Truyền kỳ thiền sư Không Lộ: Kỳ 2: Thánh tổ nghề đúc đồng

GD&TĐ - Không chỉ được các làng nghề đúc đồng suy tôn là ông tổ.

Chùa Keo (Thái Bình), nơi còn giữ nhiều thư tịch về Không Lộ thiền sư.
Chùa Keo (Thái Bình), nơi còn giữ nhiều thư tịch về Không Lộ thiền sư.

Thiền sư Không Lộ còn là người góp phần tạo nên “Tứ đại khí” nổi tiếng ở nước Việt thời nhà Lý, gồm: Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật Quỳnh Lâm và vạc Phổ Minh.

Ngư dân cao đạo

Theo Đại đức Thích Tâm Hiệp, truyền thuyết còn lưu lại trong dân gian kể về con đường tu hành của thiền sư Không Lộ cũng rất gian nan. Phong cách sư thoát tục, ăn mặc thế nào xong thôi, không vướng mắc vật chất thường tình. Sư tập trung cho việc thiền định. Trải bao năm tu hành, ăn cây mặc cỏ quên cả thân mình, ông đã đắc đạo.

Dân gian thành kính, tôn sùng những vị đại sư thời ấy. Với họ có một pháp thuật huyền bí, hóa giải được mọi tai ương. Sau khi các đại sư này cùng phò giúp Lý Công Uẩn lên ngôi vua với những bài kệ (sấm ký) thì thân thế của thiền sư càng thêm thần kỳ.

Tương truyền sau khi đắc đạo, thiền sư có thể bay lên không trung, hoặc đi trên mặt nước giống như Sư tổ Đạt Ma. Thiền sư đi vào rừng sâu, núi cao cọp thấy cũng phải cúi đầu, rồng gặp cũng phải nép phục.

Những pháp thuật của thiền sư không thể đo định được. Chẳng thế mà, như một người nhìn thấy trước tương lai, thiền sư Không Lộ cùng với các thiền sư khác đã nhìn nhận về sự ra đời của vương triều nhà Lý, ông cũng là biểu tượng cho sự  giác ngộ.

Trong truyền thuyết và cổ tích dân gian, hình tượng Dương Không Lộ thường được hình dung là ông Khổng Lồ đúc chuông, lấy nón làm thuyền, lấy gậy tích trượng làm mái chèo, chở hết cả kho đồng xứ Bắc về nước Nam.

Cho cả kho đồng vào túi

Chùa Phổ Minh (Nam Định), nơi có vạc Phổ Minh – tứ đại khí.
Chùa Phổ Minh (Nam Định), nơi có vạc Phổ Minh – tứ đại khí.

Sử sách ghi lại, một hôm, vua Lý nói với Không Lộ: “Bạch thiền sư, ta muốn trang bị phẩm vật cho tất cả các chùa trong nước, nhưng trong nước không có nguyên liệu đồng đen. Ta nghe rằng vua Trung Hoa là Phật tử nhiệt tâm và thường cúng dường các sư. Ta muốn thỉnh sư sang gặp vua Trung Hoa và lạc quyên đồng về”.

Không Lộ đồng ý lên đường, và rồi sau nhiều ngày đi bộ vượt núi, xuyên rừng, qua sông… Không Lộ tới kinh đô nước Trung Hoa. Khi nhà sư khổng lồ xuất hiện ở cung điện, vua Trung Hoa hỏi: “Bạch hòa thượng, ngài từ đâu tới? Ta có thể cúng dường gì cho ngài?”.

Không Lộ trả lời: “Sư muốn có một ít đồng đen đề về đúc làm phẩm vật cho các chùa trong nước”. Nghĩ rằng nhà sư mang theo nhiều người, vua hỏi: “Bạch hòa thượng, quý quốc cần bao nhiêu đồng? Thầy mang theo bao nhiêu người?”.

Sư Không Lộ nói: “Sư tới đây một mình, và chỉ xin đồng cho đủ túi xách này”. Vua nhìn chiếc túi xách nhỏ nói: “Thầy có mang cả trăm túi xách, ta cũng sẵn sàng để thầy lấy đồng đủ cả trăm túi”.

Rồi vua ra lệnh một nội thị dẫn sư tới kho vua với lời hứa rằng sư Không Lộ có thể lấy bao nhiêu tùy sức mang về. Trên đường vào nhà kho, có một sân rất rộng trên đó có một tượng trâu vàng, lớn như ngôi nhà và sáng chói như mặt trời.

Quan giữ kho chỉ vào trâu vàng và nói giỡn với nhà sư: “Bạch thiền sư, có cần trâu vàng này không?” Không Lộ đáp: “Không, ta chỉ cần một ít đồng đen thôi”. Trong khi viên quan kinh ngạc nhìn, Không Lộ đưa tất cả đồng đen trong kho rất lớn vào túi xách của sư, móc vào đầu gậy và bước ra.

Quan giữ kho vội vã trình báo lên vua rằng đồng bị lấy cả rồi. Vua Trung Hoa không bao giờ ngờ có chuyện như thế; vua hối tiếc, ra lệnh 500 binh mã đuổi theo để chặn bắt nhà sư lại.

Sau khi vượt 300 dặm với túi nặng trên vai, Không Lộ nghe tiếng lính kỵ binh Trung Hoa hò hét từ phía sau. Tới một dòng sông lớn, nhà sư nhìn lại, thấy đoàn lính phóng ngựa gần tới giữa đám mây bụi mịt mù.

Không Lộ bước đi trên mặt sông. Tới giữa sông, nhà sư quay lưng lại, nói với các binh sĩ vừa dừng ngựa ở bờ sông: “Ta muốn gửi lời cảm ơn tới vua Trung Hoa và ta hy vọng đã không làm phiền tới quý vị”.

Trở về kinh đô nhà Lý, Không Lộ kể lại cho nhà vua về chuyến đi. Vua yêu cầu sư lấy đồng để làm bốn bảo khí (tứ đại khí) có thể trường tồn nhiều ngàn năm. Không Lộ mời các thợ đồng giỏi nhất nước tới làm việc, và chia đồng làm bốn phần.

Trước tiên, Không Lộ xây một cái tháp chín tầng, đặt tên là tháp Báo Thiên. Ngôi tháp đứng cao vút giữa kinh đô, dân nơi này từ các hướng đều thấy tháp rõ ràng. Kế tiếp, sư đắp một pho tượng Phật cao sáu trượng (khoảng 20 mét), và một chiếc đỉnh lớn với chu vi bằng 10 người ôm.

Tượng thờ thiền sư Không Lộ.
Tượng thờ thiền sư Không Lộ.

Thánh tổ nghề đúc đồng

Sau khi dùng số đồng còn lại làm chuông, Không Lộ đánh chuông, tiếng ngân vang xa tới tận Trung Hoa. Bị đánh thức bởi tiếng chuông, tượng trâu vàng trước kho vua Trung Hoa bỗng đứng chồm dậy và phóng về hướng Nam nhiều ngàn dặm. Thấy chuông mới đúc xong, trâu vàng ngửi ngửi rồi nằm xuống kế bên chuông.

Không Lộ lo ngại chiến tranh có thể bùng nổ nếu vàng chảy vào Đại Việt. Thiền sư nói với nhà vua, và được cho phép ném quả chuông khổng lồ để tránh một cuộc chiến có thể xảy ra.

Một hôm, Không Lộ xách quả chuông lên núi, ném chuông xuống Hồ Tây. Chuông bay cao lên không, và rơi ùm vào hồ. Nghe tiếng chuông bay, trâu vàng phóng theo tiếng chuông và nhảy vào Hồ Tây, từ đó nơi đây còn được gọi là hồ Trâu Vàng.

Sau khi viên tịch, thiền sư Không Lộ được thờ như vị thần bảo hộ cho thợ đúc đồng. Và cho đến nay, nhiều làng nghề đúc đồng truyền thống vẫn tôn kính thờ Không Lộ thiền sư là Thánh tổ nghề.

Nhiều làng đúc đồng tôn kính Không Lộ làm Thánh tổ bảo trợ.
Nhiều làng đúc đồng tôn kính Không Lộ làm Thánh tổ bảo trợ.

Nghìn năm tranh luận Không Lộ - Minh Không

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, căn cứ theo tài liệu sử sách về thân thế, sự nghiệp của hai vị Thánh tăng Không Lộ - Minh Không thì hai thiền sư là hai người khác biệt, có tiểu sử rõ ràng. Vì có nhiều điển tích trùng hợp đến khó tin nên nhiều người luôn bị nhầm lẫn.

Cả hai thiền sư đều là Quốc sư đời Lý nhưng theo lịch sử thì Dương Không Lộ là Quốc sư đời vua Lý Thánh Tông, còn Nguyễn Minh Không là Quốc sư đời vua Lý Thần Tông. Theo kiến giải, thiền sư Minh Không thuộc thế hệ sau Không Lộ. Không Lộ ở thế hệ cùng với Giác Hải và Từ Đạo Hạnh.

Cả hai vị, ngoài tài năng đức độ phi phàm của bậc thiền sư thì còn là thần y, đều đã từng chữa khỏi bệnh cho hai vua Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông. Hai thiền sư đều được vua phong Quốc sư, được tín ngưỡng dân gian phong thần, gọi Đức Thánh tổ.

Tuy nhiên, có lẽ vô cùng cảm kính đức độ, tài năng của hai vị thiền sư mà truyền thuyết dân gian về thiền sư Minh Không đôi khi có sự đồng nhất với thiền sư Không Lộ. Chẳng hạn Văn bia tại chùa Cổ Lễ (Trực Ninh – Nam Định) đồng nhất Minh Không cùng thời với Giác Hải và Từ Đạo Hạnh và gọi đó là “Nam Thiên tam vị Thánh Tổ”.

Tương tự, Không Lộ thiền sư ký ngữ lục lưu giữ tại chùa Keo (Thái Bình) thuật lại tiểu sử Dương Không Lộ, chỉ khác tên họ, quê quán, còn lại sự tích hoàn toàn trùng khớp với thiền sư Minh Không.

Không chỉ trong tâm thức dân gian, đôi khi các tài liệu chính sử cũng có những kiến giải gần như đồng nhất hai vị thiền sư. Chẳng hạn, trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” hoàn toàn không có nhân vật Dương Không Lộ, chỉ thấy 3 đoạn ghi chép về đại sư Minh Không.

Cho đến nay, sau nhiều nghiên cứu thì kết quả vẫn không rõ ràng. Ngay cả nơi sinh, quá trình tu đạo và hành đạo của hai thiền sư cũng hòa vào nhau. Nhiều Phật tử dù rất am hiểu nhưng đôi lúc cũng không phân biệt được giữa thiền sư Không Lộ - Minh Không. Và thậm chí, hai thiền sư lại cùng được tôn là Thánh tổ nghề đúc đồng.

“Trong tâm thức dân gian, Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không hầu như được đồng nhất với nhau, còn trong các tài liệu, thư tịch cổ lại có các quan điểm khác nhau: Một số tư liệu, thư tịch cổ và ý kiến của một số nhà nghiên cứu cho rằng Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là người khác biệt, có tiểu sử rõ ràng, cả hai ông đã từng chữa khỏi bệnh cho hai vua Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông”. Đại đức Thích Tâm Hiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ