Nuôi “phây” và câu like
Do tâm lý “phải biết yêu bản thân” mà mỗi người như tìm thấy một chính mình khác nữa, khi được sống một cuộc đời khác thú vị hơn trong thực tế. Lẽ dĩ nhiên ai cũng thích thú với những hình ảnh vui tươi, trẻ đẹp, phong lưu, biết thụ hưởng cuộc sống trên Instagram hay Facebook hơn những bộn bề lo toan, vất vả của đời thường.
Bệnh nghiện “phây” (Facebook) đang lan tràn. Không chỉ giới trẻ nông nổi, thích thể hiện, giờ đây không ít người coi Facebook là môi trường thuận lợi để khoe khoang sự sung túc, đủ đầy, sành điệu của bản thân. Đặc điểm nhận dạng của họ là đi đâu cũng phải cập nhật lịch trình, ăn gì cũng phải chụp ảnh “cúng phây” trước.
Trào lưu chụp ảnh nuôi “phây” quá rầm rộ, nhiều phụ nữ tuy đã hết tuổi đương thì cũng chịu khó làm đẹp, tích cực mua váy áo, phụ kiện, chụp hình khoe cho đỡ “thua chị kém em”. Tứ mùa chụp ảnh cùng hoa, cơn nghiện “seo phi” khiến các tín đồ làng “phây” phát sốt. Hết mùa đào mùa ban, rồi mùa sen, mùa cúc họa mi, mùa hoa cải… Không khí lễ hội hoa tràn ngập mạng xã hội và dòng trạng thái.
Các bà nội trợ cũng muốn khoe tài nấu nướng, chụp cả bàn ăn lẫn món ăn đưa lên để mọi người xuýt xoa nắc nỏm. Tâm trạng chờ like trên màn hình điện thoại khiến bữa cơm gia đình sum họp sau một ngày tất bật trở nên vô nghĩa.
“Tôi sợ nhất thứ văn hóa chia sẻ không giới hạn bây giờ. Mọi vấn đề riêng tư đã trở thành chuyện “trong nhà chưa tỏ cả thiên hạ đã tường”. Từ cái hình mới xăm trên cơ thể, từ món đồ chỉ nên nhìn thấy ở chỗ hai người cũng được trưng lên khoe hết trên chợ ảo. Trong nhà có chuyện khúc mắc chưa kịp đóng cửa rút kinh nghiệm xong đã “báo cáo” tỉ mỉ chi tiết trên “phây”. Vợ chồng giận nhau, con đau ốm, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, đồng nghiệp xích mích, bất đồng với lãnh đạo cơ quan… mọi thứ đều nhờ màn hình thiết bị thông minh hóa giải...
Bảo là ảo nhưng sự công khai liên kết thế này đã chi phối, xâm lấn vào mọi ngõ ngách của đời sống thường nhật rồi. Người ta đang sai lầm khi thích làm người thú vị trên mạng hơn là trong đời sống thực của mình” - bà Trần Mai Dung - Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội chia sẻ.
Thực tế cho thấy kỹ năng “sống ảo” đỉnh cao giờ đây không hẳn đã thuộc về giới văn nghệ sĩ giỏi đóng phim, diễn kịch nữa. Trào lưu làm người mẫu thời trang, chụp ảnh với hoa, chụp những món quà sinh nhật, quà kỷ niệm ngày cưới hoặc quà ngày lễ tình nhân, ngày 8/3… trở nên rầm rộ. Người khoe, người vào bình luận, thả tim, bấm like rầm rộ khiến nhiều khái niệm về giá trị thực bị đánh tráo. Ai cũng muốn có gì đó để khoe, từ tấm ảnh đẹp bộc lộ thần thái đến những món đồ dùng giá trị. Gọi là chia sẻ, nhưng sự chia sẻ đã vượt tốc độ thời gian và vượt quá mức độ để lấn sang sự khoe khoang, chứng tỏ đẳng cấp…
Khổ vì tay nhanh hơn não!
Nhiều người tự biện hộ “ảo tung chảo đấy mà” khi bị ai đó chê trách. Facebook trở thành một xã hội tưởng là ảo nhưng không hẳn là ảo. Ảo nhưng thật ở chỗ con người bộc lộ mình khá rõ, ai như thế nào dung nhan, tính cách hiện ra trên “phây” ngay, khôn cũng đấy mà dại cũng ở đấy.
Chơi “phây”, cần có bản lĩnh, tư duy rõ ràng, tỉnh táo và một nền tảng tri thức, văn hóa để phân biệt thật - giả, đúng sai, điểm dừng – ông Đỗ Mạnh Hùng- - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sở hữu công nghiệp - Bộ KHCN phân tích.
“Trước đây, tôi không muốn con cái sử dụng mạng xã hội vì đọc được nhiều cảnh báo về chuyện giới trẻ bị lệ thuộc vào thiết bị thông minh và rơi vào sống ảo, bê trễ học hành, phấn đấu. Tuy nhiên, tôi thấy nếu biết sử dụng mạng xã hội một cách thông minh và tỉnh táo thì người ta thu được nhiều thứ bổ ích. Tôi đọc “phây” là để tìm thông tin, nuôi cảm xúc, kết nối, tương tác với bạn bè.
Có những người bạn mất liên lạc từ ngày ra trường ba, bốn chục năm tìm lại được nhau mừng tủi vô cùng. Có những nhóm bạn được lập ra giúp mình có nhiều sự chia sẻ, đồng điệu về sở thích và các mối quan tâm chung. Tôi cho rằng mạng ảo mà không ảo nên mỗi người phải thận trọng khi đăng hoặc chia sẻ thông tin.
Cần điềm tĩnh kiểm chứng thông tin, nhất là những thông tin nhạy cảm liên quan và gây ảnh hưởng đến cộng đồng và có sự giao tiếp văn minh ở trên môi trường mạng xã hội. Chớ để “tay nhanh hơn não” mà nhiều khi gây tai vạ cho người khác và cho cả chính gia đình mình”, ông Hùng lý giải.
“Một ngày, mình cũng dành ra đôi khoảng thời gian vào Facebook để gặp bạn bè. Nhưng mình thường bỏ qua những chuyện khoe khoang vật chất. Mình cũng có lúc khoe nhưng chỉ là khoe hoa hồng trồng được, khoe tìm thấy cuốn sách thú vị hay đĩa nhạc cổ điển nào đó và chia sẻ kinh nghiệp trồng trọt hoặc địa chỉ sưu tầm… Chỉ mong tìm được những tâm hồn đồng điệu để cùng nhau tìm thấy và trân quý những niềm vui nho nhỏ đó.
Nhiều lúc giật mình khi thấy những người quen hăng hái luận bàn chuyện quốc gia đại sự, triết lý những vấn đề nhân sinh, tranh luận về các giá trị cao siêu mà ngại lắm.
Có những người mình biết cuộc sống rất chật vật, gánh nặng tài chính oằn vai mà họ đăng ảnh tiệc tùng, đi du lịch khắp nơi… Có người lúc chuyện trò thì nói xấu người khác không kiệm lời, chê văn chương, thơ phú của người khác dở ẹc, nhạt thếch. Vậy mà trên mạng thì tâng bốc, khen nhau bốc lên tận mây xanh. Thật, giả hỗn loạn khiến nhiều người ảo tưởng mình sắp thành triết gia, nhà văn, nhà đạo đức học chỉ sau dăm dòng comment tán thưởng nửa vời...”, bà Trần Anh Thư - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Nhật Quang bày tỏ sự e ngại.