắn và có sự nỗ lực cá nhân.