Truy tìm 'sát nhân máy bán hàng tự động'

GD&TĐ - Vào năm 1985, hàng chục người Nhật Bản qua đời chỉ vì uống nước miễn phí lấy từ máy bán hàng tự động. Nguyên nhân vụ án vẫn chưa làm sáng tỏ.

Máy bán hàng tự động là hình thức mua sắm phổ biến tại Nhật Bản.
Máy bán hàng tự động là hình thức mua sắm phổ biến tại Nhật Bản.

Chất độc trong chai nước giải khát

Sáng 30/4/1985, ông Haruo Otsu, 52 tuổi, sống tại thành phố Fukuyama, tỉnh Hiroshima, phía Tây Nhật Bản đi câu cá và dừng lại dọc đường để mua nước ở máy bán hàng tự động. Tại Nhật Bản, ngay từ những năm 1980, người dân đã rất chuộng và thường xuyên mua hàng từ máy bán hàng tự động.

Trong những thứ ông mua có hai chai nước nhỏ tên là Oronamin C, một loại nước trái cây giàu vitamin tương đối phổ biến tại Nhật Bản vào thời điểm đó. Tuy nhiên, uống được nửa chai thứ 2, ông Otsu cảm thấy buồn nôn và đau bụng dữ dội. Vài giờ sau, ông được đưa đến Bệnh viện thị trấn Tondabayashi.

Kết quả chẩn đoán cho thấy ông Otsu đã uống phải Paraquat. Đây là một loại hóa chất thuộc nhóm chất diệt cỏ tác dụng nhanh và không có chọn lọc, có thể ăn mòn, phá hủy các tế bào phổi, thận, gan, tim... Paraquat rẻ tiền, không ảnh hưởng đến môi trường nhưng cực kỳ nguy hiểm đối với con người.

Nếu uống phải 10 - 15ml Paraquat, một người trưởng thành có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Do vậy, tỷ lệ tử vong của ngộ độc Paraquat cao trung bình từ 70 - 90%. Tại Nhật Bản, các nhà chức trách sử dụng hóa chất này để diệt cần sa.

Dù được cứu chữa kịp thời, ông Otsu qua đời một ngày sau đó. Hai chai Oronamin C được kiểm tra nhưng không phải hàng giả. Các nhà điều tra cũng không biết rõ nguồn gốc của các chai nước tại máy bán hàng tự động mà ông Otsu đã mua. Do đó, vụ án nhanh chóng trở nên nguội lạnh.

Năm tháng sau, vào ngày 11/9, nạn nhân thứ hai được phát hiện. Người đàn ông này cũng uống một chai Oronamin C mua ở máy bán hàng tự động và qua đời sau đó 3 ngày cũng vì Paraquat. Một ngày sau, một nam sinh viên trở thành nạn nhân thứ ba.

Tuy nhiên, cảnh sát Nhật Bản thời điểm đó không thể xâu chuỗi các vụ án bởi thực tế là nạn nhân được chọn ngẫu nhiên, ở nhiều địa điểm khác nhau. Các máy bán hàng tự động nằm ở những khu vực yên tĩnh, ít người qua lại hoặc không có camera giám sát. Cuộc điều tra bị cản trở. Cảnh sát thừa nhận, không có đầu mối để lần theo.

Một tuần sau đó trôi qua vô cùng yên ắng, những tưởng thủ phạm đã dừng trò chơi độc ác này hoặc các vụ án chỉ đơn giản là trùng hợp. Nhưng 7 ngày sau, một thanh niên lại qua đời vì trúng độc Paraquat trong Oronamin C.

Cảnh sát ghi nhận điểm chung trong các vụ án không chỉ nằm ở chai nước Oronamin C. Đó còn là một chai nước miễn phí, được đặt trong hộc nhận nước tại các máy bán hàng tự động. Thoạt nhìn, chai nước mát lạnh giống như bị người chủ bỏ quên trong hộc. Khách hàng sau có một chai nước giải khát miễn phí trước mặt.

Sau vụ việc, cảnh sát đã dán biển báo tại các máy bán hàng tự động nhằm cảnh báo mọi người không được uống đồ uống nếu chúng không được họ mua trực tiếp từ máy.

Cảnh sát Nhật Bản dán cảnh báo tại các máy bán hàng tự động.

Cảnh sát Nhật Bản dán cảnh báo tại các máy bán hàng tự động.

Lợi dụng chương trình tiếp thị

Tổng cộng, 35 người đã bị đầu độc, trong đó, 11 vụ dẫn đến tử vong trong thời gian từ 30/4 đến 17/11 cùng năm. Trong các vụ đầu độc, phần lớn ghi nhận ở Tokyo, các nạn nhân được phát hiện có Paraquat trong dạ dày và được biết là đã uống đồ uống từ các máy bán hàng tự động ngay trước khi chết.

Nước giải khát Oronamin C là nguyên nhân chính. Duy chỉ có vụ án cuối cùng, xảy ra vào ngày 17/11, “lon nước xấu số” lại là Coca Cola. Hôm đó, một cô gái 17 tuổi đến từ Saitama đã lấy một lon Coca Cola ở máy bán hàng tự động và uống cạn.

Cô gái qua đời 7 ngày sau đó, trở thành nạn nhân nữ duy nhất cũng là nạn nhân cuối cùng của chuỗi giết người hàng loạt ở máy bán hàng tự động. Nhiều người chỉ bị ngộ độc và may mắn giữ được mạng.

Vụ án được đặt tên theo chất độc Paraquat, còn hung thủ được gọi là “Kẻ sát nhân máy bán hàng tự động” (The Vending Machine Killer).

Để tiến hành vụ đầu độc tưởng như là vô tình này, tên tội phạm được cho là đã tính toán vô cùng kỹ lưỡng và dường như đã ấp ủ từ lâu mà chỉ đợi “thời cơ chín muồi”.

Năm 1965, Công ty Dược phẩm Otsuka cho ra mắt thị trường nước giải khát Oronamin C, một loại thức uống bổ dưỡng. Từ khi ra mắt, nó trở nên rất phổ biến trên khắp Nhật Bản, trong đó, nhiều năm thống trị thị trường nước giải khát.

Nước giải khát đóng chai Oronamin C được nhiều người lớn tuổi tại Nhật Bản yêu thích.

Nước giải khát đóng chai Oronamin C được nhiều người lớn tuổi tại Nhật Bản yêu thích.

Sau hơn 20 năm, Oronamin C vẫn được các thế hệ lớn tuổi yêu thích dù nhiều loại nước giải khát có ga đã xuất hiện và được thị trường trẻ tuổi đón nhận. Năm 1985, Công ty Otsuka tung ra thị trường chương trình khuyến mãi mua một tặng một chai Oronamin C miễn phí tại các máy bán hàng tự động.

Đồ uống miễn phí sẽ được phát khi khách hàng mua hàng. Một số người sẽ vui vẻ nhận đồ uống miễn phí của họ. Những người không phải fan hâm mộ của Oronamin C sẽ bỏ đồ uống vào khe của máy bán hàng tự động hoặc trên đỉnh chiếc máy. Đối với những người không đủ tiền mua đồ uống, đó là món quà miễn phí được đánh giá rất cao.

Cảnh sát Nhật Bản đã tăng cường điều tra các vụ án nhưng không thu về manh mối nào bởi ngoài chai nước chứa độc, quanh các máy bán hàng không có camera giám sát, không có nhân chứng. Các kết quả xét nghiệm ADN và pháp y cũng không mang lại bất kỳ thông tin nào về kẻ giết người.

Đặt ra giả thuyết 12 người này cùng là mục tiêu bị sát hại, cảnh sát đã tìm hiểu mối liên hệ giữa họ nhưng không thu về kết quả. Tất cả các vụ đầu độc đều diễn ra ngẫu nhiên. Hung thủ không hề chủ đích nhắm vào nạn nhân nào hay có liên kết gì giữa bọn họ.

Cảnh sát chỉ có thể cố gắng ngăn chặn càng nhiều cái chết tiếp theo càng tốt. Họ phát tờ rơi cảnh báo ở nhiều nơi, yêu cầu các cửa hàng thuốc và các nhà bán lẻ Paraquat cập nhật thông tin của bất kỳ ai đã mua hóa chất này. Nhưng sau cái chết của cô gái 17 tuổi, vụ án được coi như chấm dứt.

Các công ty giải khát, mặc dù không tiết lộ số liệu, khẳng định doanh số bán hàng của họ sau sự việc không bị giảm đáng kể. Ngược lại, họ có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân vì đã bất cẩn.

Trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, ông Takeo Mizuuchi, phát ngôn viên của Hiệp hội các công ty sản xuất nước đóng chai giải khát Nhật Bản, cho biết: “Giá như người tiêu dùng thận trọng hơn, họ sẽ thấy rằng các chai nước độc có dấu hiệu bị làm giả”.

Đồng thời, hiệp hội đã in 1,3 triệu miếng dán để dán lên máy bán hàng tự động, cảnh báo khách hàng nên cẩn thận khi sử dụng sản phẩm tại các máy bán hàng. Hiệp hội cũng đặt ra giả thuyết 12 người này tự tử là có chủ đích.

Bằng chứng là trước đó, năm 1984, Nhật Bản ghi nhận hơn 1.000 vụ tự tử. Trong khi đó, Paraquat có thể mua không cần kê khai thông tin. Bộ Y tế sau đó đề xuất giám sát chặt chẽ hơn việc bán Paraquat.

Những người khác cũng khuyến nghị thắt chặt kiểm soát đối với máy bán hàng tự động và cải tiến cơ chế hoạt động của chúng. Các nhà sản xuất tất nhiên, không háo hức, bởi nó sẽ tiêu tốn của họ hàng triệu USD.

Tận hưởng nỗi đau của người khác

Quảng cáo mua một tặng một nước uống Oronamin C.

Quảng cáo mua một tặng một nước uống Oronamin C.

Cho đến nay, xung quanh vụ án Paraquat vẫn còn nhiều đồn đoán. Nhiều người cho rằng, hung thủ của vụ án Paraquat và “Quái vật 21 khuôn mặt” là một. “Quái vật 21 khuôn mặt” là một kẻ đầu độc hàng loạt đã tấn công ngành sản xuất thực phẩm của Nhật Bản một năm trước đó và vẫn chưa bị bắt.

Hắn ta tuyên bố đã tẩm chất độc xyanua vào nhiều sản phẩm kẹo khác nhau khiến công chúng vô cùng hoảng loạn, bài xích các loại kẹo.

Tuy nhiên, trong vụ án “Quái vật 21 khuôn mặt”, không có ai thiệt mạng. Kẻ này cũng thường xuyên tương tác với cảnh sát, dù là trêu ngươi. Trong khi đó, thủ phạm trong vụ án Paraquat chưa từng lộ diện, luôn hành động bí ẩn và thời gian gây án không có quy luật. Mối liên hệ duy nhất là cách thức giết người và thời gian gần nhau nhưng giả thuyết này đã bị loại bỏ.

Theo phân tích của các nhà tâm lý học, kẻ gây án là loại tội phạm tìm kiếm cảm giác mạnh mới, trong tiếng Nhật gọi là yukaihan. Giáo sư Susumu Oda, chuyên gia về Sức khỏe tâm thần tại Đại học Tsukuba, Tokyo, phân tích: “Những tên tội phạm này tận hưởng cảm giác thắng cuộc bằng cách tưởng tượng nạn nhân đang rên rỉ, vật lộn trong cơn đau đớn khủng khiếp cả về thể xác lẫn tinh thần”.

Trong các loại tội phạm thì yukaihan có thể coi là những kẻ “tàn bạo nhất”. Trước hết, trong vụ Paraquat, hắn ta nhắm đến đám đông mua nước từ máy bán hàng tự động. Họ có thể thuộc mọi độ tuổi, mọi giai cấp hay mọi nghề nghiệp khác nhau. Với hắn ta, mạng sống của mọi người đều như nhau và đều không có ý nghĩa.

Thứ hai, sự man rợ nằm ở loại chất độc mà hắn ta lựa chọn. Paraquat không khiến con người tử vong ngay lập tức mà giày vò họ nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần. Chất độc đi qua từng cơ quan trong cơ thể và phá hủy dần dần từng bộ phận.

Cũng có ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến hung thủ gây ra tội ác này là biểu hiện của một xã hội căng thẳng, áp lực bủa vây con người trong mọi mặt của đời sống. Nhiều người, do dồn nén quá lâu, đã bộc lộ sự thất vọng của mình đối với xã hội bằng cách làm tổn thương những người xung quanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.