Truyện ngắn Người kết nối

GD&TĐ - Cảm ơn cô, cảm ơn người mẹ hiền của ba mươi chín đứa con đã xây dựng buổi kết nối trái tim vô cùng ý nghĩa.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Sớm năm phút là đúng giờ. Tôi sớm mười lăm phút cốt trình bày riêng với cô về thằng con đang tuổi ẩm ương.

Vừa đặt chân vào cửa lớp, tôi đã thấy gần nửa phụ huynh có mặt. Con họ giống con tôi chăng nên ai cũng muốn được nói chuyện riêng với cô? Mới năm trước, thằng con tôi còn biết vâng lời, giờ thì gan cóc tía. Nhiều lúc, tôi chẳng biết phải làm sao để nó thuần tính lại? Bế tắc. Bất lực. Thôi thì trăm sự nhờ cô.

Cô mặc áo dài màu vàng chanh, tóc buộc nửa đầu lộ khuôn mặt thanh tú. Đến giờ họp, cô chào hỏi ngắn gọn rồi giới thiệu tiết mục đơn ca do lớp phó văn nghệ trình bày. Bài hát có tựa đề “Bóng cả” của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt.

Hoàn thành phần biểu diễn của mình, lớp phó văn nghệ nói lời cảm ơn sâu sắc đến các bố mẹ đã dành thời gian đến họp phụ huynh cho các con. Tôi chăm chú nghe, gần như bất động. Lần đầu tiên được chứng kiến điều mới mẻ này trong cuộc họp phụ huynh, tôi hứng thú và có chút tò mò. Thật không hổ danh cô giáo được biết bao học sinh, phụ huynh ca ngợi.

Sau tiết mục văn nghệ “Bóng cả”, cô mời lớp trưởng lên điều hành cuộc họp rồi bước xuống phía dưới bao quát chung. Lớp trưởng trình bày lưu loát một số thông tin cơ bản về trường, về lớp, những thành quả đạt được, kế hoạch, mục tiêu...

Tiếp đó, lớp phó học tập trình chiếu về những trường trung học phổ thông phục vụ mục tiêu thi chuyển cấp của từng học sinh trong lớp. Trường trung học phổ thông chuyên lấy điểm cao nhất, phải rất xuất sắc, đặc biệt là môn chuyên thì mới có cơ hội vào học.

Trường số 1 của huyện dễ hơn trường chuyên nhưng cũng không dễ đỗ. Trường số 2 dễ đỗ hơn nhưng xa gấp nhiều lần trường số 1. Trượt một trong ba trường đó thì học sinh buộc phải nộp hồ sơ học trường dân lập hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên... Điểm chuẩn của ba trường đầu được thống kê hai năm gần nhất khiến nhiều phụ huynh bồn chồn, lo lắng.

Lớp phó học tập trình bày xong thì tổ trưởng tổ một lên trình chiếu nguyện vọng, thế mạnh, điểm cần cố gắng của từng thành viên trong tổ. Mỗi cái tên đều có ảnh kèm theo giúp phụ huynh nhận ngay ra con mình. Thế này thì tốt quá. Tôi sẽ biết vài điều mà thằng con nhất định không chịu nói ở nhà.

Con tôi ở tổ hai, chờ mãi thì cũng đến lượt tổ trưởng tổ hai chiếu ảnh thằng con tôi cười tươi rói cạnh cây bàng. Thì ra nó định thi vào trường số 1. Có chí khí đây. Thảo nào, mấy hôm nay, tôi thấy nó tự dưng học khuya. Lại xin tiền mua từ điển tiếng Anh, mua giấy nhớ và dán đầy trên tường những từ mới.

Thế mạnh của nó là môn Toán. Hiển nhiên rồi, tôi cho nó học Toán với thầy giỏi đã mấy năm. Thầy trò hợp nhau. Thầy quý nó. Nó quý thầy. Kết quả môn Toán của nó khác hẳn hồi chưa học thầy. Tôi chưa bao giờ hối hận khi Chủ nhật nào cũng đưa đón nó hơn hai chục cây số để học Toán riêng với thầy.

Môn cần cố gắng của nó là tiếng Anh. Thời đại này, kém tiếng Anh thì không làm được trò trống gì. Tôi nói mãi mà nó không thông não. Nó chẳng học từ mới, lười làm bài tập nên điểm thấp là chuyện thường tình. Đùng một cái, không hiểu cô chủ nhiệm có bí kíp gì mà nó lại nghiêm túc khởi động học tiếng Anh, dẫu đấy không phải môn dạy của cô. Cô trò mới gắn bó với nhau mấy tuần mà nhiều học sinh trong lớp thay đổi tích cực, khiến cha mẹ mừng quýnh.

Bốn tổ trưởng trình bày xong về từng thành viên, lớp trưởng mời phụ huynh thưởng thức tiết mục guitar solo bài “Nhật kí của mẹ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Tôi không ngạc nhiên khi thằng con xuất hiện trên sân khấu bục giảng. Đây là bài mà chính tôi dạy nó cách đây 2 năm. Khi ấy, nó vẫn đang là cậu nghé nhỡ thuần tính.

Nó chơi piano hay hơn guitar nhưng có lẽ vì piano khó chuyển từ nhà đến trường nên nó chọn cái dễ hơn. Nó ngồi trên ghế, tay lướt trên dây đàn, chân giậm nhịp, mái tóc bồng bềnh lãng tử. Tiếng đàn khi du dương, khi thánh thót. Phiêu. Tôi nhìn nó nhưng tâm trí lại hiện về mảnh kí ức xưa cũ.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Hồi nhỏ, nó thường chăm chú nhìn tôi chơi đàn và ngây thơ hỏi: “Có cách nào để biết đàn luôn không mẹ?”. Rồi lớn hơn, nó hiểu rằng, muốn đàn một bài bất kì – dù rất dễ thì cũng phải kì công tập, phải luyện ngón, luyện cảm âm, phải tập giai điệu bằng bàn tay phải, tập hợp âm bằng bàn tay trái, rồi ghép hai tay với nhau cho thật vừa nhịp.

Nó là con trai nhưng hồi ấy hay sà vào lòng mẹ, thích được mẹ viết thư và nó cũng thường viết lại dù chẳng ngày nào mẹ con xa nhau. Nó lúc nào cũng thích ríu rít quanh mẹ. Nó năn nỉ đòi học bài “Nhật kí của mẹ” để đàn tặng tôi nhân ngày sinh nhật. Thật là một cậu bé quá ư tình cảm.

Vậy mà giờ, nó như một người khác. Nó thích ngồi một mình, thích nghĩ và làm theo ý mình, bất chấp tôi không bằng lòng. Tôi cảm nhận rõ khoảng cách giữa hai mẹ con đang dần lớn lên. Người ta bảo tuổi nổi loạn, tuổi dậy thì thường như vậy. Tôi muốn những ngày này trôi qua thật nhanh. Nhưng sao thời gian cứ nhích chậm lê thê… lê thê…???

Tiết mục của nó kết thúc, tất cả các phụ huynh vỗ tay tán thưởng. Vài phụ huynh không kiềm chế được cảm xúc, khẽ chấm mắt. Tiết mục của nó có thể gọi là thành công. Nó cúi chào rồi cầm đàn ra cửa.

Cô giáo bước lên tổ chức trò chơi: “Thấu hiểu để yêu thương”. Mỗi phụ huynh được phát một phiếu nhỏ, hình vuông, màu xanh lá cây. Trong phiếu là bảy câu hỏi để phụ huynh trả lời: Bạn là phụ huynh của học sinh nào? Con bạn thích nhất môn học nào? Con bạn thích nhất món ăn nào? Năng khiếu nổi bật của con bạn? Con bạn sợ nhất điều gì? Ước mơ của con bạn? Con bạn mong nhất điều gì ở bạn?

Chúng tôi có năm phút để hoàn thành phiếu hỏi. Sang phút thứ sáu, chúng tôi được cô bật mí đáp án đúng nằm dưới ngăn bàn. Chúng tôi sẽ so phần trả lời của mình với đáp án để biết mức độ thấu hiểu của mình với con.

Ngay đầu cuộc họp, phụ huynh được xếp ngồi đúng vị trí thường ngày của con. Tôi đưa tay vào ngăn bàn, quả có một phong thư. Trong đó là tấm thiệp được trang trí tuy vụng về nhưng khá bắt mắt. Những nét chữ quen thuộc của thằng con hiện lên trước mắt tôi.

Tôi tưởng tôi trả lời đúng cả nhưng đã sai ba câu cuối. Nỗi sợ lớn nhất của nó là bị mẹ giận. Thế mà tôi cứ tưởng nó sợ nhất là bị lạc đường. Tôi cũng tưởng nó vẫn ước mơ trở thành nhà khoa học như nó từng nói. Tủ sách của nó có biết bao cuốn bách khoa về vũ trụ, các chòm sao, các hành tinh… Khi tới thư viện quốc gia, thư viện tỉnh, hiệu sách lớn nhỏ… nó cũng sà vào tìm những cuốn tương tự.

Tôi không biết nó đổi ước mơ trở thành giáo viên dạy âm nhạc từ khi nào. Nó muốn cuối tuần sẽ đến các bệnh viện đàn tặng các bệnh nhân. Hè sẽ đi đàn tặng trẻ em vùng cao hay hải đảo. Tôi từng đưa nó đến những nơi đó để nó thấy rằng nó may mắn hơn rất nhiều người. Không ngờ, trái tim nó cũng bắt đầu nhân ái.

Ở câu hỏi cuối cùng, tôi tưởng nó mong nhất là được chơi game thoải mái. Nó rất thích chơi game mà tôi thường chỉ cho nó chơi ba mươi phút mỗi ngày. Trong tờ thiệp, nó tuyệt nhiên không động đến chữ game nào. Nó mong tôi công bằng giữa nó và đứa em gái nhỏ. Đã bao lần tôi giải thích với nó là em nhỏ hơn, lại là con gái thì nó phải nhường. Lớn phải nhường bé, nam phải nhường nữ. Nhưng nó chưa khi nào chấp nhận nguyên tắc đó của tôi. Đôi khi vì điều này mà nó bị mắng, bị phạt.

Cô không thống kê kết quả đúng sai trong trò chơi này nhưng mỗi phụ huynh đều nhận ra bản thân cần lắng nghe con nhiều hơn, thấu hiểu con nhiều hơn, yêu thương con nhiều hơn. Có phụ huynh mỉm cười, có phụ huynh ướt mắt, có phụ huynh nhìn xa xăm khi so đáp án với con… Trong sâu thẳm mỗi người đều có tâm tư lắng đọng riêng.

Tâm tư ấy trở nên rộn ràng hơn khi cô chiếu lên màn hình những khoảnh khắc các con lao động, trang trí lớp, khai giảng, học tập, vui chơi tại lớp, tại trường. Hình ảnh những nụ cười hồn nhiên, tinh nghịch… lần lượt trôi trên nền nhạc vui tươi.

Đây rồi, thằng con tôi đang cầm cán chổi kẹp giữa hai chân tạo dáng phù thủy bay. Trên vai nó phấp phới mớ khăn voan. Hình như nó đang mang đạo cụ cho nhóm nữ múa. Tôi không nhịn được cười khi nhìn thấy hình ảnh độc lạ này. Trẻ con đích thực mà ở nhà cứ đòi được công nhận là người lớn. Cuối video là màn tỏ tình của cả lớp ở giữa sân trường dành cho phụ huynh. Ba mươi chín cái miệng đồng thanh: “Chúng con yêu bố mẹ!”. Thật đốn tim quá đỗi!

Phải nói rằng, từ đầu buổi họp đến giờ, nội dung nào cũng làm cho phụ huynh chúng tôi ngất ngây, ngây ngất. Chúng tôi được phát một mảnh giấy hình tròn, màu vàng chanh.

Nhiệm vụ tiếp theo của chúng tôi là chia hình tròn làm hai phần, không nhất thiết bằng nhau. Một phần chúng tôi sẽ viết điều gì đó cho con. Phần còn lại chúng tôi viết điều gì đó gửi đến cô giáo.

Viết xong, chúng tôi tự tay mang mảnh giấy của mình dán lên cây yêu thương màu xanh lá mà các con dán sẵn ở bức tường cuối lớp. Ba mươi chín hình tròn màu vàng chanh nổi bần bật với những nét chữ khác nhau trên đại thụ yêu thương. Hình tròn thứ bốn mươi bất ngờ được cô giáo dán lên sau tất cả những hình tròn của phụ huynh.

Hình tròn thứ bốn mươi cũng được chia làm hai phần. Một phần dành cho học sinh, một phần dành cho phụ huynh. Cô mong tất cả học sinh luôn nỗ lực không ngừng để biến giấc mơ thành hiện thực, đền đáp công cha nghĩa mẹ. Cô mong phụ huynh luôn đồng hành, sát cánh giúp con trưởng thành, góp cho xã hội những công dân tốt trong tương lai. Không ai bảo ai mà tất cả chúng tôi cùng vỗ tay thật to.

Đến phần trao đổi ý kiến của các bậc phụ huynh. Rất nhiều cánh tay giơ lên chỉ để phát biểu cảm xúc và cảm ơn cô giáo. Những ngang bướng của các con không được đề cập đến như lúc đầu chúng tôi hăm hở nghĩ. Chúng tôi tin, một cô giáo chất lượng sẽ có cách dẫn dắt, vun trồng con chúng tôi nên người.

Ban đại diện cha mẹ học sinh kịp đặt một lẵng hoa thật đẹp tặng cô. Họ còn nắm tay nhau trên bục giảng hát tặng cô bài “Thương lắm thầy cô ơi” dù chưa từng cùng tập: “Hôm nay em đi đến trường. Từng ánh mắt vui bên thầy cô. Cho em thơ ngàn câu hát. Lời yêu thương vô bến bờ. Xinh tươi như hoa điểm mười. Đẹp biết mấy tương lai ngày mai. Em yêu sao thầy cô giáo. Vì đàn em năm tháng vun trồng. Từng trang giáo án như những bông hoa. Đẹp tươi trong nắng theo gió đưa hương. Trên con đường thầy cô vẫn đi. Ngàn sao lấp lánh soi sáng đêm thâu. Bài ca em hát ghi nhớ công ơn. Cô thầy dạy dỗ em nên người”.

Những người ngồi dưới, ai thuộc thì cùng hát theo, ai không thuộc thì vỗ tay đệm nhịp. Chúng tôi vô tư như những học trò trong giờ văn nghệ. Ước gì ngày xưa chúng tôi cũng được gặp một cô chủ nhiệm tuyệt vời như thế.

Cảm ơn cô, cảm ơn người mẹ hiền của ba mươi chín đứa con đã xây dựng buổi kết nối trái tim vô cùng ý nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.