Truyện cổ…biên tập thời hiện đại!

Truyện cổ…biên tập thời hiện đại!

(GD&TĐ) - Vừa hết giờ làm ở cơ quan về đến nhà, tôi đã thấy cô con gái bé bỏng 2 tuổi rưỡi chạy ra khoe quyển truyện “Cô bé tí hon” mẹ cháu vừa mua làm quà cho cháu nhân ngày 01/6.

Dù hơi mệt nhưng cháu háo hức đòi bố đọc ngay nên tôi đồng ý. Câu chuyện kể về cô bé tí hon “không lớn hơn ngón tay cái” được sinh ra từ “một bông hoa” của “cây lúa mạch”. Sau những ngày vui ngắn ngủi cùng mẹ, cố bé rơi vào tay gia đình hai mẹ con mụ cóc già xấu xí. Được lũ cá, đàn ong cứu thoát; được chuột nhắt, chuột chũi nuôi sống rồi lại được chim nhạn đưa tới “một vùng ấm áp” với hoa thơm, cỏ lạ và một chàng hoàng tử khôi ngô sống “ở trong những cánh hoa”. Câu chuyện kết thúc khi chàng hoàng tử cưới “cô bé tí hon” và có một cuộc sống hạnh phúc.

Truyện
Truyện "Cô bé Tí Hon"/ảnh: Internet

Thú thực, tôi không nhớ nổi mình đã đọc câu chuyện cổ như thế này bao giờ hay chưa nên cũng không rõ xuất xứ của nó. Xin không bàn về nội dung ý nghĩa của câu chuyện bởi chỉ mới đọc khoảng chục dòng, tôi đã phải vừa đọc, vừa cắt xén, biên tập để kể cho con gái. Tôi xin được lý giải rõ hơn về “cái việc biên tập bất đắc dĩ” của mình.

Câu chuyện bắt đầu bằng việc người đàn bà hiếm con, nghe lời mụ phù thủy “trồng hạt lúa mạch vào một cái lọ” để rồi “ít lâu sau cái cây nở ra một bông hoa đẹp”. Đây là một cách kể chuyện nhảy cóc rất khó hiểu với trẻ. Sau khi bông hoa nở - bé gái được sinh ra, để đặt tên và tả vóc dáng nhỏ bé của cô bé, truyện viết: “Vì thế cô gọi tên là cô bé Tí Hon và được đặt trong chiếc nôi làm bằng một nửa vỏ quả óc chó”. Một câu văn ngô nghê cả về ngữ và nghĩa.

Tiếp đó, các đại từ nói về Tí Hon được sử dụng lẫn lộn chỉ trong một đoạn văn ngắn, thậm chí là trong một câu khiến người đọc như đang ăn nhai phải sạn: “Cô bé ngủ ở đó vào ban đêm còn suốt cả ngày thì em chơi cùng với mẹ. Mẹ em dạy cho em thật nhiều trò chơi. Khi cô bé đi dạo trong vườn, đó thật là một cảnh đẹp, ở đó em chỉ cao bằng ngọn cỏ. Cô bé cất tiếng hát, giọng nhỏ nhẹ du dương, chưa ai từng nghe thấy.” (trang 3).

Có khá nhiều câu văn lê thê, lủng củng, khó hiểu như chưa hề được được biên tập trong câu chuyện cổ dành cho thiếu nhi này: “Thế rồi một đêm, mụ cóc già nham hiểm nhảy qua cửa sổ, vào nhà chộp vỏ quả óc chó có Tí Hon đang ngủ ở trong, vội vàng ôm với cô bé nhảy qua cửa sổ ra ngoài” (trang 4); “Chúng (những con cá) xúm lại trong nước, quanh chiếc cuống xanh đỡ chiếc lá Tí Hon đang đứng, rồi dùng răng gặm đứt nó.” (trang 6); “Cô bé nghĩ rằng mình quá xấu nên thậm chí những con ong cũng không thích mình. Tí Hon vẫn ở đó một mình trong rừng… Mùa hè đó Tí Hon sống một mình trong rừng.” (trang 7, 8); “Cô bé mảnh khảnh đến nỗi gần như sắp bị chết cóng đến nơi” (trang 8); “… có một con chim nhạn đang nằm, trông như thể đã chết. Nhưng con chim nhạn này không chết mà chỉ bị tê cóng vì lạnh. Cô bé yêu mến tất cả các loài chim… Cô bé rất buồn khi thấy xác chim nhạn trong ngôi nhà của chuột chũi.” (trang 11). Bên cạnh đó, từ ngữ cũng được sử dụng khá tùy tiện, không hợp với ngữ cảnh, với văn phong truyện cổ và nhận thức của trẻ đại loại như: “Chuột ta là một sinh vật tốt bụng”, “thậm chí”, “ít phút sau”, “nó giải thích với cô bé”, “chim nhạn đậu trên ành cây và hót bằng cả tâm hồn mình”. Cách dẫn dắt truyện thì rời rạc, thiếu logic đến người lớn cũng khó mà hiểu nổi chứ chẳng nói trẻ em. Khi những con ong bay đi và bỏ Tí Hon lại trên cây thì không biết bằng cách nào để cô bé có thể “sống một mình trong rừng”, rồi còn “phải đi bộ hồi lâu để tìm chỗ trú tạm”. Sau tình tiết chuột chũi muốn lấy cô bé làm vợ là một đoạn văn dài kể về chim nhạn sắp chết, được cứu sống, bay đi và quay trở lại, câu chuyện mới tiếp tục mạch truyện chuột chũi muốn cưới Tí Hon bằng câu: “Cô cất tiếng thở dài nhẹ nhõm và nói với chim rằng cô không thấy hạnh phúc vì đám cưới này”.

Có thể nói, một truyện cổ khoảng hơn 1.500 từ, được trình bày bìa và hình ảnh minh họa khá đẹp và được kiểm duyệt bởi Nhà xuất bản Văn học uy tín (đầy đủ địa chỉ, điện thoại, email; “ban bệ” chịu trách nhiệm xuất bản, chịu trách nhiệm nội dung và cả Giấy đăng ký KHXB số 82-2010/CXB/123-01/VH trang cuối sách) mà xem qua đã có không ít “tì vết” như trên là thật khó chấp nhận. Độc giả nhỏ tuổi sẽ nhận được gì, học được gì sau khi đọc xong những cuốn sách như thế này. Những ông bố, bà mẹ quan tâm đến sự phát triển tâm hồn, trí tuệ con em mình như chúng tôi đang trông chờ vào trách nhiệm của những người trong cuộc.

Nguyễn Bá Thạc

Vụ pháp chế Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.