Tan cuộc họp hội đồng, lòng Thanh nặng trĩu. Lời nói của ông hiệu trưởng vẫn văng vẳng bên tai: “Chúng ta phải thừa nhận rằng đồng chí Thanh có rất nhiều cố gắng trong xây dựng, chỉ đạo phong trào của lớp. Nhưng lớp tiên tiến thì phải không có học sinh cá biệt. Đằng này, em Lê Minh Tâm không những cá biệt mà còn thuộc diện nhà trường xem xét để quyết định đình chỉ học một năm”.
Trời ơi! Bao nhiêu công lao của tập thể! Bao nhiêu sự cố gắng! Chỉ vì một học sinh cá biệt…! Thanh tự nói một mình: “Tôi sẽ cho cậu lưu ban”.
Thanh đang mải mê đuổi theo suy nghĩ thì ông hiệu trưởng vào:
- Thế nào? Đã cơm nước gì chưa?
Thanh uể oải ngồi dậy:
- Anh vào chơi! Em cũng chẳng buồn nấu cơm nữa!
- Cậu phải bình tĩnh xem xét và tìm hiểu. Nghe nói Tâm là con liệt sĩ đấy! Cậu mà giáo dục được thì công lao của cậu lớn lắm!
- Thực ra, em Tâm chưa phải là thuộc diện khó giáo dục. Em đó thông minh nhưng lười, đua đòi, hay nghỉ học, đi học muộn. Con một nên chắc mẹ chiều.
- Chủ nhật tuần này cậu bố trí đến nhà cậu Tâm xem sao!
Sáng Chủ nhật, Thanh đến nhà Lê Minh Tâm. Nhà Tâm cách trường khoảng 12 km, nằm ở chân đồi trong xóm nhỏ hẻo lánh.
Con đường đã được bê tông hóa. Tiết trời cuối Đông, đầu Xuân còn se lạnh. Những chiếc lá vàng từ trên cây rơi xuống, nhường chỗ cho chồi non mới nhú, bị gió rê đi kêu loạt soạt dưới mặt đường. Không gian ấy, gợi cho Thanh nhớ về một kỉ niệm vừa đẹp, vừa êm đềm vừa chua xót…
***
Ngày ấy, sau khi tốt nghiệp Khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, Thanh tình nguyện về công tác tại huyện miền núi của tỉnh, mặc dù anh thuộc diện ưu tiên. Ông tổ chức Trường Giáo dục nói với Thanh:
- Cháu thuộc diện ưu tiên: Nhà con một, bố là liệt sĩ. Cháu có nguyện vọng về đâu để bác sắp xếp.
Thanh khảng khái đáp:
- Cháu cảm ơn bác. Nhưng là thanh niên, chúng cháu thích bay nhảy. Cháu thích vùng núi lắm...
Nhận quyết định về công tác tại huyện miền núi của tỉnh, lòng Thanh vui lắm. Đạp xe gần ngày trời đến gần thị trấn, Thanh đang dừng lại để hỏi thăm đường, thì chợt có tốp ba bốn học sinh nữ chừng 15, 16 tuổi đứa tay cầm chổi, tay cầm khăn, đứa vác xẻng đi cùng chiều về phía thị trấn. Đoán là tốp học sinh đi lao động, Thanh liền hỏi:
- Các em ơi! Đường về trường cấp 3 huyện đi lối nào?
- Chú cứ đi theo chúng cháu! Một đứa trong bọn trả lời.
Thanh dắt xe đi bộ theo chúng và nói vừa như phân trần, vừa như tự giới thiệu:
- Anh thôi! Anh mới ngoài hai mươi. Vừa tốt nghiệp đại học xin về dạy học ở đây. Chà quê ta đẹp thật!
Cả bọn reo lên:
- À! Thế thì là thầy giáo rồi! Chúng em chào thầy! Chúng là học sinh lớp 9 của trường. Hôm nay, chúng em đi dọn vệ sinh để chuẩn bị cho năm học mới.
- Thế các em tên là gì?
Một đứa nhanh nhảu:
- Em tên là Quyên. Bạn kia tên Ngọc. Còn bạn này tên Hồng Minh.
Ảnh minh họa ITN. |
Thanh đưa mắt theo cánh tay của Quyên. Cô gái Hồng Minh có nước da trắng hồng, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đen nhưng buồn. Quyên nói thêm:
- Thầy cứ đi thẳng khoảng 500 mét nữa là đến trường. Chúng em vào rủ bạn cùng đi đây...
Thanh về nhận công tác tại trường ông hiệu trưởng mừng lắm. Ông nói với Thanh: “Tớ đã được ông trưởng phòng tổ chức thông báo về cậu. Tốt lắm! Thanh niên! Học giỏi! Tốt nghiệp Khá! Cậu về chủ nhiệm lớp 10B thay cậu Tuấn vừa được lệnh điều động đi B”.
Sáng hôm sau, với tâm trạng vừa vui, vừa hồi hộp, Thanh bước vào lớp. Anh nói với các em học sinh:
- Kể từ hôm nay, tôi chính thức được phân công làm chủ nhiệm và dạy Văn lớp ta. Nhiều tiếng xì xào, bàn tán: Thầy giáo trẻ quá nhỉ! Đẹp trai! Khoa nói cũng được! Của tớ đấy! Hí! Hí! Hí! Thanh nói tiếp: Thôi! các em ổn định lớp! Em lớp trưởng đâu?
Từ đầu bàn thứ 3, Minh đứng dậy:
- Thưa thầy em đây ạ!
Rồi Thanh nói với cả lớp:
- Các em ạ! Năm nay là năm cuối cùng chúng ta ngồi trên ghế nhà trường. Rồi chúng ta sẽ xa nhau ít khi có dịp gặp lại. Vì vậy các em phải đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, coi nhau như anh em một nhà. Các em phải cố gắng, tùy theo kiến thức của mình mà chọn trường cho phù hợp. Thầy chúc lớp ta cuối năm tốt nghiệp 100% và nhiều em thi đỗ đại học.
Cả lớp vỗ tay hoan hô vang dậy. Tiết học đầu tiên trôi qua nhanh chóng và khí thế. Năm học cứ thế trôi đi.
Một hôm, Hồng Minh tìm gặp Thanh ngập ngừng nói:
- Thưa thầy! Trình độ như em, thầy bảo em nên thi vào trường nào?
Anh đáp luôn:
- Em nên thi sư phạm
- Em rất thích nghề sư phạm, nhất là dạy Văn như thầy. Em nghĩ, đứng trên bục giảng, trước hàng trăm con mắt ngây thơ của học trò mà nói về vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam trong văn học thì hay và hạnh phúc biết mấy!
Chợt Minh ngừng lại một lát rồi giãi bày:
- Nhưng thầy ơi! Học đại học phải mất 4 năm, mà nhà em nghèo, bố mẹ già. Bố mẹ bảo không có tiền học lâu, chỉ cho em thi Trung cấp Sư phạm thôi!
Thanh động viên:
- Em cứ làm đơn thi vào Khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Sau này đỗ rồi thầy sẽ liệu và bàn với bố mẹ em.
Thế là Hồng Minh làm hồ sơ thi vào Khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội 1 như lời tư vấn và gợi ý của Thanh. Và cũng từ đó mà Thanh kèm cặp Minh không kể thời gian - miễn là lúc rảnh rỗi và Minh hỏi bài. Một buổi chiều, sau khi chấm bài cho Minh xong cô bé chợt hỏi:
- Thầy có người yêu chưa?
Anh cười, khẽ lắc đầu.
- Thầy chọn người yêu như thế nào?
- Nhà thầy con một, lấy vợ nông thôn để chăm sóc mẹ già cho mình yên tâm công tác! Thế còn em?, Thanh hỏi.
Minh chậm rãi trả lời vẻ vừa nói vừa suy nghĩ:
- Người yêu lý tưởng của em phải là người có trình độ học vấn, đẹp trai, được là trai thành phố như thầy là tuyệt vời. Nói rồi Hồng Minh cầm vội quyển vở, phóng nhanh ra khỏi phòng, mặc cho Thanh đứng ngây như phỗng đá.
Thực ra, từ khi gặp Minh, trong tâm trí của Thanh luôn nghĩ về cô học trò nhỏ. Anh thấy quý và cũng có cảm tình với Minh. Anh hơn Minh 4 tuổi. Nhận thấy ở Minh có đời sống tâm hồn rất phong phú, đa cảm, anh thầm hứa với lòng mình sẽ quyết tâm giúp đỡ Minh đỗ vào đại học. Rồi sau này sẽ liệu.
Thế rồi, hai ngày liền sau đó, Minh vắng mặt trên lớp. Thanh thấy nóng ruột vô cùng. Hỏi cái Quyên thì nó bảo Minh bị ốm. Thanh đạp xe đến nhà Minh và biết rõ câu chuyện.
Bố Minh đã nhận lời gả cô cho một thanh niên làng bên. Anh chàng này hơn Minh 1 tuổi, học hết lớp 7 không đỗ vào trường cấp 3 phải ở nhà làm phụ giúp bố mẹ.
Nghe đâu cuối tháng 5 này, anh ta nhập ngũ nên bố mẹ anh ta muốn cưới Minh sau khi thi tốt nghiệp xong là để có người về gánh vác công việc gia đình. Nếu may mắn thì có đứa trẻ cho vui cửa vui nhà. Hôm trước bố Minh gọi mẹ Minh vào bảo:
- Chứa con gái lớn trong nhà như chứa quả bom nổ chậm ấy! Nghĩ mà lo. Đằng này nó lại hay đi học buổi tối. Người thì phây phây như thế. Nhỡ có làm sao thì mang tiếng cả họ! Thôi thì cứ thi xong là cưới.
Mẹ Minh hưởng ứng yếu ớt:
- Thế dưng mà nó cưới ai? Ai cưới nó?
- Hôm nọ, ông Bảo bạn tôi ở làng bên sang chơi, ngỏ ý “xin” cho thằng Vượng. Tôi thấy thằng ấy cũng được, nhà khá giả.
Bà lão lưỡng lự một hồi rồi nói:
- Cái đó tùy ông! Tôi thân là con gái, chẳng biết gì sất!
Nghe đến đây, tim Thanh đau nhói! Trời ơi! Sao lại cổ hủ như vây! Sao lại có tư tưởng trọng nam khinh nữ đến vậy? Thế là bao nhiêu dự tính đều tiên tan hết. Thầy không là gì cả trong một gia đình còn nặng tư tưởng phong kiến như bố em. Nhưng, Thanh vẫn gặp bố Minh để phân tích. Ông cụ nhất trí hoãn đám cưới đến khi Minh thi xong.
Minh thi xong gia đình tổ chức cưới ngay. Còn Thanh, từ hôm đó lúc nào cũng ở trong tâm trạng buồn rầu. Ngày Hồng Minh lên xe hoa, anh không có mặt. Sự khó khăn, vất vả vật lộn với chuyên môn, với cuộc sống khiến lòng anh nguôi ngoai. Hình ảnh cô học trò cách đây 17 năm đã nhạt dần…
***
Vòng qua sườn đồi, đến một xóm nhỏ, Thanh dừng lại hỏi thăm nhà Tâm. Ba bốn đứa trẻ, thắt lưng đeo giỏ, chân tay đầy bùn đất. Tỏ vẻ đăm chiêu suy nghĩ, một đứa nói to:
- À! Tâm Vượng! Chú đi theo lối này!
Loanh quanh theo bọn trẻ đến chiếc cổng được đóng bằng những thanh gỗ khép hờ, Thanh đẩy cửa, bước vào. Anh lên tiếng:
- Trong nhà có ai không?
Có tiếng người từ đằng sau nhà vọng lại.
- Em chào thầy
- Vâng! Chào em! Đang làm gì đấy? Mẹ em có nhà không?
- Thưa thầy! Mẹ em vừa ra ao lấy ít bèo để nấu cám lợn. Mời thầy vào nhà chơi. Em ra gọi mẹ về.
Thanh bước vào, ngôi nhà ngói ba gian làm theo kiểu một thò hai thụt. Đồ đạc rất gọn gàng, ngăn nắp. Chiếc tivi Sony 17 inch để bên cạnh bàn thờ, trên đó có tấm bằng Tổ quốc ghi công và tấm hình quân nhân quân phục nghiêm chỉnh.
Đang chăm chú đọc dòng chữ trên tấm bằng Tổ quốc ghi công: “Liệt sĩ Lê Viết Vượng đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” thì Thanh chợt cảm thấy có cái gì như rần rần ở sau gáy. Có ai đang nhìn mình. Anh quay lại. Trời ơi! Anh lấy tay dụi mắt - Hay là anh nhìn nhầm! Không phải! Trước mặt anh là Hồng Minh. Minh reo lên:
- Anh! À! Thầy! Em chào thầy!
- Minh đấy ư! Trời, tôi không thể nào ngờ có cuộc gặp gỡ như thế này!
Bỗng nhiên quá khứ lại hiện về trong anh. Hình ảnh cô học trò giỏi Văn, xinh xắn, đa cảm và thông minh đang ngồi trước mặt anh, nhìn anh như cặp mắt của 17 năm về trước cầu cứu, van xin, trách móc.
Qua câu chuyện, anh được biết: Minh lấy chồng được một tháng thì Vượng nhập ngũ. Thằng Tâm vừa cất tiếng khóc chào đời, cô nhận được tin sét đánh: Vượng đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở chiến trường miền Nam.
Có đến hàng tháng trời đêm nào Minh cũng khóc. Thương chồng, thương con không biết mặt bố, thương mình chưa đầy 20 tuổi đã phải cảnh góa phụ. Bấy nhiêu năm, Minh từ chối tất cả mọi quan tâm.
Hai năm sau, bố mẹ chồng Minh lần lượt qua đời. Cùng các anh, chị lo tang cho cha mẹ chồng chu đáo, Minh lại gặp điều không may: Đất ở của tổ tiên, ông bà bị anh chồng thế chấp ngân hàng. Không có điều kiện trả phải thanh lý, mẹ con Minh phải lang thang về ngoại sống. Mãi đến gần đây, do chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, mẹ con mới được UBND xã cho miếng đất này và xây nhà ở.
Lòng Thanh như nghẹn lại. Anh tự trách mình lúc đó chưa đủ bản lĩnh, chưa đủ can đảm để ngăn cản, và nói với bố mẹ Minh là anh cũng rất yêu, quý Minh và sẽ có trách nhiệm với cuộc đời Minh nếu gia đình cho phép.
Với Tâm, khi thấy thầy chủ nhiệm lên nhà chơi, cậu tỏ ra rất sợ. Thầy Thanh là người rất nghiêm khắc. Hôm nay, thể nào thầy cũng kể tội mình cho mẹ Minh. Cậu vờ ngồi học ở nhà trong nhưng vẫn để ý đến câu chuyện bên ngoài. Khi chia tay Minh ra về, anh chỉ nói:
- Cháu Tâm phải cố gắng rất nhiều đấy Minh ạ!
Thanh đạp xe uể oải. Nỗi buồn phủ kín. Anh thật không ngờ một người con gái như Minh mà phải chịu bi kịch đau đớn như vậy. Trong lòng anh lại trỗi dậy một tình thương.
Năm nay Thanh đã ngoài 40. Từ một thầy giáo trẻ mới vào nghề đến nay anh đã trở thành giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi cuốn hút bao thế hệ học sinh. Có khi mải công tác mấy tháng anh mới về quê thăm mẹ. Mẹ anh là một người phụ nữ chăm chỉ và thương con vô hạn nhưng cũng phải chịu đựng nỗi đau không gì sánh nổi: Liền trong 2 tháng trời chồng chết, em chồng chết, đứa con nhỏ cũng bỏ mẹ ra đi về với tiên tổ.
Anh nhớ có lần về thăm mẹ, bà cụ nói:
- Bốn mươi tuổi rồi mà vẫn lông bông. Không lo vợ con đi! Sau này cha già con cọc đấy anh ạ!
Anh chỉ cười cho qua chuyện để mẹ đỡ phiền lòng chứ chuyện vợ con, chuyện hạnh phúc trăm năm của con người đâu dễ như mua mớ rau, con cá ngoài chợ. Với Thanh, ở trường thì vùi đầu vào chuyên môn, nghiên cứu tài liệu có thời gian đâu mà đi “tìm” với “hiểu”. Về quê thì ngày hôm trước, hôm sau đã đi nên bây giờ vẫn “phòng không”.
Chiều hôm sau, gặp Minh, Thanh thận trọng đặt vấn đề:
- Trong sự trắc trở của cuộc đời em, tôi cũng là người có lỗi. Nhưng thôi em ạ! Chúng ta còn nhiều việc phải làm! Nếu em không ngại cho Tâm đến ở với tôi. Tôi sẽ kèm cặp Tâm và coi đó là sự tri ân liệt sĩ đồng thời để em đỡ vất vả.
Được mẹ đồng ý, Tâm dọn đến ở với thầy Thanh. Thanh hướng dẫn và quản lý Tâm học bài rất cẩn thận, chu đáo, từ thể dục buổi sáng, đánh bóng buổi chiều, học chính khóa, học thêm,… Tâm rất vui và tiến bộ rõ rệt. Duy chỉ có một điều Tâm thấy khó hiểu là mỗi lần xuống thăm con, mẹ Minh thường có ý lảng tránh tiếp xúc với thầy Thanh.
Tâm hỏi mẹ thì được trả lời:
- Con còn nhỏ, chưa nên biết chuyện này!
Thời gian cứ chậm chạp trôi đi. Người ta thấy trong căn phòng nhỏ ấy lúc nào cũng ánh đèn tới khuya. Tâm sống có bản lĩnh hơn. Cậu thực sự quý người thầy nghiêm khắc nhưng hết lòng thương yêu học trò. Có lần đang học bài, Tâm chợt tâm sự:
- Giá như em có được người bố như thầy thì hạnh phúc biết mấy!
Thanh đánh trống lảng:
- Tào lao nào! Thôi học tiếp đi!
Thế rồi hai kì thi tốt nghiệp và đại học đã đến. Tâm bình tĩnh, tự tin bước vào phòng thi với quyết tâm cao nhất như đã hứa với mẹ và thầy trước khi lên đường.
Và tin vui đã đến: Lê Minh Tâm trúng tuyển vào Khoa Luật Dân sự - Đại học Luật Hà Nội. Cầm giấy báo nhập học của con trên tay, Minh rưng rưng nước mắt. Chị đặt tờ giấy báo ngay ngắn trên bàn thờ chồng, thắp hương và nói trong nước mắt:
- Anh ơi! Anh sống khôn, chết thiêng về đây chứng kiến những giây phút đầy hạnh phúc của em và con. Có được niềm hạnh phúc này, em và con thực sự rất biết ơn người thầy trước đây đã hết lòng vì em, nay lại hết lòng vì con chúng ta.
Nghe được những lời mẹ khấn, Tâm bàng hoàng, xúc động. Cậu nói với mẹ:
- Mẹ ơi! Con đi báo tin cho thầy và đón thầy lên liên hoan mẹ nhé!
- Ừ! Con đi đi!
Chợt nghe tiếng nói từ ngoài sân:
- Không phải đón! Tôi đã có mặt.
Thì ra Thanh đã đến từ bao giờ. Đứng ngoài sân, chứng kiến niềm vui của 2 mẹ con, anh cũng cảm thấy vui lây.
Tâm ra đón thầy chủ nhiệm vào. Cậu với tay lên bàn thờ bố lấy hai nén hương, châm lửa đưa cho Thanh một nén. Cậu cắm hương vào bát, giọng trang trọng thiêng liêng:
- Thưa hương hồn bố! Thưa mẹ! Thưa thầy! Cuộc đời con thực sự không biết sẽ ra sao nếu không có sự giúp đỡ của thầy Thanh. Thầy yêu quý, giúp đỡ con rất tận tình. Thầy vừa là thầy giáo, vừa là người cha thứ hai, vừa là người bạn nâng đỡ những bước chân con ở mọi nơi, mọi lúc.
Chính thầy đã dạy cho con niềm tin và lẽ sống. Thầy đã dạy con biết trân trọng, yêu cái tốt, ghét và xa rời cái xấu. Chính thầy đã cho con hiểu: Cái mất mát thiệt thòi của con là không thấm vào đâu so với chính cuộc đời của thầy và bao nhiêu người khác. Chính thầy là chỗ dựa khi con vấp ngã và khi trở dậy chính thầy đã xua tan trong con nỗi mặc cảm.
Ngày mai con lên trường, con hứa trước vong linh của bố, hứa với mẹ với thầy: Con sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này mang kiến thức học được ra đấu tranh bảo vệ cái tốt, chống lại cái ác. Và điều này nữa, giọng Tâm trầm hẳn xuống: Con xin phép hương hồn của bố, xin phép mẹ cho con được gọi thầy là bố.
Nói xong Tâm òa khóc, ôm chầm lấy Thanh.
Thanh đưa hai tay lên vai Tâm lắc lắc: “Cứng rắn lên con trai!”. Và anh đẩy Tâm đứng ra, rồi mình lùi lại ngắm Tâm. Nhưng lùi xa quá anh bất chợt đến cạnh Minh. Minh ghé đầu vào vai anh, nở nụ cười mãn nguyện. Bỗng nhiên hình ảnh Tâm hòa lẫn với hàng trăm sinh viên cùng bước vào giảng đường đại học hiện dần trong tâm trí của anh.
Chí Linh, 1/3/1990