Lưu Trọng Lư
Nắng mới
(Tặng hương hồn thày mẹ)
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.
Hình dáng mẹ tôi chưa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa Hè trước giậu thưa.
Xuất thân trong một gia đình nho học, tài năng thi ca của Lưu Trọng Lư sớm được nở rộ và ông là một trong những nhà thơ khởi xướng phong trào Thơ mới. Cũng chính vì vậy, thơ của ông trong trẻo, tinh tế mà dạt dào cảm xúc. Lưu Trọng Lư đã làm giàu cho nền văn học Việt Nam với nhiều tác phẩm hay, xuất sắc, trong đó không thể không kể đến bài thơ “Nắng mới” được in trong Ngữ văn 10 (Sách giáo khoa - Chân trời sáng tạo).
“Nắng mới” được thai nghén cũng như được sáng tác khi ông đã xa mảnh đất Quảng Bình – nơi “chôn nhau cắt rốn” của tác giả. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê ở nơi “đất khách quê người” đã khiến Lưu Trọng Lư “mường tượng” về quãng thời gian đã xa. Do đó, bài thơ là dòng hồi tưởng về những kí ức, kỉ niệm tuổi thơ ngây ngô của tác giả bên người mẹ quá cố, từ đó bộc lộ nỗi lòng của người con thương nhớ mẹ.
Khởi nguồn cho dòng cảm xúc dạt dào trong nhà thơ là một bức tranh giản dị, bình yên quen thuộc với làng quê Việt Nam:
“Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng”
Cái giản dị ấy có trong những tia nắng mới “hắt” bên song cửa sổ. Bức tranh không chỉ có cảnh vật như sông, tia nắng mà còn có cả tiếng gà trưa làm xao động cả một không gian. Tưởng chừng đó là bức tranh của sự tươi vui phấn khởi khi có “nắng mới”, có “tiếng gà trưa” nhưng thực ra nhà thơ muốn vẽ nên một bức tranh đầy tâm trạng. Tiếng gà trưa được miêu tả “gáy não nùng” cùng việc sử dụng từ láy “xao xác” như gợi lên trong lòng người đọc một không gian yên tĩnh, vắng lặng. Nhà thơ thật tinh tế khi lấy sử dụng thủ pháp “lấy động tả tĩnh” để miêu tả không gian, cảnh vật lúc ấy. Tiếng gà gây xao động mà như làm cái tĩnh lặng, hiu hắt ấy càng được nổi bật thêm. Câu thơ thứ hai thật đặc biệt không chỉ ở ngôn từ mà còn ở cả nhịp điệu. Cách ngắt nhịp 2/2/3 như diễn tả tâm trạng trầm buồn, nhớ thương của nhà thơ khi bắt gặp cảnh vật. Tâm trạng đó như càng được khẳng định rõ nét hơn qua sự hồi tưởng về quá khứ:
“Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không”
Cái khung cảnh, âm thanh ấy như đưa tác giả về một thời “dĩ vãng” cùng với đó là nỗi “rượi buồn”. “Rượi buồn” chứ không phải là “buồn rượi”, nghệ thuật đảo ngữ được sử dụng để nhấn mạnh cái nỗi buồn tê tái, khôn nguôi thổn thức trong tim. Những kí ức về thời thơ ấu – cái thời “dĩ vãng” cứ dần tìm về, “chập chờn sống lại” trong trái tim của tác giả. Tuổi thơ bỗng ùa về trong tâm thức làm Lưu Trọng Lư bộc lộ rõ cảm xúc lâu nay vốn cất giấu. Cái hay của khổ thơ thể hiện ở việc nhà thơ sử dụng từ “mỗi lần”. Cảm xúc của Lưu Trọng Lư không chỉ ùa về một lần mà cứ khi bắt gặp cảnh vật, âm thanh đó thì bao nỗi nhớ thương lại dâng trào trong tim của con người dễ rung động ấy.
Ảnh minh họa: ITN |
Nhớ về tuổi thơ là Lưu Trọng Lư nhớ tới mẹ. Bởi mẹ chính là tuổi thơ của con, tuổi thơ con gắn liền với hình ảnh của mẹ:
“Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi”
“Thuở thiếu thời” của nhà thơ thật hạnh phúc khi có mẹ ở bên cạnh. Khi lên mười, người con vẫn luôn được bao bọc, chở che trong vòng tay đầy ấm áp của người mẹ. Đó là những tháng ngày thật hạnh phúc vì con và mẹ cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau phơi quần áo trước giậu phơi. Những hình ảnh thật quen thuộc “áo đỏ”, “giậu phơi” được đề cập tới, gắn liền với kí ức tuổi thơ của đứa trẻ ngây ngô, hiếu thảo. Động từ “reo” như vẽ lại khoảnh khắc bình dị, vui vẻ mà đáng nhớ. Và những kí ức tươi đẹp đó luôn có mẹ âu yếm, kế bên. Vậy nên, hình ảnh của mẹ gắn liền với quê hương, nguồn cội. Kỉ niệm thật tươi đẹp khi có mẹ, nhưng nghĩ về thực tại nhà thơ lại thấy buồn: Mẹ đã không còn ở bên con được nữa. Nhà thơ ý thức được điều đó nhưng hình bóng của mẹ sẽ mãi hằn sâu trong tâm trí con:
“Hình dáng mẹ tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa”
Lưu Trọng Lư đã khẳng định hình ảnh của mẹ không thể xóa mờ trong tim con từ giọng nói, cử chỉ, và cả tình yêu thương ấm áp mẹ dành cho con. Đó là “nét cười đen nhánh” duyên dáng, rạng rỡ của mẹ. Mẹ cười hiền dịu trong ánh nắng của trưa Hè, nụ cười ấy mang đến cho con bao niềm hạnh phúc, hi vọng. Ngôi nhà như bừng sáng bởi tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp.
“Nắng mới” khép lại với những xúc cảm khó diễn tả bằng lời của Lưu Trọng Lư. Từ giọng điệu nhẹ nhàng, mà tha thiết cùng việc khéo léo sử dụng các biện pháp nghệ thuật đặc sắc, bài thơ đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc và cảm nhận rõ nét dòng cảm xúc của tác giả qua những lời thơ ấy. Ở đây không chỉ là nỗi nhớ mẹ, nỗi buồn sâu thẳm trong tâm hồn mà còn có cả tình yêu quê hương đất nước. Cũng từ đó, nhà thơ muốn gửi tới người đọc thông điệp: Hãy luôn trân trọng, biết ơn những người luôn ở bên ta và sống đẹp, có ích.