Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ: Biểu hiện và căn nguyên bất bình đẳng giới

GD&TĐ - Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ được đánh giá là đỉnh cao của thể loại truyền kỳ trong văn học trung đại Việt Nam.

“Chuyện người con gái Nam Xương” phản ánh nhiều bất bình đẳng giới. Ảnh minh hoạ từ IT:
“Chuyện người con gái Nam Xương” phản ánh nhiều bất bình đẳng giới. Ảnh minh hoạ từ IT:

Tập truyện phản ánh nhiều vấn đề của hiện thực đương thời, trong đó bất bình đẳng giới là một trong những vấn đề nổi bật, đáng lưu tâm. 

Nghiên cứu vấn đề bất bình đẳng giới trong Truyền kỳ mạn lục, chúng ta phải đặt tác phẩm trong bầu khí quyển của môi trường thời trung đại nhằm mô tả và lý giải những biểu hiện bất bình đẳng giới dựa trên những căn nguyên, cơ tầng văn hóa đã tác động, chi phối, quy định đến các yếu tố trong cấu trúc, thi pháp của tác phẩm.

Bài viết này tập trung làm sáng rõ những biểu hiện và lý giải căn nguyên bất bình đẳng giới trong Truyền kỳ mạn lục, góp phần giải mã những giá trị nghệ thuật còn ẩn tàng trong tác phẩm, bổ sung điểm nhìn tham chiếu trong việc định hình đặc trưng thể loại truyện truyền kỳ trung đại Việt Nam, cũng như tiếp tục nâng cao hiệu quả giảng dạy tác phẩm văn học thuộc thể loại truyền kỳ.

Biểu hiện ở nhiều khía cạnh

Khảo sát 20 thiên truyện trong tập Truyền kỳ mạn lục, chúng tôi nhận thấy vấn đề bất bình đẳng giới được biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, mà phía bị khinh thị, chịu thiệt thòi chính là ở giới nữ.

Trong tác phẩm Chuyện gã Trà đồng giáng sinh có đoạn kể rằng: “Năm năm mươi tuổi, Đức Công vẫn không có con trai, chợt bị ốm nặng rồi chết […]. Dương gian thật không có người nào được thế, cứu sống cho mọi người nhiều lắm. Chỉ tiếc hưởng tuổi không dài và dòng sau không người nối dõi”.

Chỉ với vài dòng kể ngắn gọn đã cho ta thấy biểu hiện bất bình đẳng giới được thể hiện ngay ở mong muốn sinh được con trai hơn là con gái, ở quan niệm con trai mới là người nối dõi tông đường. Đó rõ ràng là thái độ kỳ thị giới tính, quan niệm trọng nam khinh nữ.

Điều này xuất phát, chịu sự chi phối từ trong tư tưởng của học thuyết Nho giáo như: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (Một nam cũng được xem là có, mười nữ cũng xem như không), “Nữ nhi ngoại tộc” (con gái ở ngoài dòng họ), không sinh được con (nhất là con trai để nối dõi) là một trong những tội đại bất hiếu,...

Những quan niệm bất bình đẳng giới này vốn đã “Thâm căn cố đế” trong đời sống của xã hội phong kiến và vẫn còn là vấn đề thời sự trong xã hội ngày nay. Sự nhẹ nhàng, tinh tế từ cách kể chuyện cùng với sự tinh nhạy nắm bắt, phản ánh những vấn đề bản chất của hiện thực đương thời như trên đã góp phần đưa Truyền kỳ mạn lục trở thành tác phẩm có giá trị vượt thời gian.

So với những tác phẩm văn học ở giai đoạn trước, trong Truyền kỳ mạn lục, hình tượng người phụ nữ đã xuất hiện nhiều hơn, thậm chí trở thành nhân vật chính, trung tâm của sự phản ánh. Tuy nhiên, xét từ phạm vi gia đình đến ngoài xã hội thì vị trí, vai trò, địa vị của họ lại hết sức mờ nhạt. Bản thân họ không có thực quyền, bị tước đi sự lựa chọn, quyết định của bản thân đối với số phận, hạnh phúc cá nhân của chính mình.

Đọc Truyền kỳ mạn lục, chúng ta nhận thấy những người con, người vợ thường bị trao truyền quyền lực quản lý, sở hữu từ tay cha mẹ sang tay chồng hay vào tay một thế lực đàn ông nào khác trong xã hội. Vũ Nương và Nhị Khanh, một đời hết cung phụng cha mẹ lại lo gánh vác giang sơn nhà chồng cho đến lúc chết (Chuyện người con gái Nam Xương, Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu); Thị Nghi, vì gia cảnh túng quẩn nên bị bán cho một phú thương họ Phạm khi hãy còn nhỏ (Chuyện yêu quái ở Xương Giang).

Khi bị tước đi quyền tự quyết, người phụ nữ dễ dàng bị các thế lực cầm quyền như vua chúa, quan lại biến thành những con hát, cung nhân chỉ với chức năng dùng để mua vui. Đào thị vốn là cung nhân thời Trần. Khi vua Dụ Tôn mất, nàng bị thải ra ngoài, sống một cuộc sống vất vưởng nay đây mai đó (Chuyện nghiệp oan của Đào thị).

Lệ Nương đang sống một cuộc sống yên bình cùng hôn ước với Phật Sinh sắp được thực hiện thì lại bị bắt vào cung (Chuyện Lệ Nương). Hay như Túy Tiêu chỉ là một con hát trong tư gia của quan Trần soái Lạng Giang Nguyễn Trung Ngạn. Nàng dễ dàng bị Nguyễn Trung Ngạn tặng cho Dư Nhuận Chi chẳng khác gì một món quà (Chuyện nàng Túy Tiêu).

Những người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục họ còn gặp gỡ nhau ở điểm chung thiệt thòi là không có cơ hội học tập hay tham gia vào bộ máy chính quyền nhà nước một cách bình đẳng như nam giới. Những chức tước mà các nhân vật nữ chính có thường chỉ được phong sau khi họ đã mất, nhờ vào đức hạnh khi sống.

Cùng với đó là không gian để các nhân vật nữ tồn tại, hoạt động nổi bật là kiểu không gian nhỏ hẹp, khép kín, hoang phế. Dương thị bị giam lỏng trong tư dinh của thần Thuồng Luồng (Chuyện đối tụng ở Long cung); hai nàng tinh hoa Đào Hồng Nương và Liễu Nhu Nương sống trong dinh cơ cũ đã bỏ hoang của quan Thái sư triều Trần (Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây); hay như Nhị Khanh (Chuyện cây gạo), ngay cả khi đã mất cũng không được mai táng tử tế, quan tài của nàng chỉ đặt trong một túp nhà tranh bỏ hoang ngoài đồng, “dây vôi dây bìm leo đầy lên vách và lên mái”.

Căn nguyên của sự bất bình đẳng này cũng xuất phát từ trong quan niệm của Nho giáo phong kiến, khi người con trai được đánh giá là bậc quân tử, có trách nhiệm lớn lao với gia đình, dòng tộc, đất nước thì phụ nữ lại bị xem là hạng tiểu nhân, phải chịu thân phận phụ thuộc.

“Truyền kỳ mạn lục”.
“Truyền kỳ mạn lục”.

Cái nhìn thiếu thiện cảm

Trong loại hình nhân vật siêu nhiên bước ra từ những trang văn của Truyền kỳ mạn lục, chúng ta còn dễ dàng nhận ra số lượng lớn các nhân vật là yêu nữ, ma nữ. Đây là những nhân vật phản diện được khắc họa với vẻ bề ngoài hết sức tươi đẹp, sở hữu nhiều tài năng (cầm, kỳ, thi, họa,…) nhưng lại đối lập với bản chất, tính cách bên trong, như chuyên quyến rũ đàn ông để hấp thụ dương khí, hoặc làm những điều tác oai tác quái, quấy nhiễu dân chúng.

Nếu bóc tách, bỏ đi lớp vỏ kỳ ảo, ta còn thấy ẩn sau loại nhân vật này là cái nhìn không mấy thiện cảm đối với phụ nữ, rằng phụ nữ là đối tượng thường gây ra những điều xui xẻo, tai ương, hệ lụy đối với nam giới.

Vì suốt ngày gần gũi với hai nàng tinh hoa mà nho sinh Hà Nhân không thể chuyên tâm học hành (Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây); viên quan họ Hoàng, khi chung sống với Thị Nghi, vốn là hồn ma đã sinh ra điên cuồng (Chuyện yêu quái ở Xương Giang); Trình Trung Ngộ vì đam mê luyến ái với hồn ma Nhị Khanh nên bỏ bê việc buôn bán, cuối cùng sinh mê sảng, ôm quan tài Nhị Khanh mà chết (Chuyện cây gạo); và trái với lẽ thông thường của một vị sư tu hành, vì không vượt qua được cám dỗ sắc dục trước Hàn Than mà sư Vô Kỷ đã phạm vào ngũ giới (năm điều cấm kỵ) của nhà Phật (Chuyện nghiệp oan của Đào thị).

Có thể nói, từ trong quan niệm âm dương thời cổ đại, phụ nữ đã bị xếp vào cực âm (xấu) trong mối tương quan với đàn ông là cực dương (tốt). Đến chế độ phong kiến, giới cầm quyền nói riêng cũng như xã hội nói chung lại có cái nhìn kì thị với nữ sắc, coi sắc đẹp phụ nữ là nguồn căn của tội lỗi.

Trong khi đó, nguyên nhân sâu xa lại xuất phát từ chính hiện thực của chế độ phong kiến đương thời, đối lập với việc củng cố địa vị của nam giới, nhà nước đã không có những cơ chế thực sự nghiêm ngặt, bình đẳng nhằm bảo vệ cho người phụ nữ (nhất là những người phụ nữ có nhan sắc, tài hoa) được an toàn, dẫn đến những bi kịch cho chính bản thân họ và những tai ương, vạ lây cho người thân hay những người xung quanh, khiến họ bị xem là hiện thân cho những điều không tốt đẹp, cần phải xa lánh.

Bất bình đẳng trong quan hệ hôn nhân - vợ chồng

Biểu hiện bất bình đẳng giới trong Truyền kỳ mạn lục thể hiện tập trung và nổi bật nhất là ở quan hệ hôn nhân - vợ chồng. Hôn nhân bình đẳng và đúng nghĩa tiến bộ phải được xây dựng trên cơ sở tình yêu cá nhân đến từ cả hai phía nam - nữ dành cho nhau. Đọc Truyền kỳ mạn lục, các cuộc hôn nhân giữa những người phàm trần, có xuất phát điểm là sự cảm mến của cả đôi lứa, được xã hội thừa nhận chỉ xuất hiện duy nhất trong tác phẩm Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, giữa Trọng Quỳ và Nhị Khanh: “Hai người thường gặp nhau trong những bữa tiệc, mến vì tài, yêu vì sắc, cũng có ý muốn kết duyên Châu Trần. Cha mẹ đôi bên cũng vui lòng ưng cho, nhân chọn ngày mối lái, định kỳ cưới hỏi”.

Hoặc xuất phát điểm của cuộc hôn nhân chỉ đến từ tình cảm yêu mến một phía ở người con trai, như hôn nhân giữa Trương Sinh với Vũ Nương: “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, người đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp. Trong làng có chàng Trương Sinh, mến vì dung hạnh, xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về” (Chuyện người con gái Nam Xương). Qua đó cho thấy, trong tình yêu nam nữ, sự chủ động thường xuất phát từ phía người con trai và quyền quyết định đi đến hôn nhân lại là chuyện của cha mẹ, hai bên gia đình, dòng tộc.

Nhiều tác phẩm của tập truyện lại phản ánh hiện thực: Người phụ nữ ở thế hoàn toàn bị động, mất quyền tự chủ, trở thành những vật phẩm hiến tặng trong vỏ bọc hôn nhân. Đó là nàng Lệ Nương bị bắt tiến cung cho vua (Chuyện Lệ Nương); là Hán Anh (Chuyện gã Trà đồng giáng sinh) trở thành vợ của Dương Thiên Tích vì ý nguyện của cha muốn đền báo công ơn đối với Dương công: “Ngày xưa, tôi từng được chịu ơn dầy của Dương công, không biết lấy gì đền báo. Có đứa con gái là Hán Anh, vậy xin hiến cậu để hầu hạ chăn gối”; là nàng Túy Tiêu (Chuyện nàng Túy Tiêu), vốn là tặng phẩm mà Nguyễn Trung Ngạn dành cho chàng Dư Nhuận Chi:

“Cuối đời Thiệu Phong nhà Trần, Dư nhân có việc, vào yết kiến quan Trần soái Lạng Giang là Nguyễn Trung Ngạn. Ông Nguyễn thấy Dư đến, lật đật ra tiếp, đặt tiệc ở Phiếm bích đường thết đãi, gọi mười mấy con hát ra hát múa ở trước tiệc. Trong bọn con hát có ả Túy Tiêu là người rất xinh đẹp. Ông Nguyễn bảo Dư sinh rằng: - Ấy tùy ngài kén chọn trong bọn ấy, hễ bằng lòng ai thì tôi xin tặng cho”.

Trong quan hệ vợ chồng, vấn đề bất bình đẳng giới lại thể hiện trước hết ở sự phân công trách nhiệm và hưởng thụ các quyền lợi không đồng đều. Trong cuộc sống gia đình, bằng những mỹ từ “thiên tính”, “thiên chức” đầy ngụy biện, là những kiến tạo xã hội mang tính chủ ý của nam giới dành cho nữ giới, người vợ thường phải gánh vác mọi công việc gia đình, điều công bằng mà nói phải có sự chung tay san sẻ của cả người chồng. Tác phẩm Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu là một minh chứng điển hình:

Trọng Quỳ suốt ngày chỉ biết chơi bời lêu lổng, cờ bạc để một mình vợ là Nhị Khanh lo mọi việc trong gia đình. Sự bất bình đẳng còn được tô đậm ở việc người vợ không chỉ một mực cung phụng mà còn phải tuyệt đối giữ tiết hạnh với chồng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tác phẩm Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu có đoạn kể rằng: “Nhị Khanh tuy hãy còn nhỏ, nhưng sau khi về nhà họ Phùng, khéo biết cư xử với họ hàng rất hòa mục và thờ chồng rất cung thuận, người ta đều khen là người nội trợ hiền”.

Nỗi ám ảnh lớn nhất và cũng là vấn đề sống còn trong cuộc đời người phụ nữ, người vợ đó là trinh tiết. Bởi vậy, dù mới chỉ bị nghi oan là thất tiết với chồng, Vũ Nương đã phải kết thúc cuộc đời đầy bi kịch của mình bằng bước đường cùng trầm mình xuống bến sông Hoàng Giang tự vẫn (Chuyện người con gái Nam Xương). Hay như Lệ Nương, với Phật Sinh mới chỉ là hôn ước, nhưng nàng đã sẵn sàng quyên sinh để thủ tiết với chàng, không chịu nhơ khi bị rơi vào tay giặc Minh (Chuyện Lệ Nương).

Những biểu hiện bất bình đẳng trong hôn nhân cũng như trong quan hệ vợ chồng nêu trên có cơ sở từ quy định “tam tòng tứ đức” đối với nữ giới trong lễ giáo phong kiến. Nó như những chiếc vòng kim cô, những sợi dây trói buộc người phụ nữ, không đơn giản là nhằm ổn định trật tự xã hội nói chung, mà sâu xa hơn là nhằm bảo vệ, bồi đắp thêm cho quyền lợi của nam giới, nhất là giới cầm quyền quý tộc, quan lại.

                                                                        *   *   *

Tóm lại, trong những mảng hiện thực được phản ánh, Truyền kỳ mạn lục đã hé lộ cho người đọc thấy được nhiều biểu hiện của sự bất bình đẳng giới. Ở đó, người phụ nữ bị xem thường, chịu bao thiệt thòi, bất hạnh so với nam giới. Căn nguyên của vấn đề bất bình đẳng giới ở đây, dù trực tiếp hay gián tiếp, hầu hết xuất phát từ sự chi phối trong quan niệm của học thuyết Nho giáo, của lễ giáo phong kiến lúc bấy giờ.

Qua những bi kịch bất bình đẳng giới trong tập truyện đã cho thấy hạn chế trong tư tưởng Nho giáo, cùng với đó là biểu hiện suy tàn của chế độ phong kiến nước ta thế kỷ XVI sau khi đã đạt đến đỉnh cao cực thịnh ở thế kỷ XV. Vấn đề bất bình đẳng giới trong Truyền kỳ mạn lục đã góp phần tô đậm bức tranh hiện thực phong kiến đương thời với nhiều mảng màu phong phú, sinh động; biểu hiện tinh thần nhân đạo thấm đẫm và nghệ thuật viết truyện truyền kỳ hấp dẫn của Nguyễn Dữ. Tác phẩm vì thế sẽ còn giá trị mãi với thời gian.

_____________________________________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Dữ (2011), Truyền kỳ mạn lục (Ngô Văn Triện dịch), Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh & Nxb Hồng Bàng, Gia Lai.

2. Phan Thị Thu Hiền (Chủ biên, 2017), Chuyện tình ma nữ trong truyền kỳ Đông Á (Trung Quốc – Korea – Việt Nam – Nhật Bản), Nxb Văn hóa – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Châu Minh Hùng (2019), Giải huyền thoại, lý thuyết và ứng dụng,Báo cáo tổng kết Đề tài khoa học và công nghệ cấp Trường, Trường Đại học Quy Nhơn.

4. Trần Trọng Kim (2012), Nho giáo, Nxb Thời đại, Hà Nội.

5. Lê Dương Khắc Minh (2019), Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại: diện mạo và đặc trưng nghệ thuật, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Nguyễn Phong Nam (2015),Truyện truyền kỳ Việt Nam, đặc điểm hình thái – văn hóa & lịch sử, Nxb Văn học, Hà Nội.

7. Trần Nho Thìn (2009),Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ