Mẹ và những chồng bánh tráng

GD&TĐ - Khi mùa Hè đến, miền Trung nắng như đổ lửa trên đầu. Bao nhiêu năm qua, nơi lò bánh chật chội và nóng hầm hập, mẹ tôi vẫn nhẫn nại ngồi tráng bánh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từng chiếc vỉ phơi bánh cũ rồi lại đan mới, lưng mẹ quằn xuống theo từng chồng bánh cao lên mỗi ngày. Cả một đời mẹ chỉ quẩn quanh bên lò bánh cũ kỹ…

Mẹ tôi làm nghề tráng bánh. Tuổi thơ nghèo khó mẹ không được học nhiều. Thời con gái người ta được sửa soạn áo váy còn mẹ đã phải vào lò tráng bánh với nhuốc nhem tro, nhọ. Mẹ lấy chồng, mang theo nghề làm bánh tráng về gánh vác giang san nhà chồng. Một tay mẹ tráng bánh chăm mẹ chồng già yếu và nuôi đàn con thơ.

Lầm lũi theo tháng ngày, bà nội chúng tôi đã khuất núi, anh em chúng tôi cũng lớn nên người, chỉ có mẹ vẫn còn ngồi đó với cái lò đất, với chiếc nồi đồng, cái gáo và với những chồng vỉ đã nhẵn bóng mồ hôi. Bánh mẹ tráng vẫn tròn xinh và thảo thơm vị gạo quê, chỉ có mẹ đã già đi lúc nào chẳng biết…

Mẹ gửi ước mơ con chữ của anh em tôi vào những chồng bánh lặng thầm. Mỗi ngày, mẹ dậy trước lúc gà gáy, tự mình gánh gạo đi xay, tự nhóm lò, tự tráng. Ngày nào cũng cả nghìn bánh, mồ hôi đầm đìa, người mẹ chẳng thể nào mập lên nổi, mỗi mùa lạnh về còn đau gối, đau lưng. Vậy mà mẹ chưa bao giờ than nhọc.

Mỗi khi anh em tôi được điểm chín, điểm mười, mẹ ngồi ngắm trang vở thơm mà cười thật hiền, bếp lửa lò bánh như cũng biết reo vui tí tách. Mỗi lúc anh em tôi dối mẹ trốn học đi chơi, mẹ ngồi bần thần bên bếp, khói bay lên cay xòe làm mắt mẹ rưng rưng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuổi thơ tôi có bao nhiêu kỷ niệm êm đềm bên mẹ và lò bánh tráng tần tảo tháng ngày. Những ngày nghỉ học, tôi ở nhà phụ mẹ phơi bánh, nhớm bánh, được mẹ chỉ cách quay bánh sao cho tròn, cách vớt bánh sao cho không bị rách, được ngồi kể cho mẹ nghe những chuyện vui trên lớp. Mẹ vui biết bao, từng chiếc bánh tráng cứ thế tròn vành vạnh, từng vỉ bánh cứ thế đầy nhanh hơn như hiểu cả lòng người quay bánh.

Những chiều mẹ đạp xe chở bánh đi bán, tôi ngồi đầu sân trông mẹ về, vì dù hôm đó bán đắt ế thế nào, mẹ cũng có quà cho mấy anh em. Nhiều hôm, mải tranh nhau quà mà chúng tôi quên mất trên mắt mẹ nỗi buồn thoáng đọng lại vì bánh hôm nay không bán được nhiều. Bây giờ ngồi nghĩ lại, thấy thương mẹ và thấy mình có lỗi…

Tôi vào đại học sư phạm rồi ra trường đi dạy. Mẹ không giấu nổi niềm hạnh phúc đong đầy. Ước mong về một ngày đứa con gái út của mẹ được đứng trên bục giảng đã thành hiện thực. Mẹ đi khoe khắp xóm làng, mang bánh tráng tặng bà con để chia vui. Mỗi sáng tôi lên lớp, mẹ đều dừng quay bánh để ra ngắm cô giáo của mẹ trong bộ áo dài tinh tươm.

Mỗi khi dạy về, tôi xuống phụ úp bánh thì mẹ lại kêu lên nhà nghỉ ngơi vì dạy mệt rồi. Niềm hạnh phúc của mẹ đơn sơ vậy thôi, là được thấy con mình mạnh khỏe, bình an và làm được điều mơ ước. Còn tôi, từ sâu thẳm lòng mình, tôi biết ơn mẹ, biết ơn những chồng bánh tráng nhọc nhằn từ tay mẹ cho tôi được ăn học, được làm điều mình ước mơ…

Giờ đây, anh em tôi ai cũng lớn khôn và lo được nhiều cho mẹ. Nhiều lần chúng tôi khuyên mẹ nghỉ tráng bánh nhưng mẹ nhất định không chịu. Mẹ bảo còn khỏe, làm cho khuây khoả thôi. Nhưng tôi hiểu rằng, cả một đời mẹ lam lũ nơi góc bếp, cái lò bánh tráng không chỉ giúp mẹ trang trải mọi bề mà còn là người bạn lặng thầm cùng mẹ đi qua từng năm tháng, qua bao vui buồn với những ước mơ nhỏ bé mà biết mấy lớn lao…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.