Sắc màu truyện ngắn Nguyễn Hồng Thái

GD&TĐ - Truyện ngắn Nguyễn Hồng Thái thuộc loại nếu muốn thấm thía hết cái ý vị của nó thì, như cách nhận xét của nhà văn Xuân Thiều, là nên “đọc lại”, bởi “truyện của anh có một ma lực hấp dẫn, hấp dẫn kỳ lạ”…

Sắc màu truyện ngắn Nguyễn Hồng Thái

Khởi đầu từ cây bút vàng

Cuộc thi Cây bút vàng lần thứ nhất (1996 - 1998) của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức phát hiện cây bút mới Nguyễn Hồng Thái (sinh 1961) đạt giải Nhất với truyện ngắn Đối mặt. Thử hình dung trong cuộc thi đó, Nguyễn Hồng Thái còn rất trẻ, là “lính mới” nhưng đã đủ tư thế đứng cạnh các trưởng lão trong làng văn.

Anh đã là một trong ba tác giả nhận giải cao cuộc thi Cây bút vàng lần thứ nhất: Ma Văn Kháng - giải Đặc biệt; Nguyễn Khải - giải Nhất; Nguyễn Hồng Thái - giải Nhất. Sau này nhà văn Ma Văn Kháng tiết lộ, ngày đó ông nhận giải thưởng 15 triệu đồng (giá thị trường mua được 3 cây vàng 4 số 9).

Trong thực tế, ông nhận 12 triệu đồng tiền mặt, kèm hiện vật là một cây bút bằng vàng (tương đương 6 chỉ vàng 4 số 9). Ai đó trong làng văn bây giờ nếu nhận giải thưởng văn chương dù cao nhất vẫn cứ thấy nao nao tâm trạng, “bao giờ cho đến ngày xưa”(?!).

Năm 2000, Nguyễn Hồng Thái ra mắt tập truyện ngắn đầu tay, nhan đề Đối mặt (tập truyện ngắn nhận Giải thưởng văn học của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, 1995-2005).

Nhờ “cú hích” ngoạn mục này mà Nguyễn Hồng Thái tự tin dấn tới. Năm 2006, anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Trong mắt các nhà văn lớp trước, Nguyễn Hồng Thái là một trang “hậu sinh khả úy”.

Nhà văn Xuân Thiều khi đọc tập truyện ngắn Đối mặt (NXB Công an nhân dân, 2000) của Nguyễn Hồng Thái đã nhận xét chính xác và tinh tế: “Truyện Nguyễn Hồng Thái viết rất có văn, chữ nghĩa chọn lọc, tạo được hình ảnh và cảm xúc. Tác phẩm đầu tay được như thế là hiếm thấy. (...). Nhìn chung, Đối mặt là một cuốn sách rất nên đọc. (....). Theo tôi, tác phẩm Đối mặt rất xứng đáng được nhiều nhà văn tôn vinh”.

Mười năm sau tập truyện đầu tay Nguyễn Hồng Thái mới ra mắt tập truyện ngắn thứ hai có tựa Ngôi nhà bên triền sông (NXB Công an nhân dân, 2010). Hai tập truyện ngắn trong vòng mười năm, vẻn vẹn 25 truyện, con số khiêm tốn nói lên sự cẩn thận trong sống và viết văn của Nguyễn Hồng Thái, nó nói về một phong cách chậm mà chắc của một người an nhiên, từ tốn, tự tin đi đến thành công cả trong đời và trong nghiệp văn.

Ánh chiếu từ truyện ngắn

Những sắc màu nào ánh chiếu từ truyện ngắn Nguyễn Hồng Thái? Trước hết, gây ấn tượng hơn cả từ truyện ngắn Nguyễn Hồng Thái là tính chất “duy tình” của mỗi câu chuyện, tình huống, biến cố, sự kiện, kết cục được kể lại.

Nói cách khác, lý và tình trong sự chuyển hóa của chuỗi biến cố (diễn tiến của câu chuyện) đều được “nhìn từ bên trong”, nghĩa là thông qua những tâm trạng phức tạp, tinh tế nhiều lúc mang hình thái rối ren nhưng thật sự không khó nắm bắt, lý giải nếu có đủ sự độ lượng, hòa hiếu, vị tha. Phạm nhân Trần Bình trong truyện Người tù của ngày xưa là một trường hợp điển hình.

Anh ta đã nhận án tù năm năm vì tội đá gãy chân Phó chánh án huyện, kẻ đã ăn đút lót của của tay cán bộ xã, dùng quyền uy xử sai trái, khiến người vợ liệt sĩ  (đồng đội của Trần Bình) có nguy cơ mất mảnh đất ở. Sau ba năm tù giam, nay Trần Bình gặp lại Trung tá Kinh (đồng đội sống sót sau 1975) nay là Giám thị trại.

Anh quan tâm đến đồng đội trong bối cảnh mới một cách kín đáo, tế nhị. Kinh chuyển thư của đồng đội cũ cho Bình với lời nhắn nhủ: “Không thể đem cái tốt đơn sơ thời chiến tranh chống lại cái ác đang quỷ quyệt tinh vi hơn ở thời bình. Cái tốt cần thông minh hơn nữa, Bình ạ”.

Cái khoảng cách cần thiết phải giữ giữa Kinh và Bình vừa hữu hình vừa vô hình trong đối nhân xử thế, đòi hỏi lý và tình cân đối, hài hòa. Ngòi bút Nguyễn Hồng Thái, tôi nghĩ, tinh tế vì có tình, có tình nên tinh tế.

Đọc rộng ra những truyện có tính chất xã hội rộng hơn như Chị ấy bỏ làng ra đi, Mảnh trăng dễ vỡ, Nơi tình yêu đi qua, Hai người ở núi về sẽ thấy phảng phất một nỗi buồn không khiến con người rơi vào bi kịch nhưng khiến mọi người phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về những gì còn hao khuyết của đời sống vốn lâu nay dễ dàng bị lãng quên một cách vô tình hay cố ý.

Nếu chúng ta quan tâm thực sự thì sẽ nhận ra nhân vật chị Nga (giáo viên cấp 2 ở xã) trong truyện Chị ấy bỏ làng ra đi là một số phận biểu trưng cho ý tưởng: “Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?” (E. Evtushenko - Chẳng ai tẻ nhạt mãi trên đời).

Truyện ngắn Nguyễn Hồng Thái thuộc loại nếu muốn thấm thía hết cái ý vị của nó thì, như cách nhận xét của nhà văn Xuân Thiều, là nên “đọc lại”, bởi “truyện của anh có một ma lực hấp dẫn, hấp dẫn kỳ lạ”.

Tôi nghĩ, sự hấp dẫn trong trường hợp này không bắt đầu từ “ngón nghề” truyện ngắn (xét từ khía cạnh này thì Nguyễn Hồng Thái, nói thẳng ra, còn thua xa một số “cao thủ chữ” khác) mà từ vấn đề của tác phẩm – nhân cách được coi như là nền móng, cốt lõi của tác phẩm văn chương khi nó đảm trách sứ mệnh “nhân đạo hóa con người”.

Trong bối cảnh đời sống hiện đại, dưới sức ép của cơ chế thị trường và các nhân tố khác, văn hóa – đạo đức xã hội đang đặt trong tình trạng báo động, các giá trị truyền thống bền vững đang bị xâm thực.

Vấn đề “lòng nhân”, nhan đề một truyện ngắn hay của Nguyễn Hồng Thái in trong tập truyện Đối mặt, đã đặt ra một vấn đề nhân tâm thời đại: Chúng ta đang chạy theo “sức mạnh” của đồng tiền nên đôi khi quên đi cái gốc của mọi hành xử là lòng nhân theo truyền thống cha ông “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo”.

Chuyện về một vụ án giao thông vẫn thường xảy ra không hiếm: Nghiêm là người liên đới trực tiếp, đang bị tạm giữ; Tuấn (anh trai Nghiêm, giảng viên Học viện Cảnh sát) đi xuống địa bàn để giải quyết. Xuất phát điểm (quan điểm) của Tuấn là tuân thủ luật pháp, khai thác triệt để yếu tố tình cảm (lòng nhân) để giải quyết vụ việc hợp lý, hợp tình.

Khi chưa thắp được nén hương cho người chết, anh thấy “lòng trống vắng cô đơn quá”, thấy “không yên lòng, lòng bất ổn, nóng rát như ngồi trên đống lửa”. Khi tiếp xúc với mẹ của nạn nhân, dìu cụ ra giữa sân, Tuấn cảm thấy “đang dìu một nỗi đau vô cùng dễ vỡ”.

Trạng thái tinh thần của Tuấn từ khi vụ việc đau lòng xảy ra là từ “xé căng mình ra để suy nghĩ” đến “bình tâm trở lại” để suy xét hành xử, để nhận ra “đây đâu còn là chuyện pháp luật hay lý sự mà có lẽ là lòng tự nguyện của tính trách nhiệm, của thứ tình cảm đã được bồi đắp của tri thức và nhân cách cụ thể”.

Kết truyện vỡ ra, thực sự thì Nghiêm không cầm lái ô tô, nhưng thương anh An gia cảnh khó khăn nên đứng ra nhận trách nhiệm thay. Một kiểu “lòng nhân” khác, cũng đẹp đẽ khiến người đọc nao lòng.

Viết truyện ngắn, tôi nghĩ, Nguyễn Hồng Thái có ý thức quan tâm đến xây dựng tình huống truyện điển hình – đó cũng chính là một sắc màu tạo nên dấu ấn của cá tính sáng tạo nghệ thuật.

Ngay truyện Đối mặt được giải Nhất Cây bút vàng lần thứ nhất đã cho người đọc thấy tình huống truyện được nhà văn tạo dựng có tính chất điển hình - sự đối mặt, đối thoại văn hóa, đạo đức của mỗi con người.

Cuộc đối mặt giữa Cung (tướng cướp khét tiếng Nghệ An) với Đinh (Công an, bạn học với Cung - tên thật là Bôn). Cuộc thương thuyết không thành nhưng trắng đen rõ ràng khi Cung bắt một em bé làm con tin, Đinh đã tay không tiến tới gần Cung thuyết phục: “Tao sẽ bước lên. Nói trước với mày câu này. Mày không được giết đứa trẻ. Viên đạn cuối cùng mày cứ nhằm vào trán tao mà bắn. (...). Nhưng mày phải hiểu: Chẳng ai, ngay cả sếp của tao, cũng không thể đẩy tao lên trước mũi súng”.

Cung lại một lần nữa biến mất trước mũi súng của lực lượng Công an truy đuổi. Sau đó trong bức thư gửi Đinh, Cung viết: “Tao tự đến nhà giam vì hiểu lẽ đời có vay có trả. Việc tao tự thú chẳng liên quan gì đến mày; cũng chẳng liên quan đến thằng đếch nào cả. Mày không nên nói với ai về lá thư này. Thôi. Vĩnh biệt”.

Tình huống truyện giàu kịch tính và tâm lý cũng là ưu điểm của những truyện ngắn hay khác của Nguyễn Hồng Thái như Quà tặng của thời gian khổ, Người tù của ngày xưa, Một người nước ngoài và ông trại trưởng, Người không gõ cửa, Người vắng mặt ở phiên tòa,...

Văn truyện ngắn Nguyễn Hồng Thái là lối văn có tốc độ phù hợp với tính chất “gia tốc thời đại” (câu văn ngắn, dùng từ thuần Việt, có nhịp điệu nhanh mạnh). Nguyễn Hồng Thái thử sức viết tiểu thuyết - Đất nóng (NXB Thanh niên, 2005).

Một cuốn sách không khó đọc nhưng đáng đọc. Riêng tôi, vẫn thích đọc truyện ngắn Nguyễn Hồng Thái vì những lẽ giản dị như đã nói ở trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ