Lớp bình dân học vụ của thầy Năm Lai thuở ấy

GD&TĐ - Cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai, thường gọi Năm Lai (1920 - 2002), bí danh Mai Hồng Quế, Năm U.Som, một chiến sỹ biệt động tài danh, với “vỏ bọc” nhà thầu khoán trang trí nội thất cho dinh Độc Lập (Phủ Đầu Rồng) của chính quyền Sài Gòn cho đến nay còn nhiều điều chưa được nhiều người tỏ tường. 

Lớp bình dân học vụ của thầy Năm Lai thuở ấy

Những năm dạy bình dân học vụ ở ấp Hòa Tây, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ tỉnh Long An có thể coi là một trong những nét sáng trong chân dung của người anh hùng này.

Sinh ra từ một làng quê nghèo ở làng Đông Trì, nay là xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình, năm 13 tuổi Trần Văn Lai đã rời quê lên Hà Nội kiếm sống rồi theo dòng người mộ phu vào đồn điền cao su Phú Riềng. Từ đây, được giác ngộ cách mạng, Năm Lai đã tham gia phong trào công nhân cao su ái hữu.

Khi phong trào Việt Minh nổi lên chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, ông tham gia lực lượng vũ trang, vào tiểu đoàn Quyết Tử 950, từng đã tham gia nhiều trận đánh góp phần lập nên những chiến công đặc biệt để tiểu đoàn này trở thành đơn vị Anh hùng LLVTND. Vào những năm 1952 - 1954, khi tiểu đoàn 950 đóng quân ở Đức Huệ thì Năm Lai được giao nhiệm vụ dạy bình dân học vụ để vận động cách mạng.

Theo lời kể của các nhân chứng vốn là học trò của thầy Năm thì ấp Hòa Tây và phần lớn đất đai của xã Bình Hòa Bắc

Ông Hoàng Văn Phúc sinh năm 1942, có bố là Hoàng Văn Trưng quê Hà Đông, mẹ là Vũ Thị Thái quê Thái Bình đi đồn điền cao su Phú Riềng được cách mạng đưa về ở đất Hội đồng Sầm. Cả hai vợ chồng ông Phúc đều theo học Thầy Năm được gần hai năm. Ông Phúc nói: “Nếu không có Thầy Năm thì chúng tôi mù chữ cả đời. Dạo ấy có phong trào bình dân học vụ, học được chữ nào thì có chữ ấy, chứ sau này chiến tranh liên miên làm gì có điều kiện mà học. Thầy Năm rời đất này đã hơn 60 năm nhưng chẳng bao giờ có ai quên thầy”.

Bà Vũ Thị Cấm sinh năm 1942, có bố là Vũ Hữu Loát quê huyện Quỳnh Phụ Thái Bình, mẹ là Vũ Thị Sắc quê Hưng Yên, ở làng xã nào chẳng rõ. Bố mẹ bà Cấm cùng đi mộ phu cao su, gặp nhau ở Phú Riềng và lấy nhau ở đó. Theo bà Cấm kể thì hai vợ chồng bà cũng đều được theo học Thầy Năm, sau đó chồng bà đi hoạt động rồi đưa cán bộ về ở trong nhà. Bà lo tiếp tế lương thực, thuốc men, đưa đón cán bộ từ đây lên căn cứ Ba Thu. Đầu năm 1974 bà Cấm bị địch bắt và giam giữ đến 30 tháng 4 năm 1975 thì được thả. Chồng bà bị sập hầm chết trong một trận bom Mỹ. Hồ sơ hoạt động của vợ chồng bà nay đã bị thất lạc.

Bà Vũ Thị Hơi sinh năm 1939, có bố mẹ từ Láng Hạ, Từ Liêm, Hà Nội đi mộ phu có bố là Nguyễn Văn Thắng, bộ đội thuộc sư 308 đã hy sinh ở gò Đống Le cũng là một trong những học trò cưng của Thầy Năm. Bà Cấm cho biết: Thầy Năm về đây đã cùng nhân dân trong ấp cùng đốn cây, kiếm lá dựng một lớp học.

Bên lớp học có đào một số hầm trú ẩn. Máy bay và tàu chiến của giặc Pháp mấy lần bắn cháy rụi. Cháy rồi thày trò cùng dựng lại. Thầy Năm rất thương yêu học trò, mỗi khi giặc bắn hoặc có tiếng máy bay gầm thét trên đầu, thầy lại lo hướng dẫn học sinh ra hầm trú ẩn. Có lần giặc Pháp nhảy dù vào càn quét, bắn vu vơ loạn xạ nhưng thầy và trò không ai bị tổn thương gì.

Ông Nguyễn Văn The sinh năm 1938, quê gốc tỉnh Bình Định nguyên là lớp trưởng cho biết: học trò theo học Thầy Năm thuở ấy rất đông, được chia thành hai lớp. Lớp nhỏ học buổi sáng, lớp lớn học buổi chiều. Có gia đình cả vợ chồng con cái cùng theo học. Có người bồng cả con thơ đến lớp.

Gần lớp học có một ngôi nhà nhỏ do bộ đội dựng lên làm xưởng sửa chữa vũ khí và chế tạo vũ khí thô sơ. Hàng ngày thầy Năm dạy học 2 buổi nhưng khi tan học vẫn ra đó làm việc. Có khi thầy đang dạy học trò thì lại có chú cầm cây súng, hoặc trái mìn vào hỏi làm thế nào thì thầy lại ân cần bảo chúng tôi nghỉ một lát và cùng chú bộ đội tháo, nắp xong lại dạy tiếp.

Ông The có quyển sổ ghi họ tên từng học sinh và mới tập hợp được hơn 40 người. Sau 1975, thầy Lai thường có nhiều lần về thăm lại Bình Hòa Bắc, học sinh tụ tập khá đông để gặp thầy. Khi thầy qua đời, hàng năm các đồng môn thường hội tụ giỗ thầy. Vào tuổi ngoại 80, học trò của Thầy Năm cứ ngày một thêm thưa vắng dần.

Bà Nguyễn Thị Oằn sinh năm 1940 nói rằng trò có người Nam có người Bắc. Thầy Năm là người Bắc nhưng thương quý học trò Nam, Bắc lớn bé như nhau. Khi có máy bay giặc quần đảo thì thầy lần lượt chạy tới chạy lui, hai tay cắp hai trò nhỏ đẩy vô hầm, còn thầy thì ở ngoài quan sát. Học được gần 3 năm thì thầy đi mất tiêu, mọi người nhớ thầy trào ra nước mắt. Mãi đến mấy năm sau, không thấy thầy trở lại, học trò gặp nhau, có người phán đoán là có thể thầy đã hy sinh vì nếu còn thì thế nào thầy cũng ghé qua nơi này. Khi biết thầy còn sống mọi người òa lên báo tin cho nhau, ai nấy lại trào ra nước mắt.

Các học trò của thầy Năm kể: ngày ấy thiếu thốn lắm. Đường đi, lối lại eo hẹp, gập ghềnh, lầy lội. Cả ấp chẳng có lấy một ngôi nhà có tường, toàn bộ là nhà bưng. Thầy Năm khéo tay, đóng bảng để viết, đóng ghế cho học sinh ngồi học. Phấn viết không có, thầy mài đất đỏ lọc nước làm phấn. Mực viết của học trò lấy hạt mùng tơi bóp ra hòa vào bát để viết. Những lúc rảnh, thầy Năm dạy học trò hát. Thầy đẹp trai, nói ngọt, hát hay, trong lớp có mấy cô yêu thích, cảm mến thầy mà chẳng dám thổ lộ…

Học trò thầy Năm ai nấy đều tự hào là không có người nào theo giặc, nhiều người đã tham gia cách mạng. Đến giờ họ cùng chung một ước muốn là có một ngôi trường ở Bình Hòa Bắc được mang tên anh hùng Trần Văn Lai, người thầy đức độ mà họ hằng yêu, hằng nhớ.

Những năm dạy bình dân học vụ ở Bình Hòa Bắc, ngoài ở nhà ông Hai Tá, thầy Năm Lai còn ở nhà ông Thân Văn Hơn (Ba Hơn) quê gốc ở Bắc Giang, thuộc dòng dõi Tiến sỹ Thân Nhân Trung, đi mộ phu đồn điền, sau được cách mạng đưa về ở đất của Hội đồng Sầm và được ông Hơn nhận làm con nuôi. Hàng ngày ông Lai đi dạy bình dân học vụ và hoạt động. Ông Ba Hơn có người con trai là Thân Văn Láy (Ba Đen) cũng tham gia biệt động.

Trải hơn nửa thế kỷ tham gia hoạt động cách mạng, anh hùng LLVTND Trần Văn Lai đã tham gia hoạt động với nhiều cương vị khác nhau và chỉ có hơn 3 năm dạy bình dân học vụ ở Bình Hòa Hòa Bắc, nhưng ông đã coi Long An là quê hương thứ hai của mình.

Những năm cuối đời, sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh thầy Năm vừa tham gia sinh hoạt ở hội đồng hương Thái Bình vừa sinh hoạt ở hội đồng hương Long An. Từ khi ông qua đời, học trò của ông ở Long An đã tụ tập giỗ thầy.

Thế mới hay, nghĩa tình thầy trò của một lớp học bình dân học vụ thời bom đạn thuở ấy sâu nặng biết nhường nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ