Bản đồ Hệ thống Phòng không Tích hợp Quốc gia của Ukraine hiện nay có hình dáng khá đặc biệt. Sự phân bố lực lượng phòng không một cách tương đối chặt chẽ chỉ hiện diện ở bảy khu vực thành phố lớn, gồm: Kiev, Lvov, Kharkov, Odessa, Dnieper, Zaporozhye và Krivoy Rog.
Trên bản đồ, hiển thị bằng 4 vòng tròn màu vàng (các hệ thống phòng không được coi là tầm xa) là phạm vi bao phủ của ba hệ thống phòng không Patriot với tên lửa MIM-104 (do Mỹ chế tạo) và một hệ thống phòng không SAMP-T với tên lửa Aster-15 (Đức-Ý sản xuất).
Các vòng tròn màu xanh dương biểu thị vị trí của bốn hệ thống phòng không tầm trung, bao gồm hệ thống NASAMS sử dụng tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM (của Mỹ-NA Uy) và 4 vòng tròn màu xanh lá cây biểu thị bốn hệ thống phòng không IRIS-T (do Đức sản xuất).
Theo giới chuyên gia Nga, nhìn có vẻ hoành tráng nhưng trên thực tế, lãnh thổ Ukraine được hệ thống phòng không bảo vệ kém; nó không có sự bao phủ toàn diện nhiều tầng, nhiều lớp của các tổ hợp phòng không tầm xa, tầm trung và tầm gần, với đủ mọi độ cao tiêu diệt mục tiêu.
Đương nhiên, Lực lượng Vũ trang Nga tận dụng rất tốt điều này để sử dụng các trang bị, phương tiện bay di chuyển trong không phận Ukraine và tấn công các mục tiêu mong muốn, bằng cách sử dụng chiến đấu cơ, máy bay không người lái cảm tử và nhiều loại tên lửa khác nhau.
Ngoài 7 khu vực trọng điểm trên, toàn bộ lãnh thổ còn lại của đất nước, bao gồm cả khu vực tiền tuyến xung đột Nga-Ukraine, được bao phủ trên diện rộng bởi các hệ thống phòng không Buk-M1 cũ sản xuất dưới thời Liên Xô, được điều chỉnh để sử dụng các tên lửa phòng không tầm trung của phương Tây.
Bản đồ bao phủ của hệ thống phòng không quốc gia Ukraine |
Hiện tại, các tổ hợp phòng không “lai” được đánh dấu trên bản đồ bằng các vòng tròn màu đỏ; tổng cộng có 44 tổ hợp như vậy.
Về vấn đề này, việc tích hợp vũ khí phương Tây với vũ khí Liên Xô là một phần của chương trình mang tên “Frankenstein hóa” (Frankensteinization) là chương trình phát triển vũ khí lai (hybrid weapons) giữa Liên Xô và phương Tây, đáp ứng yêu cầu vũ khí cho Quân đội Ukraine.
Riêng trong lĩnh vực phòng không, các dự án loại này được gọi là “FrankenSAM”, là sự tích hợp các tên lửa đất đối không, không đối không của phương Tây vào các bệ phóng tên lửa Liên Xô, mà dự án đầu tiên là bệ phóng Buk-M1, hiện đang còn rất nhiều trong lực lượng phòng không Ukraine.
Giải pháp này giải quyết tình trạng thiếu tên lửa 9M38 của Liên Xô trên các bệ phóng Buk-M1 bằng việc khắc phục các vấn đề về khả năng tương thích, tích hợp tên lửa hạm đối không RIM-7 Sea Sparrow trên chiến hạm Mỹ, có tầm phóng dưới 20km.
HIện nay, quá trình tích hợp tên lửa hạm đối không tầm ngắn của Mỹ vào bệ phóng hệ thống phòng không Buk-M1 của Ukraine đã hoàn tất và được trang bị rộng khắp với 44 tổ hợp. Quân đội Ukraine cũng đã nhận được nguồn cung cấp dồi dào tên lửa RIM-7 Sea Sparrow từ Bỉ và Hoa Kỳ.
Ngoài ra, phương Tây cũng đang triển khai thêm 2 dự án “FrankenSAM” tầm trung và tầm xa cho Lực lượng Phòng không Ukraine, nhằm giúp nước này hình thành lưới phòng không quốc gia toàn diện.
Hệ thống phòng không hybrid thứ hai hiện đang được phát triển, tích hợp các radar thời Liên Xô với radar của Mỹ để lắp đặt tên lửa không đối không tầm nhiệt AIM-9 Sidewinder, có tầm phóng tối đa hơn 35km.
Hệ thống FrankenSAM thứ ba và và cũng là loại mạnh nhất, có tầm bắn khoảng trên dưới 100km, là một tiến bộ rất đáng chú ý khi giúp Ukraine có một hệ thống phòng không tầm xa rất mạnh, bằng cách kết hợp tên lửa đất đối không “Patriot” của Mỹ với hệ thống radar kiểu Liên Xô.