Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên

GD&TĐ - Chiều 21/12, Bộ GD&ĐT tổ chức diễn đàn Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2020.

Các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn.
Các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, HSSV đã nhận được những chia sẻ thú vị của các anh chị doanh nhân, qua đó tích lũy được thêm các khí thế, kinh nghiệm cho bản thân mình để sẵn sàng hình thành tinh thần của người khởi nghiệp, đối mặt với những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Khởi nghiệp hiện nay là một khái niệm khá phổ biến đối với giới trẻ và đặc biệt là đối với các bạn học sinh, sinh viên là những người trẻ với nhiều khát vọng và ý tưởng sáng tạo.

Trong giai đoạn trước đây trong các trường đại học, đa phần các bạn sinh viên chỉ quan tâm đến vấn đề học tập và rèn luyện thật tốt để tích lũy kiến thức kỹ năng, thái độ và mong muốn ra trường tìm được việc làm phù hợp với năng lực bản thân. Nhưng trong một số năm trở lại đây, suy nghĩ của các sinh viên đã có nhiều thay đổi.

Thay vì việc học tập tốt, có đạo đức, nhân cách tốt để ra trường có việc làm, một số bạn đã bắt đầu nghĩ đến việc quyết tâm học tập và tạo dựng sự nghiệp riêng của chính mình ngay sau khi tốt nghiệp, thậm chí có những bạn sinh viên đã có thể kinh doanh và thành lập doanh nghiệp ngay khi còn ngồi trên giảng đường của trường đại học.

Các doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp.
Các doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp.

Kết quả đó phần nào thể hiện được kết quả ban đầu của quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc sớm thúc đẩy Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Trọng trách để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho một số Bộ, ngành triển khai thực hiện việc này.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025 (Quyết định 844) và Bộ GD&ĐT được giao triển khai Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (Đề án 1665).

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, từ năm 2017 đến nay, Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai rất nhiều nhiệm vụ giải pháp nhằm từng bước thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các nhà trường từ các bậc phổ thông cho đến bậc học đại học.

Một trong những nội dung quan trọng mà Bộ GD&ĐT quan tâm triển khai trong thời gian qua là tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Bởi đối với yếu tố đầu tiên quan trọng cần có đó là tinh thần khởi nghiệp cho người khởi nghiệp.

Nhiều thông điệp về khởi nghiệp đã được lan tỏa mạnh mẽ đến HSSV.
Nhiều thông điệp về khởi nghiệp đã được lan tỏa mạnh mẽ đến HSSV.

Để thực hiện được nội dung trên trong quá trình xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và Chương trình mới ban hành 2018, nhiều nội dung về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được tích hợp lồng ghép trong chương trình. Luật Giáo dục 2019 cũng đã có nội dung này.

Bên cạnh đó, năm 2020 Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các đơn vị triển khai Chuỗi hành trình người khởi nghiệp tại hơn 20 trường đại học và 5 trường phổ thông tại các địa phương. Chương trình đã được các nhà trường, địa phương đón nhận một cách tích cực và thu hút được sự quan tâm đông đảo của HSSV.

Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ 3 - năm 2020, Diễn đàn được tổ chức với mục đích hỗ trợ các bạn HSSV có cơ hội được giao lưu, chia sẻ với các doanh nhân thành đạt. Tại diễn đàn, các bạn HSSV nhận được những chia sẻ thú vị của các doanh nhân để tích lũy kinh nghiệm, sẵn sàng hình thành tinh thần của người khởi nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.