Tuy nhiên, những khó khăn về cơ sở vật chất (CSVC) trước yêu cầu mới khiến nhiều trường học vùng khó ở Điện Biên đứng trước nguy cơ hụt “chuẩn”.
Nguy cơ hụt “chuẩn”
Tiểu học Ẳng Nưa là ngôi trường đầu tiên của huyện Mường Ảng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (từ năm học 2007 – 2008). Sau 15 năm, trải qua 2 lần rà soát công nhận lại, nhà trường vẫn “giậm chân tại chỗ”. Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Én, Hiệu trưởng nhà trường, mặc dù các tiêu chí khác đã cơ bản đạt, song CSVC lại chưa bảo đảm.
“Với tổng diện tích hơn 11.100 m2, nhà trường có 19 phòng học và bộ môn, 5 nhà vệ sinh dành cho cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh nên chưa thể đáp ứng theo tiêu chuẩn. Chưa kể, CSVC được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước đang dần xuống cấp. Thực trạng này khiến đơn vị không thể bảo đảm yêu cầu xét nâng mức độ chuẩn quốc gia”, cô Én trăn trở.
Theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, quy định về tiêu chuẩn CSVC đối với các trường học ngày một nâng cao. Cấp tiểu học yêu cầu phải có diện tích tối thiểu 1,35 m2/học sinh/phòng học; 1,5 m2/học sinh/phòng học nếu kết hợp nghỉ trưa, khu vệ sinh tối thiểu 0,06 m2/học sinh...
Còn Trường THCS Ẳng Nưa lại đối mặt với nỗi lo giữ chuẩn. Được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2017, đến nay, trường có 8 phòng học văn hóa, 6 phòng bộ môn, 1 thư viện thiết bị, 1 phòng đọc… Theo thầy Hiệu trưởng Trương Tiến Dũng, điều kiện CSVC hiện tại cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học nhưng theo tiêu chuẩn vẫn chưa bảo đảm.
Lý giải về điều này, thầy Dũng cho rằng, Ẳng Nưa đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nên một bộ phận học sinh THCS sang các xã khác theo học để được hưởng chế độ. Tuy nhiên, sắp tới các xã lân cận cũng về đích NTM, dự kiến số lượng học sinh của nhà trường sẽ gia tăng đáng kể, do các em quay trở lại học đúng địa bàn.
Lãnh đạo các cấp thực hiện giám sát việc xây dựng trường chuẩn quốc gia tại huyện Mường Ảng. |
“Tất cả phòng học của trường đều có diện tích là 42m2, không đủ theo tiêu chuẩn (45 m2). Hiện tại, mỗi lớp chưa quá 45 học sinh nên vẫn bảo đảm không gian dạy và học. Nhưng nếu học sinh tăng lên theo dự kiến, trong khi diện tích phòng học và CSVC chưa được đầu tư mở rộng sẽ rất khó trong việc bảo đảm dạy và học, cũng như duy trì trường chuẩn”, thầy Dũng bộc bạch.
Đóng chân trên địa bàn thuận lợi, song Trường PTDTBT Tiểu học Kim Đồng (huyện Tủa Chùa) cũng đang gặp khó về CSVC. Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Đơn vị đã được công nhận và duy trì đạt chuẩn mức độ 2 từ năm 2020, phấn đấu giữ vững khi thẩm định lại vào năm 2025.
“Tuy nhiên, trường có tổng diện tích hơn 8.800 m2, được đầu tư xây dựng từ những năm 1990. Theo tiêu chí mới và để đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện đại thì các phòng học hiện tại đều chật hẹp, không bảo đảm diện tích. Nhà trường cần nguồn lực lớn để đầu tư sửa chữa, nâng cấp 20 phòng học và một số công trình phụ, mới có thể đáp ứng yêu cầu”, cô Nhàn cho hay.
Như “muối bỏ bể”
Nằm trong khu vực lòng chảo Điện Biên với nhiều thuận lợi, song sau 2 năm xin kéo dài thời gian thẩm định thì Trường Mầm non xã Thanh Luông mới được công nhận lại đạt chuẩn mức độ 2. Cô Hiệu trưởng Cao Thị Thời thông tin: Theo đúng thời hạn, năm 2020 phải thực hiện thẩm định, song thời điểm này trường không bảo đảm tiêu chí về CSVC.
Trường THCS thị trấn Mường Ảng đang duy trì đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. |
“Khi ấy lớp học còn là dãy nhà cấp 4 cũ, xây dựng từ năm 1998 nên xuống cấp. Diện tích chật hẹp, không bảo đảm với tiêu chí mới. Đến năm 2021, trường may mắn được bố trí nguồn vốn, xã tạo điều kiện để mở rộng diện tích và đầu tư xây dựng thêm nhiều phòng học, công vụ... Nhờ vậy đến tháng 11/2022, nhà trường mới bảo đảm điều kiện để công nhận lại chuẩn quốc gia mức độ 2”, cô Thời chia sẻ.
Theo ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên, đây là nỗ lực rất lớn của địa phương và ngành Giáo dục trước thực trạng khó khăn chung về nguồn lực. Hiện, toàn huyện có 57/65 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, CSVC nhiều trường còn hạn hẹp, gần 50% phòng học chưa bảo đảm diện tích theo thông tư mới.
“Để từng bước gỡ khó cho các trường, chúng tôi đã tham mưu với địa phương huy động nhiều nguồn lực khác nhau đầu tư CSVC. Từ nguồn vốn xây dựng NTM, đầu tư công trung hạn, tiết kiệm chi thường xuyên, xã hội hóa..., tuy nhiên, nguồn lực này chỉ tháo gỡ được một phần so với yêu cầu thực tế”, ông Huy cho hay.
Theo thống kê của ngành Giáo dục Điện Biên, đến hết năm 2021, địa phương có 347/464 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2022, 35 trường đến hạn thẩm định công nhận lại. Trong đó, 15 trường hết thời hạn bằng công nhận, nhưng chưa được công nhận lại.
Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết: Những năm qua, ngành đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp cân đối kinh phí, huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư CSVC, thiết bị dạy học... Trong đó, ưu tiên đầu tư cho các trường trong kế hoạch xây dựng đạt chuẩn quốc gia, mới thành lập, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới.
Giai đoạn 2016 - 2021, ngành đầu tư 1.428 tỷ đồng xây dựng, cải tạo, sửa chữa CSVC và mua sắm thiết bị, giúp các nhà trường xây dựng và duy trì đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương này cũng thừa nhận, thực tế chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới và quy mô phát triển.
“Địa phương còn nhiều khó khăn, nên nguồn lực đầu tư có phần hạn chế. Trong khi quy mô, yêu cầu phát triển đòi hỏi ngày càng cao. Toàn ngành hiện còn 36,8% phòng học, phòng nội trú học sinh, công vụ giáo viên chưa kiên cố. Trong khi nhiều trường đầu tư xây dựng đã lâu không bảo đảm diện tích, xuống cấp theo thời gian… Những khó khăn này đang là rào cản lớn đối với các trường học trong việc giữ và nâng chuẩn”, ông Hoàn cho hay.