Ông Được "đen" coi việc vớt xác cứu người là cái nghiệp của đời mình
Chúng tôi đến bãi giữa vào giữa trưa. Sông Hồng sau bão nước cuồn cuộn đục ngầu. Xóm “ngụ cư” vắng vẻ, heo hút. Gia đình ông Được cùng vài người hàng xóm đang ăn cơm. Đĩa rau muống luộc với cá khô chưng nước mắm đã được coi là bữa cơm “khá giả” ở xóm “ngụ cư” này.
Ăn cơm xong, pha ấm chè, ông Được bắt đầu chia sẻvề câu chuyện của riêng ông và của người dân trong xóm.
25 năm “cướp cơm” của Hà BáNhìn dáng người loắt choắt, gầy nhom, làn da đen thẫm, không ai nghĩ ông Được có thể bơi đến tận ngã ba sông Thái Bình, Nam Định để vớt xác cứu mạng, cứu rỗi linh hồn của trăm người trôi sông.
Hơn 20 năm qua, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, ông làm công việc đó một cách vô tư, không tính toán, không mong được đáp đền. “Tôi không nhớ đã vớt xác của bao nhiêu người, nhưng tôi chưa bao giờ gọi đó là “nghề”. Đò là nghiệp thì đúng hơn. Nghề nghĩa là làm việc để kiếm sống, để làm giàu, nhưng tôi làm việc đó chỉ là do lương tâm mách bảo”, ông Được nói, giọng cương quyết.
Vân vo những sợi thuốc lào, hít một hơi thật dài như để có thời gian ngẫm lại việc mình làm, ông trầm ngâm kể: “Cách đây vài năm, có người cho tôi 30 triệu để trả ơn vì cứu được con gái của họ. Tôi trả lại và nói rằng, nếu bán mạng của con gái anh với giá 30 triệu tôi không bán, nếu anh có đủ trên 100 triệu để mua lại thì hãy đưa cho tôi. Anh ta rút tiền lại và không dám nói gì đến tiền nong nữa”.
Ông cũng kể, thực ra có nhận từ người nhà nạn nhân dăm chục, một trăm, vì vốn đã “cướp miếng ăn” của Hà Bá thì phải mua đồ tế lễ trả lại, không Hà Bá sẽ nổi giận.
Có trường hợp do mâu thuẫn với vợ mà người chồng đã ôm hai đứa con mới 3 và 5 tuổi nhảy cầu Chương Dương tự tử. Do có một mình nên tôi cứu 2 cháu bé. Lúc đó hai đứa bé bám vào vai tôi, ông bố hoảng quá cũng bám theo. Tôi nghĩ mình sẽ chết theo họ. Cả 4 người bám vào nhau trôi xuống tận Bạch Đằng, may quá công an đường sông cho ca nô ra cứu cả bốn người vào”. Từ đó, vớt xác cứu người trở thành công việc thường xuyên của ông.
Có những người trôi trên sông ông thấy mà cứu giúp, có những người do người thân đến nhờ ông tìm. Ông kể, có lần để cứu cô gái 20 tuổi tự tử, ông phải xuống tận ngã ba sông Thái Bình, Nam Định nhưng vẫn không thấy. “May thay, tới hôm thứ tư, đang nằm ngủ trưa trên mui thuyền thì tôi mơ thấy cái xác trôi qua liền dang tay ra chộp thì nhào xuống sông. Linh cảm thấy cái xác chưa thể trôi qua đây, tôi bảo mọi người cho thuyền quay lại một đoạn thì thấy xác con bé nằm vướng bụi cỏ lau”. Đó cũng là vụ cứu người khiến ông cảm thấy “rùng mình” nhất.
Có nhiều xác chết trong người có giấy từ tùy thân, ông tìm cách liên hệ để người nhà đến nhận lại, mang về nhà làm làm đám tang. Nhưng có những người ông vớt lên vô thừa nhận, ông mang chôn cất, hương khói.
Vài năm trước, nghĩa trang bãi giữa đã chôn đến 40-50 người nhưng do đất lở, lũ tạt nên không còn nữa. “Nay chỉ còn mộ 3 người là 2 cô gái trẻ, giờ người ta xây thành miếu Hai cô và mộ anh thanh niên ở trong bụi chuối”, ông Được cho biết.
Làm nhiều việc ý nghĩa như vậy, nhưng ông chưa từng nghĩ sẽ kiếm tiền, tồn tại từ những công việc đó. “Thương người như thể thương thân thì tôi làm chứ công cán gì đâu. Trục lợi thì tôi đã không nghèo như bây giờ. Tôi chỉ nghĩ rằng, mình làm phúc để cứu người gặp nạn, tự tử hay dù đã chết cũng phải đưa họ vào bờ làm một phần mộ cho họ yên nghỉ. Đã là việc tốt thì không có gì phải sợ sệt cả”, ông nói vẻ mặt toát lên vẻ phúc hậu. Điều đó giải thích tại sao khắp vùng bãi giữa sông Hồng không ai không biết đến ông Được.
Xóm "ngụ cư" bãi giữa đến nay vẫn chưa được công nhận thuộc quyền quản lý của chính quyền |
“Linh hồn” của xóm ngụ cư ven sông Hồng
“Dị nhân” Nguyễn Đăng Được sinh năm 1946 tại Thái Lan. Năm 1957 cùng bố hồi hương về Bố Trạch, Quảng Bình. Năm 1968 ông rời quê nhập ngũ, chiến đấu, đóng quân ở chiến trường Lào, Campuchia. Khi đó tiểu đội ông có 5 người, trên đường hành quân bị thổ phỉ phục kích, 3 đồng đội hy sinh, còn ông và một đồng đội khác bị thương nặng lạc giữa rừng. Không may mắn, người đồng đội của ông không thể qua khỏi.
Không tìm thấy lối trở về đơn vị, ông Được vô tình trở thành người đã hy sinh, gia đình ông nhận được giấy báo tử và bia mộ liệt sĩ đặt di ảnh ông được lập ở nghĩa trang quê nhà.
Về phía ông, sau khi tìm được đường về Việt Nam, ông quyết định ở lại Hà Nội thay vì trở lại quê hương. Sau một thời gian phiêu bạt chốn này, chốn nọ ông đến Hà Nội trong tình trạng đói khát, nhiều người thương mà cho miếng ăn.
Thời gian đầu ông làm đủ thứ việc để có miếng ăn qua ngày, bới rác, bán đồng nát, mò mẫm quanh các khu chợ ai mướn gì làm nấy. Mò mẫm tìm chốn ngủ, chỗ nương thân, cuối cùng ông được ra bãi giữa và quyết định dựng lều sống ở đây.
“Tôi bắt đầu sống ở đây từ năm 1989, là người độc thân đầu tiên ngụ cư cạnh sông Hồng này. Sau rồi nhiều người lang thang, cơ nhỡ từ các vỉa hè, góc chợ cũng tìm được xuống đây. Chúng tôi sống nương tựa vào nhau. Trên mảnh đất này, tôi đã lấy vợ và sinh con”, ông Được ngậm ngùi chia sẻ.
Năm 2008, câu chuyện ông bị thất lạc được đưa lên sóng truyền hình “Như chia hề có cuộc chia ly”. Gia đình nhận ra, đưa về đoàn tụ. Ông Được quay trở lại Quảng Bình, với niềm hi vọng từ nay sẽ có quê, có chốn sống ổn định, yên bình. Chính quyền nhận ra ông, bia liệt sĩ bị gỡ bỏ nhưng họ cần ông chứng minh rằng suốt mười mấy năm qua ông sống ở đâu, đã làm gì.
Tuy nhiên, không được chính quyền phường Ngọc Thụy, nơi ông sinh sống hiện tại xác nhận là người của phường nên ông cũng không được chính quyền quê gốc công nhận. “Họ cần một nhân chứng sống nhưng tôi không đủ điều kiện để tìm lại đồng đội, chính quyền nơi tôi đang sống lại không chấp nhận”, ông nói mặt buồn rười rượi. Thế là ông phải quay ra Hà Nội tiếp tục kiếp sống “chui”.
Đến nay, ông Được coi như người “nổi tiếng” khắp bãi giữa, lan rộng ra phường với những hành động hiệp nghĩa, được mọi người quý mến, xóm “ngụ cư” cũng đã có 28 gia đình. Tuy nhiên, sau nhiều lần kêu gọi, đề xin, ông cùng dân trong xóm vẫn chưa được chính quyền phường công nhận.
Suốt mấy chục năm ngụ nơi bãi giữa, ông Được như là “linh hồn” của xóm nghèo ven sông Hồng. Mang tiếng là “dân ngụ cư”, dân làm nhờ ở đậu, ban đầu cả xóm chịu sự kỳ thị khắc nghiệt của dân sống quanh bãi giữa. Là người đến đầu tiên, người có học thức nhất vùng ngụ cư bãi giữa, ông Được đứng lên vận động mọi người thành lập đội tự quản, sống trong quy tắc, lề thói chung. Từ đó, mọi người sống có tổ chức và ít bị khinh thường hơn.
Cả xóm có 28 nóc nhà, những người trong gia đình đến từ 28 tỉnh khác nhau. Để có miếng ăn họ đều phải lang thang, ai thuê gì làm đó. Trước tình cảnh đó, ông Được quyết định đến từng nhà có đất ở bãi giữa, thuyết phục họ cho thuê đất để canh tác. Ông trồng chuối, trồng rau, hoa màu để lấy tiền trả phí thuê đất.
“Mỗi năm với hơn 1 héc ta đất, tôi đóng cho họ 15 triệu đồng. Nhưng chỉ thu mỗi gia đình trong xóm 50.000đ/năm. Họ không biết nhiều về làm nông nghiệp nên chỉ trồng ít rau cỏ, thu tiền để họ có ý thức đóng góp cho tập thể, có ý thức tự bảo vệ mình”, ông Được chia sẻ.
Ông xin tài trợ làm được sân chơi trẻ em và đang trong quá trình tìm kiếm sự hỗ trợ xây nhà văn hóa. Tuy nhiên vì chưa được công nhận là dân ở phường nên việc xin tài trợ rất khó khăn.
“Ông bà, bố mẹ chưa có quyền công dân, không có xác nhận quê quán, nên những đứa trẻ sinh ra vẫn chưa được làm giấy khai sinh, chưa được hưởng chế độ, quyền lợi của trẻ em”, ông Được nhìn mấy đứa trẻ đang nô đùa nói. Trẻ ở đây, khi sinh ra hoặc theo họ mẹ hoặc theo họ bố, tùy thuộc vào ai là người có đăng ký quê gốc. Nhưng hầu hết chúng chưa có khai sinh vì bố mẹ đều là những người vì cơ nhỡ mà trôi dạt về bài giữa này.
Ngày đêm trăn trở về điều này, ông Được mong muốn: “Tôi mong được chính quyền công nhận chúng tôi thuộc quyền quản lí của phường. Có như vậy, mọi người trong xóm mới có quyền công dân, được đảm bảo quyền lợi con người”.