Truyện ngắn: Âm mưu thiện lành

GD&TĐ - Bình thường, sau một ngày làm việc mệt mỏi, chỉ cần đặt lưng xuống giường là Tuấn đã đánh một giấc tròn trịa đến sáng.

Truyện ngắn: Âm mưu thiện lành

Nhưng hôm nay thì khác. Tuấn gặp cơn ác mộng.

Trong cơn mê, Tuấn nghĩ mình là hồn ma đã chết vì tai nạn lao động. Dây an toàn bị đứt, cơ thể Tuấn rơi từ độ cao trên sáu mươi mét xuống nền đất, máu me bê bết. Tuấn choàng tỉnh giấc, người mướt mải mồ hôi.

Giấc mơ liên tưởng đến những gì đã xảy ra với Tuấn cách đây chừng 5 năm về trước. Hồi ấy, Tuấn mới vào làm việc tại Công ty Thuận Phát. Theo yêu cầu công việc, Tuấn phải đeo dây an toàn chui ra cửa sổ tòa nhà chung cư để luồn ống bảo ôn cho máy điều hòa hai cục.

Trời sắp có giông, gió lùa vào các ô cửa trống hoác, thổi bay cả những thùng các-tôn dưới nền đất cuốn lên cao như diều; tiếng tôn va đập vào nhau loảng xoảng, tiếng sấm ì ầm tạo nên những vệt sáng lóe dọc ngang trên bầu trời...

Anh Thiên, người lớn tuổi nhất trong tổ thi công thấy vậy khuyên Tuấn không nên ra. Nhưng vì muốn cố cho xong việc, Tuấn vẫn quyết định đu ra ngoài. Gió rít từng cơn, chiếc mũ bảo hiểm hất tung khỏi đầu, người Tuấn chao đảo như sắp văng ra khỏi dây da quốn quanh bụng.

Lúc ấy, đến giữ thăng bằng cơ thể còn khó nữa là thao tác kĩ thuật. Tuấn hét lên kêu cứu. Nhanh trí, anh Thiên liền lấy một thanh xà gồ đưa ra ngoài, Tuấn bám vào như người chết đuối vớ được cọc. Cơ thế Tuấn dần lấy được cân bằng để mọi người kéo vào bên trong. Hú vía! Sau lần chết hụt đó, Tuấn không bao giờ dám liều lĩnh trong an toàn lao động.

Ám ảnh bởi cơn ác mộng, đến gần sáng Tuấn mới chợp mắt trở lại, khi tỉnh dậy thì quá giấc, muộn giờ làm. Tuấn vội vã khoác bộ quần áo bảo hộ đến công trường.

Hôm nay lại thêm một ngày nắng nóng kỷ lục, mới sớm, nắng đã xiên chiếu qua những khoảng trống của tòa nhà còn chưa hoàn thiện; nắng soi vào những khuôn mặt hốc hác, đen ngòm, thâm quầng vì thiếu ngủ - họ là công nhân trong tổ thi công của Tuấn.

- Thế nào, hôm qua lên gặp sếp có kết quả gì không? Anh Thiên đặt câu hỏi. Mọi ánh mắt đều đổ dồn nhìn Tuấn chờ câu trả lời, nhưng Tuấn chỉ lắc đầu buồn bã.

- Nếu cứ ép nhau làm kiểu này, em xin phép các anh cho bọn em nghỉ việc ra ngoài làm cho đỡ căng thẳng... Một công nhân nói trong tiếng hùa theo đồng tình của nhiều người.

- Trật tự đi! Ra ngoài mùa nắng nóng này thì kiếm ăn được đấy, nhưng mùa lạnh thì sao? Trong khi ở Thuận Phát, dự án quanh năm. Vả lại, con người sống với nhau đừng cạn tình như thế, ít ra là với thằng Tuấn. Các chú để Tuấn có thêm thời gian. Đừng đẩy nó vào tình thế khó xử!

Tuấn nhìn anh Thiên bằng ánh mắt biết ơn. Đúng là, Tuấn đang kẹt giữa, một bên là chức trách được giao, vừa là tổ trưởng thi công, lại là “con rể tương lai” của giám đốc Phát.

Đối với ông Phát, thì Tuấn đang trong thời gian thử thách trước khi bước chân vào gia đình ông. Vậy nên, không có chuyện trái ý ông Phát! Nhà ông có mỗi một mụn con gái, đem gả cho một thằng không sai khiến được thì cơ ngơi của ông coi như “gửi trứng cho ác”…

Tuấn không muốn vậy. Anh yêu Diệu Anh, con gái ông Phát không phải vì muốn thừa hưởng cái gia tài đó. Vậy nên, Tuấn muốn tách bạch giữa tình cảm và công việc. Nhưng ông Phát không phải là một người biết lắng nghe. Ở ông có cả sự ngạo nghễ của kẻ bề trên và cung cách làm việc gia trưởng, bảo thủ trong các quyết định.

*

Trưa Hè, Mặt trời dựng đứng đổ lửa xuống công trường. Dưới sân tòa nhà, không một bóng người qua lại. Giờ nghỉ trưa, các tốp thợ đang tìm chỗ mát nghỉ ngơi. Bỗng một tiếng động lớn, khói bụi bốc ra mù mịt từ ô cửa sổ tầng mười bảy. Tốp bảo vệ công trường vội vã chạy từng bậc thang bộ lên. Vừa hổn hển, vừa hô lớn:

- Có tai nạn lao động tại tầng mười bảy. Mọi người cùng hỗ trợ cứu người...

Tầng mười bảy. Một quang cảnh khá lộn xộn. Toàn bộ giàn giáo công nhân dựng lên để thi công hệ thống điều hòa trung tâm đổ sập.

- Có ai bị thương không? Có phải gọi xe cấp cứu không?

- Không! May mà không ai bị thương! - Tuấn như vừa chui ra từ đồng giàn giáo ngổn ngang, mặt nhem nhuốc đầy bụi đất trả lời anh tổ trưởng bảo vệ công trường. Trong khi một nhóm công nhân khác thì mắt tròn, mắt dẹt, mặt tái xanh không còn giọt máu đứng túm tụm tại hành lang tầng mười bảy.

- Sao để mất an toàn như vậy. Khẩu hiệu “An toàn là bạn, tai nạn là thù” treo khắp nơi mà các ông làm việc như thế. Chúng tôi buộc phải lập biên bản báo cáo ban chỉ huy công trường và chủ đầu tư...

- Thôi anh ơi, việc cũng không xảy ra hậu quả gì to tát, cùng cảnh lao động với nhau, anh bỏ qua cho bọn em lần này, anh mà báo cáo, chúng em bị trừ lương, cắt thưởng thì vợ con ở nhà có mà treo niêu...

Tiếng mô tơ kêu ro ro. Giờ nghỉ, ai còn điều khiển vận thăng không biết? Lúc này, chẳng ai để ý đến điều đó. Chỉ đến khi giá nâng dừng lại tầng mười bảy. Ông Phát và trợ lý đột ngột bước vào, mọi người mới bất ngờ và đôi chút bối rối.

Thường thì, chả mấy khi ông Phát đến công trường hỏi han động viên anh em. Đối với ông, đó là sự khách sáo không cần thiết. Ông luôn nói với Tuấn rằng, công nhân họ chỉ thích tiền. Cứ lương cao, thưởng to là họ thích. Ông luôn dùng cái triết lý đó để sai khiến và giữ chân công nhân. Nhưng hôm nay, ông phải xuống công trường vào cái giờ này là không phải chuyện vừa.

- Tuấn đâu rồi. Tuấn đâu? Cậu làm ăn kiểu gì thế. Các cậu định giết tôi à! Ông Phát mặt đỏ phừng phừng quát lớn.

- Cháu chào bác. Cháu chưa kịp gọi điện báo cáo thì bác tới...

- Gọi cái gì, chủ đầu tư mà biết thì họ cắt hợp đồng chứ chả chơi. Tôi đặt hết niềm tin vào cậu, thế mà...

- Tại sao giám đốc không hỏi anh em chúng tôi có thương vong gì không, mà chỉ chăm chăm đổ lỗi cho người khác! Cậu Tuấn không có lỗi. Lỗi là do chính giám đốc gây ra. Giám đốc ép chúng tôi làm việc không có giờ giấc, tăng ca, tăng kíp. Chúng tôi không phải là cái máy. Chúng tôi là con người cần được nghỉ ngơi phục hồi, tái sản xuất sức lao động.

- Anh Thiên thấy không thể im lặng được nữa liền xen vào cuộc nói chuyện giữa ông Phát và Tuấn.

Một công nhân khác thêm vào:

- Giám đốc có biết, chúng tôi phải làm đến 2 giờ sáng để dựng xong chỗ giàn giáo này không? Chúng tôi vừa làm mà mắt cứ díu vì buồn ngủ thì làm sao đảm bảo an toàn được. Nay anh em chúng tôi đề nghị giám đốc phải giãn tiến độ, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi giữa ca cho anh em. Nếu không, chúng tôi sẽ đình công, bỏ việc không làm cho công ty nữa.

Ông Phát lần đầu tiên bị công nhân phản ứng gay gắt như tát nước vào mặt như vậy. Ông nhìn Tuấn vẻ trách móc rồi quay về phía công nhân xoa dịu:

- Anh em cứ bình tĩnh. Anh em phải thông cảm với hoàn cảnh của tôi bây giờ. Tôi cũng bị sức ép từ chủ đầu tư... Nhưng tôi hứa sẽ tăng lương, tăng thưởng cho anh em yên tâm làm việc.

“Chúng tôi không cần tiền, chúng tôi cần an toàn!”. Anh Thiên nói như hô khẩu hiệu. Mọi người đồng thanh hô theo!

***

Ba tháng sau, tòa nhà 25 tầng khu tổ hợp liên cơ quan của tỉnh cắt băng khánh thành đúng tiến độ. Trong buổi lễ, chủ tịch tỉnh thay mặt chủ đầu tư biểu dương năng lực nhà thầu Thuận Phát đã cùng các nhà thầu xây lắp khác thực hiện thành công “Chiến dịch 120 ngày cán đích”, không để xảy ra mất an toàn lao động, góp phần vào tiến độ chung của toàn dự án.

Tiếng vỗ tay vang cả hội trường. Ông Phát rất vui vì được chủ tịch tỉnh khen ngợi trong một buổi lễ trang trọng có khá đông các quan khách và phóng viên báo chí truyền hình. Lời nói của lãnh đạo như một sự bảo đảm về uy tín của công ty ông trong các vụ đấu thầu cạnh tranh trên địa bàn.

Dưới hội trường, Tuấn và Diệu Anh đang ngồi bên nhau. Thi thoảng, cả hai lại chụm đầu thì thào điều gì đó, rồi ngoái cổ lên nhìn ông Phát đang ngồi trên hàng ghế danh dự nở nụ cười đầy bí hiểm.

Câu chuyện thì thào to nhỏ của đôi bạn trẻ bắt nguồn từ những ngày Hè nóng bóng ấy. Ngồi làm việc ở bộ phận văn phòng, ngay sát phòng làm việc của giám đốc, Diệu Anh nghe thấy hết cuộc nói chuyện đầy sức nóng giữa bố và người yêu xung quanh việc tìm giải pháp giãn tiến độ cho công nhân.

Ông Phát thì cứ khăng khăng ép công nhân phải tăng ca, tăng giờ làm cho kịp bàn giao; còn Tuấn thì muốn giảm tải công việc để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe.

- Nếu bác không đồng ý, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì họ đã quá mệt mỏi rồi. Trường hợp có tai nạn thương vong về người, thì uy tín của Thuận Phát, của bác sẽ trút xuống sông xuống biển.

- Không bàn giao đúng tiến độ mới mất uy tín anh hiểu chưa. Anh về nói với họ cứ làm việc đi, tôi sẽ không để họ thiệt thòi...

- Họ không phải gây sức ép với bác để vòi tiền, họ muốn an toàn... Tại sao bác lúc nào cũng đem tiền bạc ra để giải quyết mọi việc như vậy!

- A, cậu dám đôi co với cả tôi cơ à! Đúng là nuôi ong tay áo...

Biết câu chuyện sẽ nổ tung, nếu không kìm hãm những cái đầu đang bốc hỏa, Diệu Anh vội chạy vào xoa dịu.

- Thôi, con xin bố... Bố để con bàn bạc với anh Tuấn xem có giải pháp nào nữa không. Vừa nói, Diệu Anh vừa kéo Tuấn ra khỏi phòng làm việc của ông Phát.

Ngay tối hôm đó, nổ ra cuộc cãi vã giữa Diệu Anh và Tuấn.

- Anh to gan thật, con rể tương lai mà dám đấu khẩu chan chát với bố vợ thì còn ra thể thống gì nữa. Có phải anh coi thường em, coi thường bố hay không?

- Em nghe anh giải thích này. Chính vì lo cho bố nên anh mới đấu tranh để bố nhận ra sự nguy hiểm nếu cứ dồn công nhân phải làm việc quá sức. Em biết đặc thù công việc của bọn anh là leo trèo trên cao, em hiểu rõ an toàn có ý nghĩa sống còn với bọn anh rồi còn gì!

Sau một hồi vừa giải thích vừa thuyết phục, Diệu Anh cũng nguôi ngoai. Thực ra, Diệu Anh hiểu bố mình hơn ai hết. Cô biết bố sai, vì bố luôn là người bảo thủ, ngang ngược; nhưng Tuấn thì quá thẳng thắn.

Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Diệu Anh, cô ghé vào tai Tuấn thì thào. Cả hai cùng đồng thanh bật ra câu nói “Khổ nhục kế”. Đúng, phải tạo ra hiện trường một vụ giả mất an toàn lao động để ông Phát biết sợ mà thay đổi sự bảo thủ của mình.

Thực hiện âm mưu này, Tuấn chỉ bàn riêng với Thiên để giúp sức. Hai người cân nhắc chọn thời điểm gây sập giàn giáo vào buổi trưa, khi công trường vắng người nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công nhân.

Để chắc ăn, họ cho công nhân nghỉ sớm và dồn họ xuống tầng 16 để nghỉ ngơi. Giàn giáo được gá không tạo liên kết với các kết cấu khác, để khi đánh sập chỉ gây tiếng động, chứ không gây thiệt hại về tài sản cho công trường.

Đúng như phán đoán, sau vụ dàn xếp hiện trường một vụ tai nạn lao động giả, ông Phát chóng vánh thay đổi quan điểm, chấp thuận với phương án sử dụng thầu phụ do Tuấn đề xuất. Để trấn an ông Phát, Tuấn hứa sẽ quản lý chặt nhà thầu phụ, đảm bảo sự đồng bộ và chất lượng chung của hệ thống điều hòa không khí cho cả công trình.

Trên sân khấu nhận bằng khen vinh danh của lãnh đạo tỉnh, ông Phát nhìn về cuối hội trường, nơi con gái Diệu Anh và con rể tương lai Tuấn đang ngồi. Đúng là, nếu như không nghe theo lời khuyên can của Tuấn thì rất có thể giờ này, ông Phát không có được vinh hạnh như hôm nay. Càng ngày, ông Phát càng nhận ra Tuấn dù trẻ, nhưng có bản lĩnh, chính kiến và nhiệt tâm với công việc, xứng đáng nối nghiệp gia đình ông sau này.

Ông cầm chiếc bằng khen tiến xuống hàng ghế, nơi Tuấn và Diệu Anh đang ngồi, rồi trao nó cho Tuấn như hàm ý, kết quả có được như hôm nay là do công sức đóng góp rất lớn của Tuấn và tập thể người lao động. Bất ngờ, ông nắm lấy một bên tai con gái diệu nhấc lên làm cô đau điếng:

- Hai cô cậu dở trò đúng không! Đừng tưởng bở mà lừa được lão già này. Nhưng dù sao, bố cũng cảm ơn “âm mưu” của hai con.

Ông Phát cười lớn bước đi, để lại đôi bạn trẻ mặt đỏ tía tai vì bối rối. Không lẽ, “âm mưu thiện lành” của Tuấn và Diệu Anh đã không qua được con mắt tinh đời của ông Phát?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ