Truyện ngắn: Mảnh đất nở nhiều hoa

GD&TĐ - Ông Hồng nhớ mãi ngày hội xuân, thanh niên Tày, Nùng vẫn ngắm người Mông dập dìu váy áo mới, nữ có ô, nam có khèn, múa bên nhau cho đất trời nở hoa.

Truyện ngắn: Mảnh đất nở nhiều hoa

Mấy hôm nay, nhà ông Hồng sáng đèn muộn. Từ hôm tiếp đoàn của Bộ Tư lệnh châu Á Thái Bình Dương và đại diện Sở Giáo dục đến khảo sát đất xây trường mầm non, ông ngồi bần thần cả tiếng đồng hồ bên bếp lửa, đến tận khi chén chè nguội ngắt mới cầm lên xoay mãi trong lòng bàn tay. Anh Long, cán bộ huyện bảo:

- Các chuyên gia nói giá như lấy được mảnh ruộng chếch bên thì tốt quá, vừa đáp ứng diện tích, vừa làm vuông được sân trường chứ bây giờ hẹp vậy, chẳng đủ tiêu chuẩn để tài trợ, rót tiền.

Mấy anh cán bộ xã lo lắng:

- Nếu để đền bù giải phóng mặt bằng đám ruộng đó thì quy trình lâu lắm, không kịp tiến độ theo cam kết của tỉnh với nhà tài trợ. Mà dân ở bản Pù Pheo ít đất, bà con không bán đâu.

Phải rồi, ông đã đổi cả đàn trâu mới được mảnh đất này. Đi bộ đội về là theo chân cánh thợ trong bản vào tận huyện biên giới làm thợ mộc, cửu vạn nuôi năm đứa con. Người già cũng chẳng có nhiều đất để chia.

Hạt thóc bé bằng một cái chớp mắt mà sao nhặm nổi khắp người, vắt kiệt mồ hôi mới thắng mưa nắng của trời để đổ vào bồ, chưa kịp ngồi ấm chỗ thì nồi đất đã đến bữa độn thêm vài khúc củ mài, sắn sượng.

Ngày chưa có trường mầm non này, thằng Tú, thằng Tài, con Mơ, con Mận phải qua đèo Keng Nưới xuống tận trung tâm xã học. Những cung đường trơ trụi đá gầy gò như tiếng ve sôi cùng chiếc bụng đói theo năm tháng đã đưa chúng nó phiêu bạt khắp bốn phương trời. Thỉnh thoảng, mấy đứa mới có dịp về thăm ông. Cách đây mười lăm năm, khi xã có chủ trương đưa trường mầm non lên bản Pù Pheo, ông đã dõng dạc:

- Cái Đào nhà tôi là út, nó đi học lớp Một rồi nhưng tôi cũng cho một góc sân để phòng học xây lên được vuông vắn. Chục năm nữa thôi, tôi có cháu nội đi học thật gần.

Ngày đó, người ở Pù Pheo cho ông là “đồ mũi phổng”. Nhà thuộc hộ nghèo nhưng đi hiến đất. Ông mặc kệ. Nhìn yến gạo cứu đói thay tiền đền bù, ông thầm nghĩ, trời sinh voi sinh cỏ, ai đói mãi mà lo.

Ông muốn mang nghề mộc về mở xưởng ở Pù Pheo nhưng con đường đi lầy lội ngày mưa, bụi đỏ mùa khô khiến cho ông đóng cửa ước mơ của mình quẩn quanh nơi bếp lửa. Ngày còn nhỏ, ông không được đi học. Con chữ như những hạt thóc cứ nhảy nhót trước mặt mà không tài nào xúc được cho đầy gùi đem về cất trong đầu của mình.

Phải đợi đến khi vợ ông có cái Đào, xay ngô, giã gạo, ăn cơm tối xong, ông mới được cầm đuốc xuống Ủy ban xã học lớp xóa mù. Ngày viết được tên Liêu Mạnh Hồng vào trong trang vở, ông bật khóc như một đứa trẻ, đem khoe khắp bản Pù Pheo rằng bao giờ dựng lại căn nhà sàn năm gian hai chái bằng gỗ sẽ đục đẽo tên mình lên cột, chạm thêm hai cái đầu rồng chầu.

Sách giáo khoa của năm đứa con, ông đều lén đem ra đọc dưới ánh đèn dầu khi chúng đã chui vào màn ngủ say. Có hôm, thằng Tú bắt gặp, dụi mắt hỏi:

- Pá thích đọc, con sẽ mượn đống báo bỏ không ở góc thư viện về nhé! Chỉ cần giữ gìn cẩn thận, không làm nước chè đổ lên hay làm rách thì cô cho mượn đều.

Ông Hồng rạng rỡ, vội gật đầu:

- Con cứ mượn về. Muốn đi mua được tờ báo mất một buổi mới đến chợ huyện rồi ghé bưu điện chờ. Mấy đứa được đi học mà lười quá, không biết tận dụng gì cả, cứ học xong là cắm cổ về chơi thôi.

Ông nói là làm. Quyển sách, tờ báo nào con trai mượn về đều được ông giữ phẳng phiu. Đôi chỗ, người mượn trước làm quăn góc, ông dùng ngón tay miết lại mép từng tờ thật cẩn thận.

Những cách làm hay, mẹo mới đăng trên báo, ông cẩn thận chép lại vào một cuốn sổ tay được cắt từ số vở cũ của các con. Có kiến thức chăn nuôi, ông không đi làm thuê nữa mà mượn tiền ngân hàng mua dê, mua lợn, trâu bò về chăn.

Mùa Đông ở Pù Pheo, sương muối và băng giá năm nào cũng có. Trâu đàn thả vào thung sâu phần nhiều bị đói, bị rét. Trông những con nghé chân sưng vù, ngã nhào xuống vực thật xót xa, may nhờ đọc báo, ông Hồng biết làm chuồng nhốt chúng lại, biết trồng cỏ cho trâu bò ăn, lấy rơm lót chuồng.

Khi sương muối tan, nắng mới lên, hàng xóm rủ ông đi thả trâu, ông từ chối. Nước sương lúc này độc lắm, trâu bò ăn cỏ ướt hoặc uống nước là dễ bị cảm lạnh rồi chết. Ồ, thì ra con chữ dạy được nhiều điều mà có khi đời các cụ chưa tìm ra.

Nhờ chăm sóc tốt, đàn vật nuôi lớn nhanh, bán được giá, trả xong nợ, số lãi thu được, ông lo cho các con ăn học. Ông lên tận kiểm lâm huyện xin nhận khoán đất trống đồi núi trọc quanh đèo Keng Nưới để trồng hai mươi vạn cây quế.

Cạnh bản Pù Pheo có con suối Tiên, có thung lũng đá cổ được nhiều người trẻ biết đến. Mấy năm gần đây, xã bắt đầu phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Hồng cất được căn nhà sàn bằng gỗ cạnh căn nhà cũ cha mẹ để lại, cô Đào đăng ký đón khách về nhà, nấu nướng và dẫn đoàn đi thăm quan, trải nghiệm. Thấy đêm nào, ông Hồng cũng ngủ gật bên bếp, cô Đào gợi chuyện:

- Pá à, mình hiến đất nhiều rồi. Làm đường lên bản cũng đã nhường cho ba đường cày của bãi ngô. Mảnh đất này, mình pá bán cả đàn trâu mới mua được. Mình không phải không hết lòng vì làng xã nhưng cứ chờ một thời gian nữa để có chính sách thỏa đáng.

Con không tiếc tiền nhưng tiếc công pá dầm mưa dãi nắng chăn đàn trâu trong thung lũng, rồi chạy đôn chạy đáo từ xã lên huyện làm giấy mới được đám ruộng này. Anh Tú tính đi làm thợ mỏ một thời gian nữa thì về trồng mận tam hoa xuống đám ruộng đấy cho khách đến chụp ảnh mùa hoa và trải nghiệm hái quả.

Ông Hồng gạt than hồng sang một bên. Gộc củi khô có không gian thoáng đãng bắt lửa bùng bên, bén vào cành quế cháy nỏ, tỏa khói thơm dịu:

- Hây dà, đời này, tao đã làm việc chăm chỉ. Năm đứa con đủ chân tay, có công việc ổn định, tu chí làm ăn. Bây giờ cũng vào mùa mưa, bọn trẻ được nghỉ Hè. Có người trả tao đám ruộng hai trăm triệu rồi mà tao không bán.

Điện thằng Tú, thằng Tài, cái Mơ, cái Mận, chúng đều bảo đất của pá, pá muốn làm gì chúng con đều đồng ý. Tiền đâu phải dễ kiếm được, mà cứ khất với lần cũng không nên. Cơ hội của bản chỉ có một lần thôi.

Mỗi lần nghĩ đến thằng Tú mặc đồ bảo hộ xuống hầm sâu mấy trăm mét khai thác than, khi trở ra chỉ thấy có đôi mắt với hàm răng trắng thì ông Hồng đều quặn thắt ruột gan. Vợ con nó cũng đi theo ở trọ trong khu tập thể, ra chợ hải sản buôn bán kiếm lời.

Thằng Tài làm thầy giáo nhưng xung phong lên tận xã biên giới cách nhà hơn một trăm cây số, chưa nghĩ tới chuyện lập gia đình. Cái Mơ, cái Mận đều làm văn phòng cho công ty nước ngoài dưới Hà Nội. Vợ mất sớm, ông chỉ biết cắm đầu làm lụng, bây giờ mới được gọi là tạm nghỉ ngơi.

- Pá à, con cũng băn khoăn lắm. Các cháu có trường mầm non ở gần thì người lớn đưa đón đỡ vất vả. Con còn cái sẹo ngày chạy theo các anh hồi đi học mầm non này. Hôm ấy, mưa thật to. Giá như nhà mình gần trường thì không ai bị ướt.

Ông Hồng nhìn con gái cười rồi giục cô đi ngủ. Còn lại một mình với con mèo mướp, ông thở dài. Nếu giữ lại đám ruộng của gia đình thì vài năm nữa thôi, hoa mận nở trắng muốt mùa Đông. Ở đó trông xuống đèo Keng Nưới, mây bay bồng bềnh chẳng khác nào tiên cảnh.

Mùa này, mận chín ửng trên cành, lũ trẻ như đàn chim ríu rít trong gốc với đủ chuyện nghe được ở trường, đánh chuyền, đánh quay thi thố với nhau. Nếu để xây trường học, hoa phượng nở đỏ góc sân, các bé đến lớp ca hát cùng cô giáo, ê a đánh vần những con chữ bước vào đời. Ngồi trên nhà sàn, ông sẽ nghe được, ngắm được mảnh đất này nở rất nhiều hoa.

* * *

Qua sự chân thành, cầu thị của cán bộ huyện, ông Hồng tươi cười nói:

- Mảnh đất nhà trường đang có trước đây tôi đã hiến một phần rồi, giờ làm trường mới cho các con cháu của mình, tôi mừng quá tiếp tục tình nguyện hiến đám đất đó cho Nhà nước.

Anh lãnh đạo huyện cảm ơn ông xong rồi tiếp tục vận động:

- Để bác hiến đất mãi cũng ngại, anh em trong đoàn quyên góp tiền làm quà biếu một chút gọi là.

Các cán bộ huyện đưa sáu triệu đồng biếu ông Hồng, ông nhận rồi đưa lại bảo:

- Tôi muốn góp cho các cháu bữa trưa có thêm thịt, cá.

Biên bản hiến đất được lập sau một tiếng trao đổi. Cái Đào làm phiên dịch với người nước ngoài như nói tiếng Tày làm ông Hồng thấy nở mày nở mặt. Ừ, phải rồi.

Có học có khác, thấy bản đồ nhà đất cho vào máy tính nổi toàn tiếng Anh, dù ông không biết đọc nhưng ông đoán, xã đã nhận được tài trợ để xây trường học. Nhà ông Hồng còn khó khăn nhưng chắc chắn ông có thứ giàu hơn người khác!

Diện mạo Trường Mầm non Quang Trung hôm nay đã đổi thay khang trang với đầy đủ tiện nghi phục vụ cho hàng trăm con em của xã ở mười hai bản đến học tập. Ngoài những nỗ lực của các bên thì đóng góp của ông Hồng là vô giá.

Ai cũng biết được thông tin trong dịp bàn giao trường tới đây huyện sẽ tặng giấy khen và biểu dương ông. Thấy ông Hồng rộng bụng, bà con ở xung quanh cũng vui vẻ hiến đất để hoàn thành sân và khu vui chơi của Trường Mầm non Quang Trung với hơn năm trăm mét vuông đất. Nhiều người đi đón cháu, chờ ở cổng trường phấn khởi nói với nhau:

- Từ ngày có trường mới, cháu tôi dậy sớm lắm, không đợi ông bà giục đã thấy nó ngoan ngoãn ăn sáng rồi gọi tíu tít đến trường. Lâu rồi, tôi không sang đây, trường xã mà đẹp quá. Nhiều trò chơi thế, hỏi sao các cháu mê.

- Ừ, đường bê tông sạch sẽ lại ít xe cộ. Bọn trẻ bây giờ sung sướng bao nhiêu thì cánh già chúng ta bớt vất vả bấy nhiêu. Nhìn chúng nó, tôi còn muốn đi học cùng.

- Học cùng dễ thôi mà. Bản Pù Pheo đang gọi cánh già này tập trung làm đội múa khèn. Ông thổi hay thế, tối đến sân trường này dạy chúng tôi à.

- Ồ, thảo nào, hôm qua, tôi đi tìm bò lạc, đến đèo Keng Nưới lại nghe nhiều tiếng khèn. Bụng tự hỏi không biết họ thổi ở đâu.

- Người dưới xuôi muốn lên chơi nhiều. Xã có đội văn nghệ thì không thể thiếu tiết mục múa khèn được.

Ông Hồng bế thằng cháu nội mới ba tháng tuổi trên tay đi dạo qua cổng trường thấy ai nấy hào hứng với việc múa khèn thì đến tham gia câu chuyện. Vì đêm nào mọi người tập, ông cũng đều đến xem.

Người ở vùng cao bây giờ gặp nhau quên cả lối về không phải vì say sưa bên bàn uống rượu say mèm tóc tai rũ rượi mà họ gặp nhau bàn chuyện làm ăn, tìm cách gìn giữ văn hóa của dân tộc mình.

Ông Hồng nhớ mãi ngày hội xuân, thanh niên Tày, Nùng vẫn ngắm người Mông dập dìu váy áo mới, nữ có ô, nam có khèn, múa bên nhau cho đất trời nở hoa, cho nắng thắp lên bao hi vọng. Trong trường học cũng dàn dựng nhiều tiết mục múa để các bé đi trình diễn tự tin trên sân khấu.

Ông Hồng đón khách đến nhà sau chuyến thăm quan, chụp ảnh thì sao có thể thiếu các bài hát dân ca được. Sau này, đội văn nghệ cũng sẽ đến nhà ông, rộn ràng cả bản. Trông nhà trường tường sơn, ngói đỏ, ông thấy Pù Pheo sớm xóa đói, giảm nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ