Truyền cảm hứng cho thầy trò qua hoạt động vui tươi đầu năm học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, khai giảng năm học 2022 - 2023 được các địa phương, cơ sở giáo dục lên kế hoạch tổ chức theo hình thức trực tiếp, tạo dấu ấn đẹp cho học sinh (HS) trước năm học mới. Một số hoạt động đầu năm học cũng được lưu ý nhằm ổn định, duy trì nền nếp học tập ngay sau khai giảng.

HS Trường THPT Bình Minh (Hoài Đức, Hà Nội) tổng kết hoạt động hè và chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới.
HS Trường THPT Bình Minh (Hoài Đức, Hà Nội) tổng kết hoạt động hè và chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới.

HS là trung tâm

Tại Trường THPT Bình Minh (Hoài Đức, Hà Nội), lễ khai giảng sẽ được tổ chức ngắn gọn theo hướng lấy HS làm trung tâm, là chủ thể. Chia sẻ của TS Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng nhà trường, mọi hoạt động của buổi lễ đều gắn với sự khích lệ, chuẩn bị và sẵn sàng của thầy trò cho năm học mới. Các hoạt động như: Đón HS đầu cấp, trao cờ truyền thống, phát biểu, văn nghệ do HS thực hiện và chiếm phần lớn thời gian của buổi lễ.

Ngay cả diễn văn khai giảng của hiệu trưởng cũng được chuẩn bị theo hướng ngắn gọn, truyền cảm hứng, chứ không theo hình thức báo cáo, kế hoạch. Đầu năm học, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm và giáo dục kỹ năng sống để giúp các em chủ động, tích cực trong học tập, đáp ứng tốt các yêu cầu của Chương trình GDPT mới.

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Lâm Xa - thị trấn Cành Nàng (Bá Thước, Thanh Hóa) đón 39 HS lớp 1. Là trường vùng khó, quy mô nhỏ, nhưng không vì thế mà chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới kém rộn ràng. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Long, ngày khai giảng luôn để lại nhiều dấu ấn khó phai trong ký ức mỗi HS; cảm xúc ngày đầu năm học mới cũng sẽ truyền cảm hứng cho cả giáo viên và phụ huynh HS.

Chính vì vậy, nhà trường động viên các thầy cô chuẩn bị chu đáo trong buổi lễ khai giảng, từ trang trí trường lớp học đến tiết mục cho phần hội, như: Trò chơi dân gian, thi kéo co, đánh mảng, thi bao bố, đi xe đạp chậm, những câu đố vui, thi kể chuyện và nhiều hoạt động khác để tạo cho HS niềm hứng khởi khi bắt đầu năm học mới.

Thời điểm này, HS Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã quay trở lại trường đầy đủ sau kỳ nghỉ hè dài. Thầy Hiệu trưởng Đinh Tiến Hoàng thông tin, cả thầy và trò đang hào hứng chuẩn bị cho khai giảng năm học mới.

“HS của trường chủ yếu là người dân tộc Mông, Thái, Khơ-mú… nên phần hội lễ khai giảng sẽ thể hiện được sắc màu đặc trưng của các dân tộc; một trong những tiết mục chủ đạo là HS múa đồng diễn toàn trường bài “Vũ điệu đoàn kết” - tác phẩm thể hiện tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em” - thầy Đinh Tiến Hoàng chia sẻ.

Ngày khai giảng 5/9, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Kim Bon (huyện Phù Yên, Sơn La) tổ chức tại điểm trường trung tâm. Theo thầy Hiệu trưởng Cầm Văn Thân, HS các điểm lẻ được đưa ra điểm trung tâm cùng dự khai giảng năm học mới. Trước đó, nhà trường đã đón HS ở bán trú để bắt đầu học tập từ ngày 23/8. Mọi công tác sắp xếp chỗ ăn ở cho HS được chuẩn bị chu đáo.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Nhanh chóng ổn định nền nếp học tập

Sau khai giảng, Sở GD&ĐT Hòa Bình yêu cầu các cơ sở giáo dục nhanh chóng ổn định và duy trì nền nếp học tập. Một số nội dung được Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Kim Tuyến lưu ý: Tổ chức cho HS học tập về truyền thống nhà trường; học tập nội quy, quy chế, quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Tổ chức tốt “Tuần sinh hoạt tập thể đầu năm học” theo các văn bản đã hướng dẫn.

Các hoạt động đầu năm học tổ chức cần phù hợp với lứa tuổi HS, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương. Ban hành kế hoạch giáo dục của nhà trường trong cả năm học bảo đảm nội dung, chương trình giáo dục theo quy định. Tổ chức cho các tập thể và cá nhân đăng ký thi đua năm học 2022 - 2023.

Các trường học tại Hòa Bình cũng được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học. Tổ chức tặng sách giáo khoa cho thư viện trường học, bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho HS, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.

Quan tâm chỉ đạo các trường, điểm trường vùng đặc biệt khó khăn, phối hợp với tổ chức, đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt công tác 3 đủ đối với HS. Tuyệt đối không để HS vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở mà không đến trường học tập. Quan tâm những HS là con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh, HS là người dân tộc thiểu số, HS nghèo, mồ côi, HS khuyết tật để các em được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước…

Tại Vĩnh Long, các cơ sở giáo dục tổ chức “Tuần tựu trường” từ ngày 29/8 đến 1/9, tùy điều kiện của mỗi đơn vị. Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết, trong thời gian này, các trường giới thiệu, tổ chức cho HS tìm hiểu về trường. Phổ biến các Thông tư của Bộ GD&ĐT có liên quan đến HS; những quy định, nội quy nhà trường HS cần tuân thủ khi vào học.

Giới thiệu với HS những nét cơ bản về chương trình giáo dục tổng thể, chương trình của từng môn học; sách giáo khoa... Hướng dẫn phương pháp học tập để các em có định hướng nhất định, hạn chế bỡ ngỡ khi vào học chính thức. Thực hiện công tác tổ chức lớp; tổng vệ sinh trường lớp, trang trí phòng học; tổ chức các hoạt động đoàn thể, chủ nhiệm, chuyên môn phù hợp và cần thiết khác.

“Những hoạt động này giúp HS, nhất là trẻ đầu cấp, làm quen, xây dựng những mối quan hệ mới để sớm hòa nhập với môi trường học tập; khơi dậy và nuôi dưỡng tình cảm tốt đẹp, niềm tin của học sinh đối với trường, lớp, thầy cô và bạn bè. Qua đây, các em cũng sớm nắm bắt nội dung chương trình, phương pháp học tập để có sự chuẩn bị và tâm thế học tập hiệu quả; nâng cao nhận thức về truyền thống nhà trường... Tuần tựu trường cũng giúp HS hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, ý thức trách nhiệm của mình và rèn một số kỹ năng cần thiết khi bước vào năm học mới” - ông Trịnh Văn Ngoãn chia sẻ.

Tại Hòa Bình, các trường học đồng loạt tổ chức khai giảng vào 5/9 theo hình thức tập trung; đồng thời bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Kim Tuyến thông tin, lễ khai giảng gồm 2 phần: Lễ và hội. Phần “lễ” tổ chức trang trọng, ngắn gọn, hiệu quả, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho cán bộ, giáo viên và HS. Phần “hội”, các đơn vị, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với Ban đại diện cha mẹ HS tổ chức các hoạt động tập thể vui chơi lành mạnh, ấn tượng, như văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ