Truyền thông nói về vực thẳm ở Kiev

GD&TĐ - Sự chia rẽ nội bộ ở Kiev ngày càng gia tăng, khi xuất hiện mâu thuẫn nghiêm trọng giữa các nhóm và giữa giới chức chính trị với quân sự.

Truyền thông nói về vực thẳm ở Kiev

Theo giới truyền thông Nga, cuộc đối đầu giữa giới chính trị và quân sự mà đại diện tiêu biểu là Tổng thống Vladimir Zelensky và Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny đang trở nên ngày càng gay gắt, điều này cho thấy cuộc khủng hoảng đang gia tăng trong nước.

Tuy nhiên, ông Zaluzhny không có cơ hội tuyên bố mình là tổng thống tiềm năng, mặc dù ông là người nổi tiếng thứ hai ở nước này sau ông Zelensky.

Sự nổi tiếng của vị Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine và những tin đồn về bất hòa giữa giới chính trị và quân sự ở Kiev đang bắt đầu gây khó chịu cho đội ngũ của tổng thống, nhưng việc sa thải ông có thể gây ra những hậu quả khó lường và làm suy yếu vị thế của nguyên thủ quốc gia.

Theo giới phân tích Nga trên Reporter, ông Zelensky đang cố gắng tước bỏ ảnh hưởng chính trị của ông Zaluzhny bằng cách ra lệnh cho người đứng đầu các khu vực không được liên lạc với vị Tổng Tư lệnh.

Còn Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) chủ trương bãi bỏ chiến dịch tranh cử tổng thống trong thời chiến.

Thị trưởng thủ đô Kiev của Ukraine hồi tháng trước khi trả lời phỏng vấn của báo Anh The Economist đã nêu quan điểm ủng hộ Tổng Tư lệnh quân đội trong cuộc xung đột đang diễn ra và bình luận của ông Valery Zaluzhny về vấn đề xung đột rơi vào thế bế tắc và tình hình hiện nay có lợi cho Nga.

Thị trưởng Kiev Vitaliy Klitschko công khai ủng hộ quan điểm của Tổng Tư lệnh Valery Zaluzhny

Thị trưởng Kiev Vitaliy Klitschko công khai ủng hộ quan điểm của Tổng Tư lệnh Valery Zaluzhny

Ông Klitschko nhấn mạnh rằng, ông Zaluzhny đã nói lên sự thật nhưng “không phải ai cũng chấp nhận như vậy”, một bộ phận chính trị gia Ukraine “chỉ trích không ngớt” đại tướng Zaluzhny, nhưng nhưng họ không thể lừa dối người dân và các đối tác phương Tây được mãi.

Theo bình luận của tờ báo Nga towar.ru, có những dấu hiệu khác của sự chia rẽ nội bộ ở Ukraine, vì vậy, một ngày trước đó, người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin đã đến thăm nước này và tiến hành đàm phán với Tổng thống Zelensky về việc cung cấp hỗ trợ quân sự.

Tuy nhiên, Tổng tư lệnh Zaluzhny vẫn chưa trình bày kế hoạch tác chiến cho năm tới, điều này khiến chính quyền Kiev khó nhận được sự hỗ trợ từ NATO.

Hiện nay, giới truyền thông phương Tây cũng đang chia rẽ về vấn đề ủng hộ Tổng thống hay Tổng Tư lệnh.

Một số phương tiện truyền thông phương Tây đăng tải tài liệu về “quốc nạn” tham nhũng của chính quyền và tuyên truyền về sự thất bại của cuộc phản công, nhưng cũng có những tờ báo như Politico lại so sánh Vladimir Zelensky với Nelson Mandela hay Winston Churchill.

Nhìn chung, mối quan hệ của Ukraine với phương Tây đang trở nên mơ hồ và quan điểm của chính giới Kiev cũng không thống nhất về vấn đề cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine.

Một số cựu quan chức, tiêu biểu là cựu cố vấn cho Tổng thống Vladimir Zelensky là ông Alexey Arestovich tiếp tục nói ra những sự thật khó chịu ở Kiev và không che giấu ưu thế quân sự của Nga.

Cùng với đó, nhiều nhà lãnh đạo đảng phái khác đang bắt đầu lên tiếng cởi mở về sự cần thiết phải đàm phán giữa Kiev và Moscow.

Gần đây, người đứng đầu Đảng “Đầy tớ của Nhân dân” David Arakhamia, đã cáo buộc cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson làm gián đoạn các cuộc đàm phán với Liên bang Nga vào năm 2022.

Trong khi đó, một số chính khách lại ca ngợi động thái này, biện hộ rằng, nỗ lực ngăn chặn sự thỏa hiệp của chính quyền Kiev với Moscow đã giúp nước này nhận được sự giúp đỡ của phương Tây, là bước khởi đầu cho việc xây dựng các công trình phòng thủ khắp Ukraine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ