Truyện ngắn Mơ về nơi xa lắm

GD&TĐ - Những kỷ niệm về mẹ tràn ngập trong tâm hồn, như những đám mây trắng bồng bềnh trên bầu trời xanh.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

1.

Lam đứng dán vào cửa kính quầy sách, mắt dáo dác nhìn quanh. Nó thèm lắm những cuốn sách kê trên kệ với khuôn bìa đẹp, trang giấy mịn màng. Nó ước gì có thể mua, nhưng trong túi còn không có nổi một đồng bạc cắc.

Mười ba tuổi, nó vẫn đang thui thủi một mình, không có mẹ kề bên. Những ngày dài trôi qua như những hạt cát mịn trong lòng biển, nó cảm nhận sự cô đơn, buồn tủi. Những kỷ niệm về mẹ tràn ngập trong tâm hồn, như những đám mây trắng bồng bềnh trên bầu trời xanh.

Nó đứng đó, ngắm nhìn và mơ, và nhớ hàng đêm khi nó rúc đầu vào nách đòi mẹ kể chuyện. Mẹ kể về cô bé quàng khăn đỏ phiêu lưu trong rừng để cứu bà ngoại khỏi lũ chó sói. Cô bé dũng cảm và thông minh, dù nhỏ bé nhưng thể hiện sức mạnh phi thường. Thánh Têrêsa - một cô bé bé nhỏ, sinh ra từ một hạt cỏ, là chuỗi những bông hoa hồng đơn sơ và khiêm nhường, đủ để đẹp lòng Thiên Chúa. Từ nhỏ, nàng đã là cô gái tràn đầy lòng yêu thương, luôn vâng lời và muốn làm đẹp lòng mọi người.

Ngày mẹ nó còn trên giường bệnh, nắm lấy tay con, bà thì thầm kể về Thánh Têrêsa thành Lisieux, cuộc đời của một nữ tu với lòng kiên nhẫn, tình yêu và sự hy sinh, về những năm cuối đời trải qua sự suy sụp về sức khỏe, chịu đựng một cách kiên trì, không lời than thở. Trên giường bệnh, Têrêsa trăng trối với Đức Thánh cha: “Con đã đạt đến mức mà không thể nào chịu đau khổ được nữa, bởi vì đau khổ đã trở nên quá ngọt ngào đối với con”.

“Đừng cố gắng để trở thành những điều gì quá lớn lao hay hào nhoáng ngoài kia. Mai này, con hãy lan toả hương thơm của lòng bác ái và yêu thương đến mọi người, con nhé”. Mẹ nhìn nó đầy hy vọng, khi đôi bàn tay đang dần buông thõng…

Với nó, mẹ là nữ hoàng của những điều kỳ diệu, dù trong thế giới thực hay những câu chuyện trong mơ.

Nó nhớ mẹ. Nó khóc. Dụi dụi đôi bàn tay nhỏ bé, nhăn nheo còn vương mùi mắm, mùi của nước rác, chua lòm.

Nhân viên trong quầy hàng sách, co cụm, ngồi đến phát mốc. Thiên hạ đi ngang, vội vã, không dừng. Hình như chẳng còn mấy ai quan tâm đến thế giới sách trong cái cuộc sống xô bồ này nữa rồi.

Mấy cô trong nhóm, thảnh thơi nhìn buâng quơ. Thấy con bé dán mắt vào quầy hàng, thì thầm nhỏ to với nhau:

- Tội thân nó, ngày nào cũng đến quầy sách, cũng chỉ đứng nhìn, e dè, lén lút. Con bé thích đọc sách, nhưng hoàn cảnh lắm. Mẹ nó mất, ở với bà ngoại đã ngoài tám mươi trong căn nhà bé tẹo bên góc chợ phố huyện. Gọi là nhà vậy thôi, chứ có chăng cũng chỉ là cái chòi canh chợ, người ta nhượng tạm cho mẹ nó ngày còn làm lao công cho khu chợ.

Hàng ngày nó phụ giúp quán bún bò bà Chín Béo, đổi lấy những bát bún thừa cuối những buổi chợ cho bà cháu qua ngày. Nó không còn bố từ khi chưa lọt lòng, nghe đâu chết rục xương vì cái án tù chung thân do buôn hàng quốc cấm. Mẹ nó làm vệ sinh nơi góc chợ, mới mất do lao phổi vào một chiều mưa đông rét mướt. Đám tang lặng lẽ không kèn trống, nó chít khăn xô, te tái trong cái lạnh, lặng lẽ tiễn mẹ đi, về nơi xa lắm …

Thương ngoại, không đành lòng nó nằng nặc đòi nghỉ học. Mấy lần nhà trường đến đặt vấn đề, nó đi học lại, đâu được một thời gian, nó lại nghỉ. Bạn bè nó kỳ thị, xa lánh với cái quá khứ ngông tuồng do bố nó để lại. Hoàn cảnh như vậy mà một số phụ huynh còn yêu cầu cô giáo không cho nó chơi với các bạn nó nữa. Trẻ con thì biết gì cơ chứ, thấy người lớn nói làm điều xấu thì xấu lắm.

- Nguời lớn làm thì người lớn chịu chứ, trẻ con có tội tình gì.

- Khổ lắm, có phải ai cũng dạy cho bọn trẻ hiểu được điều đó đâu. Thời gian bọn trẻ còn phải học chính khoá, học thêm, nhồi nhét kiến thức văn hoá, cốt sao cho thoả mãn thèm muốn của người lớn, mà vểnh mặt lên với đời cho bằng chị, bằng em.

- Xóm nhà tôi ấy, có mấy cặp vợ chồng lấy nhau mãi mà chẳng có con, chạy chữa khắp nơi mà không được. Không có con thì mong cho có, có rồi thì mong cho nó lành lặn, khoẻ mạnh, mong học giỏi, rồi lại học giỏi hơn con nhà người ta. Cứ như thế, họ tham lam ngay cả với tương lai của chính con mình.

Con bé vẫn đứng đó, nó nghe, nó hiểu, nó cảm nhận và nó chạnh lòng.

Nó buồn lắm, lủi thủi về lại nơi góc chợ, lặng lẽ, một mình. Nó không muốn về nhà, nhưng trên đời này nó chỉ có một chỗ để về. Không về thì nó biết đi đâu, về đâu?

Gọi là nhà, nhưng đó là góc thừa dãy nhà gửi xe, mép thưng bằng mấy vạt giấy dầu mà ngày mẹ nó còn sống, dọn vệ sinh cho công trường xây dựng phía bên kia đường cái quan, thương mẹ con bà cháu, người ta cho mấy cuộn, kèm theo ít tiền công. Căn nhà tối thui khi đêm xuống, nó đã quen với ánh sáng heo hắt của ngọn đèn nơi dãy nhà to phía đối diện khu chợ rọi vào, bóng nó chơi vơi theo vách ngăn lơ lửng.

Tâm hồn nó dật dờ với hình bóng của cha và những giọt nước mắt lặng lẽ của mẹ. Nó còn quá nhỏ nên không thể lý giải, nhưng cũng đủ cảm nhận để mà buồn, mà tủi.

Ngày xưa, gia đình nó cũng có ngôi nhà khang trang, không gọi là giàu, những cũng tạm gọi là ấm cúng. Ngày cha nó gặp nạn, đám giang hồ đến đòi nợ, mẹ nó đành gán lại ngôi nhà để chuộc nợ cho chồng. Gạt hai dòng nước mắt, mẹ con bà cháu dẫn nhau về sống tạm bợ nơi ồn ào phiên chợ, đìu hiu, tạnh vắng khi đêm về.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

2.

Thảnh vừa đi vừa cười tủm tỉm, hai quai hàm bệu ra, làm dãn thêm đôi mắt nhỏ ti hí. Cái bộ mặt thô kệch của hắn vừa lí thú vừa dữ dằn, nghễnh ngãng bước bên lề góc chợ. Hắn cao to vạm vỡ, bề ngoài nhìn hung dữ cộc cằn, thành ra người đời ai cũng ngại đụng chạm, sợ hắn như sợ tà ấy, dại gì mà dây vào ổ kiến lửa để rồi lại chuốc hoạ vào thân.

Nhìn bề ngoài có vẻ gai góc, bặm trợn, tướng mạo dữ dằn vậy thôi, nhưng hắn hiền lắm. Ấy là người ngoài, khách vãng lai nghĩ vậy, chứ ở cái xóm chợ này, chẳng ai lạ gì hắn nữa. Gặp gỡ, tiếp xúc lâu dần thành quen bởi sự tận tâm và hiền lành của hắn, nhất là bọn trẻ con. Thi thoảng chúng còn trèo lên đầu, lên cổ bắt hắn làm trâu, làm ngựa cho bọn chúng cỡi. Những lúc như vậy, hắn chỉ cười hiền, tẽn tò như bọn chúng với nhau cùng một lứa tuổi.

Hắn dạt về xóm chợ, nghe đâu cũng hơn mươi năm về trước. Ngày đó, vợ hắn sốt cao, nhân viên bệnh viện yêu cầu, hối thúc hắn làm giấy tờ nhập viện cho vợ. Hắn đang ở rừng, nghe nói đâu cầm đầu cả nhóm thợ sơn tràng gần chục người khai thác gỗ lậu, nhận được tin, hắn phóng về ngay, nào có kịp chuẩn bị gì, lao vội ngay vào viện.

Ai đó hỏi giấy tờ tùy thân, bảo hiểm, rồi lại vặn vẹo tiền đặt cọc chăn màn, quần áo, tiền viện phí? Ối trời ơi, hắn ngao ngán, lẩm bẩm: “Thì cấp cứu nào có kịp chuẩn bị gì”. Hắn còn chẳng kịp, chẳng có thì đúng hơn và cũng chẳng biết trả lời thế nào. Hắn và vợ hắn sinh ra ở vùng quê nghèo hẻo lánh, quê một cục. Đến cái ăn còn chẳng đủ, nghĩ gì đến bảo hiểm, giấy tờ tuỳ thân. Hắn sốt ruột, níu tay cô hộ lý trẻ nhờ giúp đỡ, luống cuống chạy quanh.

Lại ai đó gọi nhắc đi đóng tiền viện phí. Hắn làm gì còn tiền. Có bao nhiêu phần thì lo cho đám thợ, phần thì nướng vào các ván bạc mất rồi. Trong túi còn mấy chục ngàn, vợ hắn còn nằm trong phòng cấp cứu chẳng biết tính sao. Hắn cầu khẩn cô hộ lý giúp vợ hắn với, chờ mổ xong rồi tính tiếp. Hắn hứa, hắn cầu khẩn tha thiết, hắn xin thề mang cả tấm thân hắn ra mà bảo đảm.

Một tiếng thét xé trời vang lên, rồi im bặt. Chẳng còn tiếng khóc, tiêng kêu rên nào nữa, chỉ là khoảng lặng đến rợn người. Hai bàn chân từng trèo đèo lội suối, băng rừng vượt núi mà lúc này không còn đủ sức nhấc lên. Kể từ đó hắn trở thành một con người khác. Đau thương đã khiến hắn cục cằn, sống bất cần đời.

Không nhà, không cửa, không gia đình, lang thang vật vờ, hắn thường lui đến quán bà, lúc thì nhặt nhạnh đôi ba bó rau, giúp quét tước, lau chùi thêm cái quán ăn. Nhìn vậy thôi, nhưng coi hắn làm cũng cẩn thận, tỉ mỉ, lau dọn sạch sẽ, ngăn nắp lắm. Lâu rồi thành quen, tối đến kiêm luôn trông coi bảo vệ quán giúp bà.

Hàng quán siêu vẹo, nhất là khi bão tố về, hắn giúp bà sửa sang, thu dọn. Phận đàn bà không chồng, tuổi tác có phần đã cao, cô đơn nơi quán chợ trống vắng, có hắn bà cũng thêm vui. Riết rồi thành quen, bà cho hắn ở lại làm chân giúp việc. Từ đó, hắn coi như “có công ăn việc làm”, cũng còn có “căn nhà” mà chui ra chui vào, tá túc dung thân.

Bà Chín Béo cũng nghèo. Lớn lên ở xóm chợ, làm ăn buôn bán mấy mươi năm cũng ở cái xóm chợ này. Và cũng chừng ấy năm, bà vẫn cô đơn một mình. Thân hình đồ sộ, vóc dáng cộc cằn, bà không thu hút ánh nhìn nhưng dáng vẻ đầy tự tin. Ấy vậy thôi, nhưng nhân hậu và ấm áp lắm. Như cái xóm chợ này vẫn vậy, ồn ào, tấp nập với đủ các hạng người, cũng cãi vã, cũng tranh giành, nhưng biết thân, biết phận, nương tựa vào nhau để sống, để mưu sinh.

Từ ngày có hắn và con bé Lam về giúp việc, bà cũng thấy thảnh thơi hơn khi tuổi cũng đã xế chiều. Quán hàng ăn nơi cái xóm chợ đìu hiu này, lời lãi được bao nhiêu, nhưng giờ lại cưu mang thêm mấy miệng ăn, của cũng tội, nhưng bà không lấy đó làm điều. Tiền thì biết bao nhiêu cho đủ, nhưng làm phúc được cho đời một phần nào đó cho lòng thảnh thơi. Nghĩ vậy thôi, nhưng khi vắng khách, những đêm vắng cô đơn cứ bám lấy bà, chạnh lòng, tủi thân, lặng thầm trong nước mắt.

Mới sáng sớm mà trời đã nóng hầm hập, mái tôn thấp lè lè, Lam ngồi trong nhà chẳng khác gì đang bị luộc hơi. Trong phòng tối, ngoại hung hăng ho. Quanh năm suốt tháng ba sống với thuốc, cảm giác như bao nhiêu bệnh tật trên đời này đều tranh nhau đeo bám lấy bà.

Sáng nay bà Chín Béo réo gọi nó thật sớm sang lấy về cho bà nó suất bún. Bé Lam tay xách cặp lồng nhỏ, men theo bờ con mương nhỏ phía bên kia cổng chợ, đầu trần vội vã bước đi trong cái nắng giữa hạ. Đôi chân nhỏ bé trần qua từng dòng nước, sóng sánh, chảy tràn lên trên bờ mương, tràn bò vào tận phía chân cổng chợ.

Mùa này trạm thuỷ nông thông báo lấy nước về đổ ải, dòng mương nào cũng ngập tràn nước, réo rắt chảy hoà theo tiếng rao của những người bán hàng rong bên kia xóm dân cư trước cổng chợ.

Tiếng phanh gấp gáp, khét lẹt. Bịch, bịch, tiếng đấm, tiếng đá, tiếng la hét xôn xao hòa quyện với tiếng xào xạc chợ sáng của những công nhân bốc vác, chủ nậu giao hàng. Người đàn bà tay ôm bụng cữ như sắp đến ngày sinh nở. Một dòng nước chảy tràn dưới chân người đàn bà chửa.

Sự việc diễn ra nhanh quá, con bé Lam còn chưa hiểu chuyện gì, những cũng kịp vội lao ra. Nó xông tới, nó đấm, nó đá, nó quát tháo loạn xạ với người phụ nữ xa lạ, đang hùng hổ trực lao vào đánh tiếp. Miệng nó còn dính máu do đỡ lấy cú tát như trời dáng của người đàn bà hoạn thư, nó la lên thất thanh:

- Cứu. Chú Thảnh ơi, cứu con.

Thảnh đang còn thu dọn đồ trong quán ăn, nghe tiếng kêu của con bé Lam, hắn vội lao ra.

- Toi rồi, cô ta chuyển dạ. Sao lại đẻ vào cái giờ này cơ chứ? Gọi người thân đưa đi viện, nhanh còn kịp.

- Tôi dân tứ xứ đến đây, cũng có chồng đâu mà gọi!

- Khốn khổ. Thế phải làm sao, tôi đực rựa thế này?

- Tôi xin anh. Anh cứu tôi, cứu cháu.

Thảnh cũng chẳng kịp nghĩ, lúc xốc vội ngồi lên xe máy quát: “Ôm chặt vào! Mau còn kịp!”. Mấy nhân công bốc vác gần đó thờ ơ, vô cảm, họ chẳng còn lạ gì với mấy cái chuyện đó, nó như cơm bữa ấy mà, nơi cái chợ ồn ào này. Thảnh gọi ới ời mấy dãy nhà to đối diện, cũng không thấy ai thưa, cũng chẳng có cánh cửa nào hé mở.

- Trời ạ! Chết dẫm hết cả rồi. Con bé Lam đâu rồi, mày còn đứng ngây ra đó à, ôm lấy con mẹ đó cho tao.

Con bé Lam lóng ngóng, vuốt vội dòng máu từ miệng chảy trào xuống cổ áo, vội vàng ôm chặt lấy người phụ nữ. Thảnh lẩm bẩm rồi rồ ga. Con bé Lam ngồi phía sau với tay bấu chặt vào thành xe, tay kia ôm ghì lấy người đàn bà xa lạ. Người đàn bà lên cơn đau, đầu ngoẹo sang một bên như chẳng còn sức sống.

Thảnh phát điên lên mất. Bao nhiêu năm nơi sơn cùng thuỷ tận, chưa lần tay vấy máu. Tuy chẳng được học hành đến nơi đến chốn nhưng mẹ hắn luôn dạy hắn phải làm người tử tế. Hắn chẳng biết thế nào mới được gọi là người tử tế, chỉ biết sống theo lương tâm của một kẻ nghèo từng được nhiều mảnh đời bao bọc.

Giờ gặp phải hoàn cảnh khiến Thảnh nhớ đến nỗi đau xưa, lòng hắn nóng như lửa đốt. Hắn lẩm bẩm nguyền rủa thằng khốn nạn nào đó, có mà không không biết lo. Như hắn, muốn lo mà cũng chẳng có. Thảnh cố xua đuổi đi kí ức đau buồn cứ bám riết lấy mình. Những lúc như thế, Thảnh cũng chạnh buồn. Đã từ lâu, Thảnh coi bà cháu Lam như gia đình. Giờ trong hoàn cảnh này, Thảnh lại ước, lại mong.

Con bé Lam lẽo đẽo đi theo Thảnh từ ngày vào viện đến nay. Có nó Thảnh cũng thấy vui, nó cũng giúp được khối việc vặt, nhất là khi nó thủ thỉ, thì thầm với thiếu phụ, quấn quýt như bản năng tự nhiên tình mẫu tử mà từ lâu nó khao khát, ước vọng. Với nó bây giờ, chỉ cần có mẹ, có mái ấm gia đình, thế là đủ.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

3.

Bóng chiều buông, nó lủi thủi về lại nơi quán trọ. Nó thắp hương lên ban thờ mẹ nơi góc tối quán trọ, nó khấn: “Mẹ thân yêu, con nhớ câu chuyện cổ tích về những cuộc phiêu lưu, những cuộc chiến đấu để bảo vệ những giá trị tốt đẹp, về lòng dũng cảm. Cảm ơn mẹ đã lắng nghe câu chuyện của con. Hy vọng ở nơi xa lắm, mẹ sẽ luôn kề bên, nâng đỡ và phù hộ cho con làm những điều tốt lành, thoả mãn lòng mong ước của mẹ, mẹ nhé!”.

Yêu mẹ nhiều!

Và nó lại mơ về nơi xa lắm. Mơ về chuyện cổ tích ngày xưa mẹ nó kể. Chuyện mẹ nó kể, và bây giờ, nó lại tiếp tục kể, kể về chuyện cổ tích thời nay …

Ngoại rón rén, lặng thầm vít lấy cổ nó, gắng gượng, nói trong hơi thở: “Cha bố cô, ấy vậy mà khi nào cũng nói con còn bé lắm”.

Ngoại ôm nó vào lòng, nghe đâu đây văng vẳng tiếng chuông nhỏ từ nhà thờ xa vọng về …

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.