Món quà vô giá từ 'Giấc mơ buổi sáng'

GD&TĐ - Tôi đồ rằng khi viết “Giấc mơ buổi sáng”, Nguyễn Lãm Thắng hoàn toàn trở về sống với những năm tháng tuổi thơ của mình...

Ảnh minh họa: INT.
Ảnh minh họa: INT.

Đọc tập thơ “Giấc mơ buổi sáng” (gồm 333 bài thơ thiếu nhi – NXB Đại học Huế - 2012) của nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng, tôi đã nghĩ rằng có lẽ ông sinh ra để viết về thiếu nhi, cho thiếu nhi.

Nguyễn Lãm Thắng

Về quê

Nghỉ Hè bé lại thăm quê

Được đi lên rẫy, được về tắm sông

Thăm bà, rồi lại thăm ông

Thả diều, câu cá, sướng không gì bằng

Đêm về ngồi ngắm ông trăng

Nghe ông kể chuyện chị Hằng ngày xưa

Bà rang đậu lạc thơm chưa

Mời ông bà bé say sưa chuyện trò

Tôi đồ rằng khi viết “Giấc mơ buổi sáng”, Nguyễn Lãm Thắng hoàn toàn trở về sống với những năm tháng tuổi thơ của mình, bằng tất cả tình yêu thương với tuổi nhỏ.

Đặc biệt, trong “Giấc mơ buổi sáng”, tôi thật sự thích thú khi đọc bài “Về quê”. Ở bài thơ này, Nguyễn Lãm Thắng dường như đã đưa người đọc trở về với tuổi thơ của mỗi người. Đọc “Về quê” nhưng hào hứng, vui tươi như chính mình được về quê.

Bài thơ ngắn gọn với bốn cặp câu lục bát nhưng lại có khả năng truyền tải tất cả niềm vui sướng của em bé khi được về thăm quê vào dịp Hè.

Ngay ở hai câu đầu, tác giả đã mở ra cả một mùa Hè đầy thích thú của em bé. Có lẽ, em bé đã rất trông mong những ngày Hè để “lại thăm quê”. Bằng cách sử dụng từ “lại”, tác giả cho người đọc thấy đây là hoạt động thường xuyên, quen thuộc của em bé vào mỗi mùa Hè: Được về thăm quê.

Và tất nhiên niềm háo hức đó là có lí do bởi khi về thăm quê, “bé” tạm thời không bị gò bó bởi sách vở, học hành; được thoải mái “đi lên rẫy”, rồi “về tắm sông”. Điệp từ “được” được lặp lại trong câu thứ hai càng cho thấy niềm vui sướng, phấn khích của bé.

Đọc câu thơ “Được đi lên rẫy, được về tắm sông”, tôi cứ tưởng tượng ra trước mắt mình là một em bé đang hào hứng kể với ba mẹ, bạn bè hay một người quen nào đó về những cái “được” tuyệt vời khi về thăm quê. Có lẽ, đối với tuổi thơ mỗi dịp Hè về, được về thăm quê là một món quà vô giá, bổ sung vào hành trang kí ức của đứa bé những kỉ niệm ngọt ngào bên người thân, gia đình mà khó có điều gì sánh được.

Chỉ với hai câu đầu, Nguyễn Lãm Thắng đã cho người đọc thấy sự vui tươi của con trẻ khi “được nghỉ Hè” và cũng với hai câu thơ này, nhiều người đọc như thấy được tuổi thơ của mình mỗi Hè về.

Còn gì tuyệt vời hơn những buổi sáng lí lắc theo ông bà lên rẫy, khi những cành lá còn lóng lánh sương đêm, khi cánh chuồn còn ngơ ngác sau một đêm say ngủ, bé thích thú ngắm nhìn, thích thú đuổi bắt; những buổi chiều vui vẻ cùng lũ bạn tắm sông với những tràng cười giòn tan bất tận.

Dòng sông ấy, cha đã từng thả ước mơ của mình một thời thơ trẻ, nay con lại viết tiếp những nét đẹp của kí ức và kỉ niệm ngọt ngào. Đời cha mẹ nối với đời con không chỉ bởi niềm yêu thương ruột thịt mà còn có cả những kỉ niệm tương đồng nơi dòng sông thương bên lở bên bồi.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

“Về quê” là về thăm ông bà, thăm quê hương xứ sở. Nơi gắn bó với bao kỉ niệm thời ấu thơ của cha, nơi ghi dấu những tháng ngày lớn lên của mẹ. Quê cũng là nơi sẽ cho con bao kỉ niệm tuổi thơ đầy ngọt ngào với những buổi thả diều, những chiều câu cá.

Cụm từ “sướng không gì bằng” sau các hành động “thả diều”, “câu cá” cho thấy niềm phấn khích tột độ của em bé. Đó thực sự là những trải nghiệm tuyệt vời, đầy ý nghĩa trong ngày Hè. Con sẽ nằm trên bờ đê ngắm những cánh diều no gió chao liệng mà thích thú thả tiếng cười vang xa. Cánh diều trước kia từng nâng ước mơ của cha bay cao, bay xa nay lại vỗ giấc tuổi thơ con bình yên trong những ngày Hè nơi quê nhà yêu dấu.

Cũng có khi con sung sướng theo ông, theo cha đi câu cá, trải nghiệm cảm giác chờ đợi cá cắn câu rồi rối rít hét lên khi giật cần câu lên một chú cá rô béo mũm đang lơ lửng. Quả thật “sướng không gì bằng”.

Niềm vui sướng kéo từ ngày sang đêm:

“Đêm về ngồi ngắm ông trăng

Nghe ông kể chuyện chị Hằng ngày xưa”

Buổi tối, bé sẽ cùng ông bà “ngồi ngắm ông trăng” dưới sân nhà. Dưới ánh trăng sáng, bé chăm chú nghe ông kể chuyện chị Hằng, chú Cuội. Chị Hằng nơi đâu, chú Cuội nơi đâu? Bé nhìn theo tay ông chỉ chăm chú mãi về phía vành trăng tròn mà đoán già đoán non nơi ở của chị Hằng, chú Cuội. Hình ảnh đó giống tuổi thơ cha, mẹ xưa kia cũng từng mải miết đi tìm hình bóng chị Hằng, chú Cuội trên sân nhà vào những đêm trăng sáng.

Bà góp vui vào câu chuyện dưới trăng bằng đĩa đậu lạc rang thơm phức: “Bà rang đậu lạc thơm chưa”. Đó là một câu khẳng định đầy hào hứng, để rồi bé ngoan ngoãn “mời ông bà” và vừa cùng ông bà ăn đậu lạc vừa “say sưa chuyện trò”.

Những câu chuyện dưới ánh trăng thanh bình sẽ tiếp nối mãi đến khi bé bình yên chìm vào giấc ngủ ngoan hiền. Hai câu cuối bài thơ gợi ra nếp sinh hoạt quen thuộc của những gia đình nơi miền quê thanh bình, yên ả. Dưới ánh trăng sáng, một manh chiếu được trải ra giữa sân, cả nhà quây quần chuyện trò vui vẻ. Kỉ niệm cứ đầy thêm qua những đêm Hè.

Bài thơ khép lại nhưng câu chuyện về quê thì cứ kéo dài ra mãi. Bao điều mới lạ, bao kỉ niệm đẹp, bao trải nghiệm hữu ích có được từ những ngày Hè ở quê. Nên những mùa Hè sau bé vẫn giữ mãi niềm háo hức, vui sướng trở về. Bằng những câu thơ ngắn gọn, thể thơ lục bát gần gũi, giọng thơ hồn nhiên vui tươi, Nguyễn Lãm Thắng thực sự đã vẽ lên trong tâm trí người đọc một bức tranh “Về quê” đầy sống động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ý nghĩa của tượng rắn phong thuỷ Chivas 21 chính hãng giá tốtBST quà tặng golf mạ vàng Tủ hấp cơm công nghiệp gia công giá rẻ Hộp quà rượu Nut Corner quà tết cho nhân viên Danh mục hộp quà tặng doanh nghiệp nhập khẩu