Lancet thay đổi hoàn toàn cách thức chiến tranh hiện đại

GD&TĐ -  Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã cho thấy, máy bay không người lái cảm tử (kamikaze) Lancet đã thay đổi hoàn toàn diện mạo chiến tranh hiện đại.

Lancet thay đổi hoàn toàn cách thức chiến tranh hiện đại

Trong suốt gần 2 năm tiến hành Chiến dịch Quân sự Đặc biệt, các đơn vị của Lực lượng vũ trang Nga đang sử dụng tích cực các máy bay không người lái cảm tử kamikaze (đạn lượn, đạn lảng vảng) thuộc dòng Lancet (izdeliye-51) trong các khu vực phòng không trên khắp lãnh thổ Ukraine.

Bình luận về loại UAV này, tờ nhật báo tiếng Đức của Thụy Sĩ Neue Zürcher Zeitung viết rằng, các máy bay không người lái cảm tử kamikaze của Tập đoàn Zala, thuộc dòng Lancet đã trở thành nhân tố quan trọng trên chiến trường trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Những loại đạn bay lượn tiên tiến này lấp đầy một vị trí quan trọng, thu hẹp khoảng cách giữa các máy bay không người lái tương đối lớn như Geran-2/Shahed-136 và các máy bay không người lái bốn cánh quạt (UAV Quadcopter) chỉ có thể bay được vài km.

Đồng thời, các kỹ sư Nga có lẽ đã nâng cấp loại UAV này vì tầm bay của các phiên bản sau (Lancet-3) đã tăng gấp đôi. Hơn nữa, các cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga đang tiếp tục phát triển các thiết bị mới và tăng năng lực sản xuất.

Điều này khiến Bộ chỉ huy Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) rất quan ngại, bởi hiện nay, AFU vẫn chưa tìm ra công thức tốt để chống lại những loại vũ khí này của người Nga, bởi họ thiếu các thiết bị phát hiện UAV và bắn hạ hoặc làm mất điều khiển của chúng.

Ấn phẩm lưu ý rằng các thiết bị rẻ tiền như vậy bay ở tốc độ thấp trên thực tế không bị radar của hệ thống phòng không nhận ra và các cuộc tấn công của chúng thường bất ngờ và gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Lực lượng vũ trang Ukraine đang cố gắng chống lại mối đe dọa này tốt nhất có thể. Họ đang cố gắng cải tiến thiết bị ngụy trang của mình và cũng che phủ nó bằng màn lưới và các cấu trúc khác, khiến Lancet bị mắc kẹt trong đó, hiệu quả phóng đạn sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp đối phó này cũng không cao, các vụ tấn công vẫn liên tục xảy ra.

Thêm vào đó, đánh giá của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine đưa ra vào đầu tháng 7 về việc Nga đã sử dụng gần hết Lancet và chỉ còn lại khoảng 50 chiếc UAV loại này, hóa ra là sai lầm tai hại.

Trong tháng 11 và tháng 8, hoạt động của các máy bay không người lái cảm tử của Lực lượng vũ trang Nga đã đạt đến đỉnh điểm, lên tới 260 cuộc tấn công mỗi tháng và những cuộc tấn công này được ghi lại rõ ràng trên video, nghĩa là chúng đã hoàn thành nhiệm vụ tấn công

Hiện nay, cả Nga và Ukraine đều đã bắt đầu cuộc chạy đua về công nghệ tiên tiến với khả năng và nguồn lực tốt nhất của mình.

Ukraine cũng đang thử nghiệm các loại máy bay không người lái thậm chí còn rẻ hơn và có thể sản xuất với số lượng lớn; trong khi Nga thông báo về việc phát triển thành công dự án “Sản phẩm 53” (izdeliye-53) là thế hệ “Lancet” mới sẽ triển khai theo bầy đàn, biết cách trao đổi thông tin, có thể tự phát hiện và tấn công độc lập các mục tiêu.

Bài báo nhận xét, qua cuộc xung đột Nga-Ukraine, giới chuyên gia quân sự nhận thức rõ ràng là các máy bay không người lái cảm tử như Lancet sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức tiến hành chiến tranh hiện đại.

Và hiện nay, tất cả các nước đều đang phải nghiên cứu về công nghệ chế tạo, điều khiển, dẫn đường cho máy bay không người lái và chiến thuật tác chiến phương tiện không người lái, để tìm ra phương án tấn công của mình, khắc chế đòn tấn công tương tự của đối phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.