Trong khi đó, các mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp như Facebook hay YouTube… thu hút hàng chục triệu người tham gia. Điều này đã gây ra những khó khăn trong việc quản lý, định hướng tư tưởng, nhận thức cho các đối tượng sử dụng.
Quản lý còn lỏng lẻo
Các mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ như Facebook hay YouTube hoạt động không cần giấy phép. Các mạng xã hội này hoạt động theo các chính sách quản lý, áp dụng chung trên toàn thế giới.
Với tính tương tác cao, cho phép người sử dụng thoải mái thảo luận, chia sẻ các vấn đề thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội, kể cả các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, của Facebook hay YouTobe thu hút lượng người sử dụng đông đảo.
Theo thống kê của Bộ TT&TT đến nay Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có số lượng người sử dụng Facebook và YouTube nhiều nhất trên thế giới, với 64 triệu thành viên Facebook và 45 triệu tài khoản thành viên YouTube. Trong khi đó, mạng xã hội ở Việt Nam có nhiều thành viên nhất như: Webtretho cũng chỉ có 2 triệu thành viên, còn ZingMe gần 1 triệu, Otofun trên dưới 500.000 thành viên.
Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng xã hội, đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật. Đồng thời đưa ra các văn bản, nghị định, quy định về việc quản lý, xử phạt những vi phạm về truyền thông trên mạng xã hội nhằm tạo căn cứ pháp luật để yêu cầu các trang thông tin điện tử và mạng xã hội trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, tăng cường chuyên môn, quản lý cho các cơ quan, tránh để xảy ra các vụ việc đáng tiếc.
Để đảm bảo việc quản lý, kiểm soát các thông tin trên mạng xã hội, từ năm 2016 đến nay Bộ TT&TT đã xử lý nhiều đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội như: Xử lý một số nhà báo có phát ngôn thiếu trách nhiệm và chuẩn mực trên mạng xã hội, các đối tượng tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng và an ninh quốc gia như vụ tung tin đồn máy bay rơi ở Nội Bài, vỡ đập thủy điện Hồ Núi Cốc…
|
Cần có biện pháp xử lý kịp thời
Việc quản lý, kiểm soát các thông tin thất thiệt, giả mạo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Đa số những thông tin giả mạo khi xảy ra rồi chúng ta mới phát hiện và xử lý.
Nói về vấn đề này, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho biết: Việc thực hành quyền do biểu đạt không chỉ là trao cho công dân phương tiện để bộc lộ ý kiến, mà còn thực hành phản ứng của chính quyền trước những thông tin, ý tưởng mang tính nhạy cảm từ phía công dân.
Nhằm quản trị tốt hoạt động truyền thông trong bối cảnh xã hội thông tin, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần nâng cao nhận thức, năng lực, kiến thức, kỹ năng về truyền thông văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở các ngành, các bộ, các cấp.
PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Người làm báo chia sẻ: “Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các phương tiện truyền thông mới đang “càn quét” thế giới, tạo ra sự cộng hưởng và tính tương tác trong không gian ảo”.
Việc hình thành mô hình “Công chúng ý kiến - chủ thể truyền thông” đã thúc đẩy văn hóa tham gia và kinh tế tương tác phát triển. Tuy nhiên bên cạnh đó, mặt trái của nó đem lại cũng không ít những phức tạp, nhiều vụ việc đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Để giảm thiểu các thông tin sai lệch trên các trang mạng xã hội, cần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp về vai trò, sức mạnh và tác động của hệ thống thiết chế truyền thông đại chúng trong xã hội. Cần tập huấn, bồi dưỡng kiến thức để đội ngũ cán bộ các cấp am hiểu về truyền thông, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động truyền thông, đặc biệt là truyền thông mạng xã hội, cách thức xử lý khủng hoảng truyền thông, cách giao tiếp, ứng xử với các phương tiện truyền thông đại chúng…