Mỗi lần đi xa về, tôi lách khỏi phố phường phồn hoa, “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” (Kiều) để rẽ vào ngõ có tấm biển “Ngõ 3”.
Tôi thích con số này vì hình như nó hợp với tôi. Nhiều lần tôi đứng tần ngần nhìn ngõ chạy dài thẳng tắp như con đường thiên lý ra đến tận hồ nhỏ. Vào những ngày Hè, làn gió lộng như đang rộng cẳng ở phố lớn, bỗng chui vào ngõ nhỏ, dài hun hút tạo ra luồng âm thanh vù vù, lắm lúc nghe như trời sắp đổ mưa.
Nhưng cũng có nhiều ngày nóng nực, nắng chang chang sáng rực cả con đường, thêm vào đó là dăm ba chú ve cũng tránh nơi đô hội vào đây góp thêm một bè vào lời ca mùa Hè.
Đi hết ngõ thì sang bên hồ, cái hồ vô danh nhưng cũng làm khung cảnh lãng mạn hơn. Có một thời gian không biết ai đó thả một đôi thiên nga xuống hồ làm cho nó huyền diệu hẳn lên và người già quanh các xóm sớm sớm chiều chiều hay ra đứng lặng thinh ngắm nhìn, không bình phẩm gì, như cái lãng mạn của thời xa xưa đang đến với riêng mình.
Ngôi nhà nho nhỏ của tôi ở giữa ngõ, chỉ khoảng ba mươi mét vuông nhưng tôi để mươi mét làm vườn, ở giữa là con đường nhỏ lát gạch đỏ như sân gạch làng quê xưa, một bên trồng cây ổi, còn lại là cỏ xanh và vài hòn đá to rải rác...
***
Mùa Hè trôi qua. Trời sang Thu, khí trời vẫn còn hơi ấm của mùa Hè, chỉ có nắng là dịu hẳn đi. Chiều chiều, tôi hay ra ngồi trước cửa hoặc đi đi lại lại để sưởi nắng. Tôi cũng ít khi đi đâu. Thỉnh thoảng lắm mới đi thăm anh em họ hàng. Lần nào bác xe ôm đầu ngõ đến đón tôi đi đều đỗ xe xịch một cái ngay giữa cửa nhà, ngẩng lên cao giọng hỏi:
- Hôm nay cụ xuống núi ạ!
Rồi cùng tôi cười to.
Ngõ xóm nhà tôi ngày ngày rất yên tĩnh trừ hai buổi giờ tầm xe cộ đưa trẻ đi học và đón về. Ngay đầu ngõ là hàng cà phê, không đông khách lắm. Sáng sáng có dăm mười cụ già, cụ thì ngồi nhấm nháp chén cà phê sau bữa ăn sáng, thì thào chuyện to chuyện nhỏ đời mình hoặc “chửi bới” các trò lố lăng, lai căng thời mới; cụ thì ngồi lặng thinh đọc báo.
Mấy cô cậu sinh viên mang máy tính đến, bấm bấm gõ gõ bàn phím, mấy ngón tay chạy lên chạy xuống như nghệ sĩ piano, thỉnh thoảng lại nhấc cốc cà phê lên vừa nhìn chăm chăm vào màn hình vừa “sip” một ngụm...
Một năm cũng vài lần ồn ào, một sự ồn ào đáng yêu với tiếng la hét “Vàooo!” khi có trận cầu gây cấn của World Cup hay AFC Cup, nhưng ngay sau đó quán hàng lại trở về với không khí êm đềm, thanh thản hằng ngày. Khách đến uống đều khen cà phê ngon, nhưng bà chủ không bao giờ tự xưng là “Cà phê hơn cả tuyệt vời”.
Nhạc của quán bao giờ cũng nhè nhẹ, du dương, quyến rũ nhưng không làm phiền đến cái tai hàng xóm láng giềng. Thỉnh thoảng đi qua nghe thấy một bản nhạc xưa đầy thương nhớ tôi rẽ vào “làm” một tách cà phê. Hỏi ra mới biết xưa bà chủ quán cũng là ca sĩ. Có lần tôi nói vui:
- Hóa ra bà chủ cũng đã từng là ngôi sao ca nhạc đấy nhỉ.
Bà mỉm cười, nhẹ nhàng:
- Sao bác biết? Xưa em đi hát là để sinh nhai và cũng yêu nghề nữa, chứ sao sủng, tỏa sáng tỏa siếc gì đâu, bác.
- Giọng nói của bà cũng có giai điệu lắm.
Ngay sát quán cà phê là ngôi nhà thấp tầng, ngoài mặt tiền đặt một loạt chậu sành to trồng các loại cây cảnh như ngũ gia bì, cây vối, cây canh-ki-na… Có lần đi ngang qua gặp ông chủ nhà đi ra. Ông vui vẻ chào:
- Chào ông.
- Chào ông.
Ông mặc áo phông trơn màu xám, chiếc quần tây sắn lên đến đầu gối, tay cầm bình tưới nước bằng tôn. Tôi dừng lại, nói:
- Cái dãy cây nhà ông trông mát mắt lắm. Cây này có phải cây si không ông?
- Vâng. Nhưng không đẹp, phải không ông?
Tôi không trả lời mà vừa cười vừa nói vui:
- Các cụ bảo có ma về trú ngụ đấy.
Biết tôi nói đùa nên ông cũng hùa vào:
- Ôi, cây si nhỏ bé, chật chội như thế này, ma có về cũng phải cuốn gói sớm… Tôi trồng mấy cây cho có màu xanh thôi. Để bon-sai đẹp ở đây bị ăn trộm hết.
Về nhà, bà nhà tôi bảo:
- Ông này ngày xưa cũng cỡ tổng hay phó gì đó, quyền sinh quyền sát một thời.
- Ừ thì cờ đến tay ai người ấy phất, miễn không cắm cờ xuống đất là được. Từ khi gác kiếm ông ấy sống khiêm nhường, kín đáo. Rất đáng trân trọng.
***
Ngay trước cửa nhà tôi là hai ông bà bác sĩ, bà thì trưởng khoa, còn ông thì phó giám đốc bệnh viện. Trước cửa nhà ông bà trồng một vài cây trong chậu sành to, trong đó có một cây chuối rừng, đến mùa nở hoa đỏ tươi ối.
Ông bác sĩ cũng là nhân vật có uy tín trong ngành da liễu và đơn thuốc của ông được truyền tụng là “rất thiêng” và có thể mua ở bất cứ đâu, ông tránh tiếng ăn chia với hiệu thuốc.
Đến tuổi chia tay với bệnh viện ông sống an nhàn không mở phòng mạch, nhưng vẫn có một số bệnh nhân người nọ mách người kia đến tìm mong được nhờ cái “thiêng” của ông mà đỡ bị bệnh hành hạ. Người nghèo đến khám ông không lấy tiền và còn cho thuốc. Không quảng cáo, không biển hiệu, không đánh bóng mình. Ông thường nói:
- “Bóng” thì đã “bóng” rồi, mà chả bóng thì đánh kiểu gì nó vẫn xỉn.
Tôi mê cái cây hoa chuối trước cửa nhà ông bà, cứ khi nào mở cửa là tôi lại dành vài phút đứng ngắm nó. Bông hoa rực rỡ nhắc nhở đến kỷ niệm đi rừng cùng bọn học trò nhỏ áo chàm khi tôi còn dạy học trên miền núi. Hôm nay nó lại nở hoa. Tôi nói với ông bác sĩ:
- Trong mùa hoa nở, tôi chẳng ngày nào là không ngắm nó một lần… mà tôi còn phải cảm ơn ông bà nữa chứ, quýt làm cam “hưởng”. Đẹp thật. Ông bác sĩ cười vui vẻ:
- Có người cùng chia sẻ cái đẹp thì còn gì bằng. Nếu chỉ thưởng thức một mình, nhất là thưởng hoa thì cũng nhạt nhẽo lắm, ông nhỉ.
Bên cạnh nhà “hoa ông chuối rừng” là hàng bánh cuốn. Gọi là hàng cho oai chứ nó chỉ là cái bàn và khuôn tráng bánh đặt ở đầu cầu thang đi lên gác nhà tập thể. Cô bán hàng còn trẻ, trông khỏe khoắn trong chiếc áo phông bó chặt eo, quần đen, tóc búi gọn sau gáy.
Bàn tay khéo léo múc từng muôi bột đưa vào khuôn tráng mà không một giọt rơi xuống đất, tay mềm mại xoa bột trên bàn tráng. Hàng bánh cuốn này rất bình dân nhưng lại hấp dẫn, tiện lợi cho ngõ xóm và đủ nuôi sống hai vợ chồng. Một anh chàng hóm hỉnh ăn xong đĩa bánh, quay sang bảo cô chủ:
- Bánh cuốn của em “nhất thế giới nhì Đông”.
Cô chủ lườm anh một cái, anh phân vua:
- Thật mà. Đông Dương không có bánh cuốn mà thế giới thì lại càng không, thế… em chả nhất và nhì à?
Nắng chiều chầm chậm nhạt dần. Tôi vừa đứng lên vươn vai, hít một hơi thở sâu thì cô hàng xóm dắt con đi qua. Thấy mẹ dừng lại trước mặt tôi, thằng bé lễ phép cúi đầu:
- Con chào ông ạ.
- Ngoan quá…
Tôi hỏi vui:
- Cô giáo cho cháu đi học đàn à? Bao giờ cô giáo lên hiệu trưởng để tôi còn gửi thằng cháu ngoại.
- Ôi, ông ơi, cháu dâng cả hai tay cho các bạn ham muốn. Cháu xin hai chữ “bình an”.
- Cô thức thời đấy! Cô cho cháu học đàn gì?
- Cháu học sáo trúc, ông ạ. Cháu cho bé học nhạc để xây dựng tâm hồn chứ không đi chuyên nghiệp… Xin phép ông ạ.
Thày giáo Thịnh, người dạy cháu bé sáo trúc, vào đêm trăng hay ra bờ hồ, thổi sáo bài “Trăng sáng đôi miền” của An Chung. Tiếng sáo như bay vút lên bầu trời trăng sao. Lúc đó, dù tôi đang làm gì cũng dừng lại nghe trọn bài. Tiếng sáo da diết, nhạc êm ái và tươi sáng. Những lần tiếng sáo rơi đúng lúc tôi đang ngồi cầm bút thì giai điệu mà tiếng sáo vút lên trở thành giây phút bất hủ đối với tâm hồn tôi.
***
Gió mùa Thu cứ chầm chậm thổi về, từng đợt, từng đợt. Mùa Thu nào cũng cho tôi một cảm xúc mới. Đêm nay tôi đang ngồi cầm bút, nhìn qua cửa sổ thấy trăng tròn trên bầu trời trong, ngó nhìn xuống đường thấy ánh trăng đã tràn ngập. Tôi đứng dậy mở cửa đi ra. Tôi thích đi dạo vào mùa trăng, lững thững đi từng bước dọc theo con ngõ nhỏ ra phía hồ.
Bỗng tôi nghe thấy xa xa có tiếng dương cầm rơi rơi từng tiếng, từng tiếng như những giọt trăng. Tôi nhận ra đó là bản sonata “Dưới trăng” (Moonlight Sonata) của Beethoven, nhà soạn nhạc thiên tài khi đi vào con đường hẹp ở Vienna, nghe một thiếu nữ mù đang chơi một bản nhạc buồn buồn, xa vắng, ao ước được ngắm ánh trăng một lần, đã xúc động ngồi vào cây dương cầm bắt đầu buông ra những nốt nhạc nhẹ như ánh trăng rồi dần dần ào ạt như sóng Danube. Bản sonata “Dưới trăng” ra đời.
Đắm chìm trong tiếng đàn tôi lững thững ra đến hồ. Lúc này tiếng đàn đã dứt, đêm trăng thu bên hồ lung linh làm tôi nghĩ đến bài thơ “Bả tửu vấn nguyệt” (Rót rượu hỏi trăng) của Lý Bạch:
Người nay đâu thấy Trăng xưa
Trăng nay soi tỏ Người xưa đã từng
(Dịch: Lão Nông)
Đêm đã khuya, tôi quay lại nhà. “Người đi, Trăng bước song hàng nghêu ngao” (Lý Bạch).
***
Tháng Tám. Lại một mùa Trung thu mới. Chiều nay bà tổ trưởng dân phố gõ cửa nhà tôi gửi cho cháu bé gói quà Trung thu. Nghe tiếng trống chiêng ầm ầm ran lên xung quanh. Mở cửa đứng nhìn, thấy lũ trẻ nhỏ đang xúm đầy xung quanh đội múa sư tử, chỉ chỏ ông Địa, vỗ tay, cười nói lào xào.
Có bé bạo dạn còn len lén đến sau ông Địa, sờ vào cái quạt lá của ông đang cắp nách rồi chạy. Cả bọn lại cười ồ lên. Đêm đó, trẻ con ở các ngõ đổ ra cùng nhau đi rước đèn theo nhịp trống rình rình rình cà-rình cà-rình cà-rình. Mùa Trung thu chầm chậm qua đi.
Hôm nay ngủ dậy tôi thấy trong người khỏe khoắn, vươn vai một cái rồi ngồi vào ăn sáng: Một đĩa bánh cuốn, sau đó lên nhà xuất bản ký hợp đồng xuất bản công trình mới của tôi là đưa công nghệ vào lớp học nhằm phát huy khả năng tư duy phản biện và sáng tạo của người học. Cuộc nói chuyện ngắn ngủi với nhà xuất bản làm tôi đi vui về vui.
Đến trước cửa nhà tôi thấy cuối ngõ ồn ào, bà tổ trưởng vừa ở chỗ đó về, bảo tôi:
- Ông biết không, bọn đòi nợ thuê.
- Thế ạ. Ai nợ nần gì mấy cái thằng xã hội đen này, hả bà?
- Con bà Toán. Con với cái, cái nợ đồng lần.
Ít lâu sau quả là bà Toán phải bán nhà, đi đâu không biết. Ngôi nhà bị xóa sổ, đập xuống tận móng. Cơn gió chướng thổi ào đến rồi qua đi vội vàng để lại những tiếng đập đập gõ gõ của chủ mới đang xây lại nhà.
***
Mưa Ngâu rồi đến mưa dầm gió bấc, một năm trôi qua. Nhìn ngôi nhà mới xây tôi mỉm cười hâm mộ chủ nhà vì nó hài hòa với các nhà khác trong xóm, màu sắc trung tính nhưng trông vẫn thanh tao.
Người chủ đã dành một nửa mảnh đất làm vườn với hàng rào dâm bụt giống như những ngôi nhà nơi làng quê. Chiều nay đi qua ngôi nhà mới tôi dừng lại sát bên hàng rào ngắm cây khế sau rặng dâm bụt. Bỗng tôi nghe thấy tiếng ông chủ trong vườn vọng ra:
- Mời ông vào chơi.
- Chào ông. Tôi mê ngôi nhà có vườn lắm.
Ông chủ nhà khoảng lục tuần mời tôi một tuần trà bên chiếc bàn đá ở góc vườn.
- Em mới về nhưng cũng biết bác ở ngõ này, hôm nay rất vui được gặp bác.
- Tôi cũng nghe nói về ông, một người cũng “vang bóng một thời”.
- Ấy chết, có gì đâu, bác. Đời làm việc của em thì việc gì đến tay làm việc nấy thôi.
Tôi nói vui:
- Ừ thì tôi cũng chỉ nói cái Giải thưởng Nhà nước cũng tự đến tay ông thôi, chứ ông có xin đâu nhỉ!
Ông chủ nhà nhìn tôi thiện cảm và cười to:
- Bác! Mời bác uống trà đi. Em mê trà Long Tỉnh của Tàu lắm. Thơm dịu.
- Vâng, trà Tàu mà.
Chúng tôi ngồi với nhau một lúc lâu, nói chuyện về vườn tược, đôi khi cũng bộc lộ nhẹ nhàng về nhân sinh quan của mình. Được thanh thản uống trà trong hương thơm phảng phất của hoa vườn thì thật như “Hạc hạ Bồng lai” (Lỗ Phạm).
Lại một ngày mới, ăn xong bữa sáng, tôi ra ngồi ở bậu cửa nhìn mấy chú chim sâu nhảy lên nhảy xuống trên cây ổi. Một lúc sau lại thêm chú chim sẻ. Đã từng nhiều lần tôi vác cái ống nhòm ra để tìm dấu vết đặc biệt của từng chú, đánh dấu những chú chim quen, nhưng các chú cứ nhảy tanh tách, xoay ngang xoay dọc… Chịu! Nhìn xuống tôi lại thấy con bướm vàng và bướm hoa đang vẫy cánh trên bụi hoa nguyệt quế.
***
Ngõ vắng, nơi đây những con người dù là tài năng hay bình thường đã sống đói cho sạch, rách cho thơm qua nhiều năm tháng, nơi đây những con người tránh né danh lợi, giới hạn sự ham muốn, dành niềm đam mê cho công việc của mình, trở về sống bình dị và thanh thản. Mảnh trăng trên trời cũng rời xa phố phường nơi mà đồng tiền là chúa muôn loài để trở về tỏa ánh trăng vằng vặc sáng soi cho ngõ vắng.