Truyện ngắn: Bà chị 'vùng vằng'

GD&TĐ - Chị Văn là chị kề tôi. À, không phải, chính xác gần kề: Chị thứ năm còn tôi thứ bảy.

Truyện ngắn: Bà chị 'vùng vằng'

1.

Chị Văn là chị kề tôi. À, không phải, chính xác gần kề: Chị thứ năm còn tôi thứ bảy. Anh/chị thứ sáu chưa ra đời đã mất vậy nên giữa chị và tôi có một khoảng trống. Có phải vì “khoảng trống” ấy mà tôi với chị Văn không gần gũi - nói trắng là không thân?

Mẹ thường bảo: Hai đứa mày cứ như hai gái lấy một chồng. Ví von vậy hơi oan bởi tôi đâu có ghen tị gì với chị Văn và cũng ít khi nào dám cãi chị. Kình nhau, mười trận hết chín là… chị kình tôi.

Tính chị nhăn nhó khiếp, vậy nên mẹ mới đặt chị cái hỗn danh: “Con vùng vằng”!. Kệ, muốn kêu gì kêu, chị không ý kiến, cứ lầm lũi làm chuyện chị. Hết chuyện này bắt ngay sang chuyện khác. Làm giỏi nhất nhà nhưng ăn đòn, ăn chửi cũng nhiều nhất bởi cái tật… nhăn.

Mẹ thường hay than: Thấy nước làm siêng năng nghĩ lại cũng thương; nhưng hễ đụng mặt, nghe nó nói ba câu là… lộn gan, muốn chửi! Không chỉ chửi, điên lên mẹ còn đánh. Chị Văn gan lắm, đánh đau không chịu chạy, ba phải nhào ra can. Bà… điên à? Con nó dại! Tôi hả, gì chớ vụ ăn roi của mẹ… khỏi à nha.

Mẹ lớn tiếng một câu đã giật nảy, mặt mày xanh lét. Mẹ rút roi cái roẹt chưa kịp vung lên tôi đã… tè luôn ra quần! Đương nhiên không ai nỡ “xuống tay” với một đứa roi chưa đụng đít đã… tè, cho dù mẹ tôi nổi tiếng hung; cho dù tôi là đứa làm đã dở còn hậu đậu, vụng về “có mã số”.

Túm lại, nói tôi với chị Văn như “hai gái lấy một chồng” là mẹ nói, chứ theo tôi, chính xác phải nói: Tôi với chị tựa… Mặt trời Mặt trăng, tức trái ngược nhau từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới! Chị cao tôi thấp. Chị ốm tôi mập. Chị giỏi giang vén khéo còn tôi hậu đậu vụng về.

Vậy nhưng, chớ thấy vậy mà tưởng tôi thua chị toàn tập. Còn lâu nhé! Tôi làm dở nhưng học giỏi. Chị Văn học không đến nỗi dở nhưng… không giỏi. Bằng chứng: Hết lớp 9 chị thi chuyển cấp vào trường công lập rớt oạch phải nghỉ ngang.

Còn tôi, một lèo thẳng tiến ngon ơ từ tiểu học lên Trung học phổ thông không năm nào vấp váp! Ấy mới nói chuyện học chứ chuyện ương bướng, vùng vằng để dài dài bị ăn roi thì thôi, khỏi phải bàn…

***

Thật tình tôi không đến mức ghét chị Văn nhưng nói yêu thì… cũng không. Tôi - con nhỏ tính nhát, thích nhõng nhẽo đeo bám còn chị lại quá lạnh lùng khô khốc. Tôi hơi luộm thuộm thêm cái tật… ở dơ còn chị lại sạch sẽ gọn gàng. Kết quả, sống chung nhà cựa là bị chị hét, chị đuổi.

Thấy chị đi chơi với bạn rón rén xin theo lập tức chị nạt: Nhỏ biết gì chơi? Ở nhà!. Trời lạnh, vô giường chị xin ngủ chung cũng bị đuổi thẳng tay: Mình mẩy nóng hầm, nằm chung nực nội ai chịu nổi?. Đồ đạc, tư trang của chị đừng hòng em út đụng vô. Có lần, tôi thèm quá, lén lấy trộm cuốn sổ chép nhạc của chị ra coi.

Coi xong đem để y chang chỗ cũ vậy mà chị cũng phát hiện, đòi cho ăn roi. Ở nhà đã vậy, ra đồng nhổ cỏ, dặm lúa còn tệ hơn. Chị Văn làm giỏi, cứ khum lưng im lặng làm như máy. Tôi tính “nhớt”, thêm cái bịnh ưa nói xàm nên cứ nhổ được vài ba cây lại đứng dõng lưng, miệng huyên thuyên đủ chuyện trời ơi đất hỡi.

Lại bị chị quát: Làm không lo, lo nói xàm miết, đời nào cho xong?? Mẹ kêu: Mày một vừa hai phải thôi, kình miết em nó khờ. Chị vặc lại: Ở đó mà khờ, mẹ tưởng nó hiền na? Nói không trúng tội thử coi, nó cãi nhem nhẻm…

Vụ này thì… đúng, không chối! Ở trường tôi nổi tiếng là con “mồm mười miệng hai mươi”. Nói trúng tôi nhịn, chớ muốn nói oan tôi ư, đừng có hòng!

2.

Nghỉ Hè, tôi lên núi Chai hái củi. Ban đầu là theo mẹ. Quen việc rồi, mẹ nghỉ tôi cũng theo người ta đi. Đường vô núi phải qua sông. Lệ hái củi núi Chai gánh về có người nhà ra bến sông chờ rước. Hôm nào mẹ đi có ba ra rước. Phần tôi có… chị Văn.

Lệ thường, người chờ rước củi trong xóm cứ túm tụm tại bến sông chuyện trò, chờ người nhà xuống núi qua sông mới rước gánh. Chị Văn không vậy, lần nào đi rước củi cho tôi chị cũng lội ào qua sông, bươn ngược dòng người gồng gánh từ trong núi đi ra, gặp quãng nào rước quãng đó.

Có bữa chị đi sớm, tôi gánh ra chưa được nửa đường đã gặp chị, mừng vấp té! Xốc gánh củi nặng trịch lên vai, chị kẽo kẹt đi trước, vừa đi vừa quát: Nhỏ mà ham hố, hái chi hái dữ. Gánh nặng vầy rồi làm sao lớn? Kì chưa, lần đầu tiên nghe chị Văn quát mà tôi không tức lại còn thấy… thương thương! Cái tình thương lâu nay tưởng như không tồn tại bởi đã lấp chìm đâu đó sau thứ ngôn ngữ thô ráp cục cằn cùng cách đối đãi lạnh nhạt tưởng như rất khó gần của chị Văn.

Sau những lần rước củi ấy, tôi bắt đầu có thiện cảm hơn với chị. Chứng kiến cảnh chị vùng vằng cử cẳn tôi không còn quá bực bội. Có lần mẹ mắng, chị không im mà quen thói vùng vằng cãi lại. Điên tiết, mẹ vơ cây mía nhỏ dựng góc nhà vụt chị túi bụi. Đòn đau vậy còn to gan không chạy, cứ đứng trân trân! Ba đi vắng.

Mình tôi lăn xả, túm lấy tay mẹ vừa khóc vừa gào: Mẹ ơi đừng đánh chị…. Mẹ nhìn tôi. Bộ dạng tôi nước mắt nước mũi choàm ngoàm chắc trông thảm lắm nên mẹ dừng cơn thịnh nộ, thở hắt, vứt cây mía giờ đã dập như xơ mướp ra sân. Hoàn hồn, hai chị em ôm nhau khóc…

Từ bữa ấy, chị Văn cư xử với tôi có phần bớt “lạnh”. Bớt thôi chứ không phải hết. Dễ hết vậy thì chị đâu xứng với cái biệt danh bà chị “vùng vằng”?

Làm giỏi, đỡ đần nhiều cho mẹ; nhưng cái tính ngang ngạnh, cả thèm chóng chán, thích gì làm nấy của chị Văn cũng đã khiến mẹ khổ tâm không ít. Chữ nghĩa dang dở nên mẹ cho đi học nghề.

Hết thợ may tới thợ làm bánh, thợ uốn tóc…, nghề nào mẹ cũng đóng đủ tiền thầy, học ra nghề còn lo sắm máy móc, dụng cụ “tác nghiệp”. Nghề nào chị cũng làm chưa hết năm đã… bỏ ngang, đi làm chuyện khác! Khuyên không nổi, mẹ điên lên lại chửi. Kệ, chị không cãi nhưng cứ lăm lủi làm theo ý thích. Tuổi cập kê, chị cũng có một mối tình. Thắm thiết ra trò.

Chẳng hiểu duyên do gì mà chia tay. Ngày chàng quảy gánh sang sông, chị Văn tuyên bố… ở vậy! Mẹ tôi đâm hoảng: Nhà còn con gái tùm lum, tự dưng có một… bà cô ế chồng đâu phải chuyện chơi? Hết pha mắng mỏ cộng dỗ dành, mẹ lại ra sức gồng lưng “tạo điều kiện” cho chị.

Bạn trai tới nhà chơi được mẹ đon đả chào mời, bật quạt rót nước. Kêu lên tiếp khách, chị gạt phắt: Nói tui không có ở nhà. Mấy “đồ cùi bắp” ấy, ai thèm? Khách về, mẹ lại đổ điên: Mày thì ngon quá ha? Dòm lại cái thân đi, sắp ba mư (mươi) rồi đó. Gái ba mươi tuổi như đùm mắm nêm…. Tôi che miệng cười.

Chị trợn mắt, nạt: Con nít con nôi, biết gì mà cười! Lo đi học bài! Tôi lật đật ngậm miệng lủi đẹp, sau lưng còn nghe văng vẳng tiếng chị trả treo: Mắm nêm mắm thúi gì kệ tui, không cần mẹ lo…

Ngọt nhạt hoài không trôi, mẹ chán ngán thở hắt: Thôi kệ, mày muốn gì muốn, tao không thiết! Nói vậy chứ làm sao không thiết? Chuyện ấy thì sau này khi làm mẹ tôi mới hiểu…

May, rốt cuộc ông trời chắc cũng thương cho nỗi lo của mẹ, sắp xếp để chị Văn… lấy được chồng. Hôn nhân thật mà kể nghe cứ như đùa. Chồng chị Văn dân thợ, năm mười hai tháng vác đồ nghề kiếm ăn phương xa, bận tới mức không có thời gian lo kiếm vợ.

Người quen sắp đặt: Đôi bên gặp nhau duy nhất một lần, thấy ưng là… cưới. Lần này, tự nhiên chị Văn dễ tính kì lạ. Mẹ hỏi ưng không là gật, không đôi co. Mẹ không tin vào tai, phải gặng lại hỏi đi - tới lúc chị nổi xung trổ chứng vùng vằng mới dám tin là thật.

Mừng chảy nước mắt. Đám cưới tổ chức - không rình rang nhưng cũng đủ cho mẹ mát mặt với chòm xóm. Sau này có lúc tôi thắc mắc, theo hỏi chị Văn có yêu anh Thu (tên chồng chị) không, chị lại trợn mắt, quát: Con nít tò mò chi? Yêu yêu cái gì…

3.

Chuyện làm tôi cắn rứt mãi tới giờ là lần tôi hậu đậu khiến chị Văn mang họa. Bữa ấy ở nhà nấu cơm, tôi vô ý làm vỡ cái bóng đèn dầu. Sợ mẹ phát hiện, tôi vội vàng quét mớ mảnh chai tấp góc bếp, lấy rơm phủ lấp, định bụng đợi mẹ đi làm mới hốt đem đổ để “phi tang”. Vậy nhưng cái tính hậu đậu khiến mẹ đi rồi tôi mải chơi, quên khuấy! Chiều, chị Văn đi làm về thấy rơm rác bừa bãi góc nhà.

Vốn tính sạch sẽ, chị vừa cằn nhằn vừa thò tay quơ, hốt. Cú hốt hơi mạnh tay khiến một mảnh vỡ bóng đèn bén ngót cắt sâu nhằm động mạch, máu tuôn xối xả! Nhà toàn con nít lớ ngớ không biết đường sơ cứu, đợi tới lúc ba về đưa lên trạm xá chị đã ngất lịm! Sự cố ấy khiến chị Văn gầy rộc đi, cả năm chưa lại người còn đổ thêm bệnh động kinh.

Mẹ về nghe chuyện, hằm hè “điều tra” sắp lượt coi đứa nào bỏ mảnh chai? Tôi sợ tái lét, cho kẹo cũng không dám nhận, có điều tôi đoán chắc chị Văn biết. Sống chung lâu, cái tính đuểnh đoảng, ma mãnh của tôi chị đâu còn lạ? Vậy nhưng kì lạ, chị Văn không khai.

Mẹ gặng, chị cứ trả lời tỉnh bơ: Là tui… vô ý tự làm, không có đứa nào đâu! Chuyện “chìm xuồng”. Tôi thoát tội nhưng không hề biết trận đòn lương tâm tôi sắp phải nhận còn đau gấp mấy lần đòn roi của mẹ. Do mất quá nhiều máu, sức khỏe của chị Văn sau này bị tổn thương nghiêm trọng. Mỗi lần chị lên cơn động kinh, nhớ lại lỗi lầm của mình tôi cứ muốn khóc…

Ba thường bảo: Con Văn phải cái tật nhăn nhó nhưng là đứa sống “có tâm” nhất nhà! Giờ tôi cũng tin vậy. Xẳng xớm, lạnh lùng nhưng tận lực tận tâm gồng gánh việc chung, không bao giờ tính toán hơn thua với anh chị em. Ba hay phàn nàn chuyện mẹ xung khắc, hay đánh mắng lúc chị còn con gái.

Có điều ba không biết chị Văn chính là tấm phim âm bản của mẹ cho đến lúc chị xuất giá. Hai tính cách giống nhau dễ sinh va chạm. Có điều, thẳm sâu trong lòng, tình thương của mẹ dành cho bà chị “vùng vằng” của tôi không hề kém cạnh bất cứ đứa con nào nếu không muốn nói có phần hơn.

Ngày chị ra lấy chồng, ngoài quà cưới của gia đình, bất ngờ chị được mẹ trao thêm cho một khoản “hồi môn” kha khá. Mẹ bảo, đó là khoản tích góp tất cả bạc tiền thời con gái chị làm về đưa mẹ. Mẹ không tiêu, dành sắm vàng cho chị. Chị Văn òa khóc. Lần đầu tiên tôi biết không phải chỉ khi ăn đòn chị Văn mới khóc!

Mẹ ngược lại không khóc. Mẹ đỡ chị, tay lau nước mắt miệt nạt: Bậy, nín đi, ngày vui sao lại khóc? Nói cứng, nhưng tôi thấy mắt mẹ cũng đang đỏ. Hai tay mẹ cầm hai vai, gần như xô chị ra khỏi cửa. Đi đi con, xong lật đật bưng miệng quay vào…

Chị Văn đi lấy chồng, nhà bỗng trở nên vắng ngắt, buồn tênh. Mẹ không còn ai để mắng mỏ, đi làm về cứ lẳng lặng vào ra, thẫn thờ. Ba thôi khỏi nói, buồn rũ. Còn tôi? Giờ tôi cam đoan mất gì cũng chịu để lại được ngày ngày nhìn thấy cái mặt nhăn nhăn, nghe cái giọng xẳng xớm của chị Văn mỗi bận đi làm về thấy em út ở nhà mê chơi banh xả. Hè, tôi lại đi hái củi nhưng không phải chị Văn mà là ba rước.

Thương con gái, ba cũng lặn lội ngược đường vô tận chân núi đón gánh. Có điều ba cứ im lặng gánh đi không hề lên tiếng. Giây phút ấy, hốt nhiên tôi thèm quay quắt lại được nghe tiếng quát nhỏ mà ham hố, hái chi hái dữ của bà chị vùng vằng một thuở. Xa hút rồi, chị Văn ơi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ