Việc cấp bách cần làm ngay
Để thực hiện lời kêu gọi của Bác, ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành 3 sắc lệnh: Sắc lệnh số 17: “Đặt ra một Bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam”; Sắc lệnh số 19: “Trong toàn cõi nước Việt Nam sẽ thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối…”; Sắc lệnh số 20: “Trong khi chờ đợi lập được nền tiểu học cưỡng bách, việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ”.
Cũng trong ngày 8/9/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thừa ủy quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Nha Bình dân học vụ để triển khai nhanh chóng chiến dịch chống nạn mù chữ.
Đầu tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học”. Lời kêu gọi của Bác đã nhanh chóng thấm sâu vào tâm trí của mọi người, bất luận già, trẻ, lớn, bé, tôn giáo, tín ngưỡng, thành phần giai cấp, làm cho ai ai cũng đều thấy rõ chính sách ngu dân của thực dân Pháp, làm thức dậy lòng tự tôn dân tộc, đoàn kết tất cả mọi tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất để thực hiện nhiệm vụ của người công dân là chỉ trong vòng một năm, ai ai cũng biết đọc biết viết.
Với khí thế ngút trời của Cách mạng Tháng Tám, với những nỗ lực phi thường của cán bộ, giáo viên và nhân dân, đã tạo nên một thành tích to lớn về mặt văn hóa của đất nước, làm vang dội cả thế giới: Chỉ sau một năm (8/9/1945 - 8/9/1946) hoạt động Bình dân học vụ (BDHV), đã có 74.957 lớp học dạy xóa mù chữ (XMC) và có 2.520.678 người thoát nạn mù chữ (ước tính nước ta hồi ấy có 22 triệu người).
Thành tích vĩ đại
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, Đảng và Chính phủ vẫn không quên lãnh đạo toàn dân tiếp tục chiến thắng giặc dốt. Đến tháng 6/1950, số người được XMC, biết đọc biết viết trong cả nước là trên 10 triệu người. Tổng số đơn vị được công nhận thanh toán nạn mù chữ (TTNMC) là 10 tỉnh, 80 huyện, 1.424 xã, 7.248 thôn.
Năm 1950, Quốc hội khóa II đánh giá cao thắng lợi to lớn về XMC: “Cũng như thành tích chống giặc ngoại xâm và thành tích chống giặc đói, thành tích BDHV chống giặc dốt rất là vĩ đại…” và “… tiếp tục công tác chống nạn mù chữ, chúng ta đã cố gắng phát triển phong trào Bổ túc văn hoá (BTVH)”.
Từ năm 1951, Đảng ban hành chính sách nông thôn trong đó có chủ trương: “Tích cực bồi dưỡng cán bộ công nông đã được rèn luyện trong ngọn lửa chiến tranh cách mạng, mạnh dạn đưa nông dân vào các vị trí then chốt của chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở, phải tìm mọi cách giúp đỡ nông dân được học văn hóa để có đủ năng lực lãnh đạo”.
Bởi vậy, từ năm 1951, BDHV tiếp tục XMC và bước đầu tổ chức BTVH góp phần đào tạo cán bộ, bồi dưỡng sức dân đưa kháng chiến đến thắng lợi. Từ khi có hàng triệu người được XMC, BDHV chuyển sang hoạt động BTVH.
Nhiều trường lớp BTVH do ngành Giáo dục mở ra, trong đó có Trường phổ thông lao động T.Ư ra đời năm 1951 tại chiến khu Việt Bắc. Hình thức học tại chức là chủ yếu.
Những lớp BTVH tại chức và các trường BTVH tập trung được xây dựng và phát triển đã góp phần củng cố kết quả XMC, nâng cao dân trí, đào tạo và bồi dưỡng được nhiều cán bộ xuất thân từ công nông.
Linh hoạt trong từng giai đoạn lịch sử
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 7/1954, phong trào BDHV tiếp tục XMC cho nhân dân trong các vùng trước đây bị chiếm đóng. Chiến dịch 3 năm (1956 – 1958) đã hoàn thành căn bản xóa nạn mù chữ để thực hiện Nghị quyết T.Ư Đảng lần thứ 3 (1960) “Về giáo dục, trước mắt cần coi nhiệm vụ BTVH là nhiệm vụ hàng đầu…”.
Thực hiện chủ trương của T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tạo điều kiện cho nhân dân lao động sau khi được XMC có cơ hội tiếp tục học tập nâng cao trình độ văn hóa, hàng loạt các lớp BTVH tại chức và các trường BTVH tập trung đã được thành lập tại các xã, huyện, tỉnh và cả ở T.Ư. Từ đó, song song với công tác XMC, công tác BTVH được đẩy mạnh và phát triển.
Cuối năm 1955, ngay sau khi miền Bắc vừa được hoàn toàn giải phóng, Trường BTVH công nông T.Ư được thành lập và được ghi nhận như là một điển hình của mô hình BTVH.
Đây cũng chính là thời kỳ BTVH phát triển mạnh mẽ và rộng khắp ở các cơ quan, xí nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trong công cuộc xây dựng chế độ XHCN ở miền Bắc, đấu trang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một hệ thống trường BTVH công nông cùng với trường phổ thông lao động được hình thành.
Trường phổ thông lao động có nhiệm vụ chủ yếu là bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ có độ tuổi khá cao để trở về công tác tốt hơn ở cơ sở. Trường BTVH công nông có nhiệm vụ dạy chương trình phổ thông cho đội ngũ cán bộ còn trẻ và thanh niên ưu tú xuất thân từ giai cấp công – nông, để tuyển vào các trường đại học, trung học chuyên nghiệp.
Trường phổ thông lao động T.Ư hoạt động cho đến năm 1977, trong 26 năm đã hoàn thành 42 khóa học bồi dưỡng tri thức khoa học cho gần 10.000 cán bộ từ cấp huyện trở lên, trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ trung, cao cấp, các anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, chiến sỹ thi đua, dũng sỹ diệt Mỹ, cán bộ văn hóa - nghệ thuật.
Trường BTVH công nông Trung ương hoạt động cho đến năm 1964, trong 9 năm tồn tại đã cung cấp gần 7.000 học viên vốn là cán bộ đã kinh qua công tác, chiến đấu và những thanh niên là con em công – nông cán bộ ở cả 2 miền Nam Bắc có trình độ cấp 3 và đại học.
Trong đó, có 961 người được cử đi học đại học ở nước ngoài, 256 người sau đó trở thành phó tiến sĩ, tiến sĩ. Trong số đó, nhiều người trở thành những cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, những nhà quản lý giỏi, những nhà khoa học tài năng, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiêu biểu nhất là đồng chí Phan Văn Khải - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Mốc son lớn trong lịch sử giáo dục nước nhà
Hình ảnh thầy giáo người Dao giảng dạy trong lớp học Bình dân học vụ, xóa mù chữ cho các học trò tại Đà Bắc (Hòa Bình) sau khi nước ta giành độc lập năm 1945 |
Sau đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Phong trào BDHV tiếp tục phát triển khắp nơi, đầy khí thế. Cuối tháng 2 năm 1978, toàn bộ 21 tỉnh, thành ở miền Nam đã cơ bản TTNMC.
Sau khi cả nước đã căn bản TTNMC, tháng 8/1991, Quốc hội nước ta trong Kỳ họp thứ 9 khóa VIII đã thông qua Luật “Phổ cập giáo dục tiểu học” (PCGDTH), đặc biệt dành cho bậc học cơ sở. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VIII nêu rõ:
“… TTNMC cho những người trong độ tuổi 15 – 35, thu hẹp diện mù chữ ở các độ tuổi khác, đặc biệt chú ý vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, để tất cả các tỉnh đều đạt chuẩn quốc gia về XMC - PCGDTH trước khi bước sang thế kỷ XXI..”.
Để đạt được mục tiêu XMC - PCGDTH vào năm 2000, Ủy ban quốc gia chống mù chữ (UBQGCMC) đã được thành lập và tập trung nỗ lực XMC cho khoảng 1 triệu người từ 35 tuổi trở xuống, trước hết cho cán bộ và thanh niên.
Công việc XMC được thực hiện cùng với PCGDTH và các chương trình sau XMC để tránh hiện tượng tái mù chữ. Kết quả, đến năm 2000, tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước với 98,03% số quận/huyện; 98,53% số xã/phường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia XMC - PCGDTH; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đi học tiểu học; 94% dân số trong độ tuổi 15 - 35 đã biết chữ.
Đó thực sự là một mốc son lớn trong lịch sử giáo dục nước nhà. Mặc dù tỷ lệ biết chữ khá cao nhưng công tác XMC vẫn được duy trì liên tục, bền bỉ.
Tỷ lệ biết chữ độ tuổi 15 - 35 là 98,69%; độ tuổi tuổi 15 - 60 là 97,73%. Đến nay, tỷ lệ biết chữ độ tuổi 15 - 35 của người DTTS là 95,82%; độ tuổi 15 - 60 là 92,53%. 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,8% đơn vị cấp xã đạt chuẩn XMC.
Để nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ cán bộ cốt cán, thanh niên ưu tú và người lao động, Đảng và Nhà nước chủ trương mở thêm nhiều trường BTVH ở khắp các tỉnh phía Nam. Đến đầu những năm 1980, cả nước có khoảng 500 trường BTVH với nhiều loại hình khác nhau, như bổ túc dân chính, phổ thông lao động, bổ túc công nông, thanh niên dân tộc, trường bổ túc của các ngành, nhà máy, xí nghiệp, công trường.