Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, trường chuẩn như danh hiệu, đạt được rồi… để đó dẫn đến rớt chuẩn, chuẩn không thực chất. Để tiêu chí trường chuẩn được duy trì bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần sự quan tâm, đầu tư dài hơi của Nhà nước cũng như địa phương.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội: Không chạy theo số lượng
Tôi cho rằng, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành Giáo dục và Đào tạo. Qua đó, nhằm chuẩn hóa về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Do vậy, xây dựng trường chuẩn quốc gia phải thực chất không nên chạy theo số lượng.
Hiện nay, ở một số địa phương, nhiều cơ sở giáo dục được công nhận trường chuẩn quốc gia, nhưng thực tế cơ sở vật chất vẫn chưa đạt chuẩn. VD: Thiếu nhà vệ sinh học đường, chưa có tường rào, nhà thể chất hoặc sân bãi để học sinh vận động, thể dục, thể thao. Thậm chí có trường còn thiếu giáo viên. Cá biệt, có một số cơ sở giáo dục được công nhận trường chuẩn quốc gia nhưng vẫn còn “nợ” một số tiêu chí.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng trường chuẩn, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lực ngân sách địa phương và nội lực của các cơ sở. Song với những trường học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới hải đảo… việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, công tác xã hội hóa hầu như không thực hiện được hoặc có nhưng không đáng kể.
Thiết nghĩ, để xây dựng trường chuẩn cần sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, mà ở đó chính quyền địa phương có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, cũng tránh tình trạng chạy theo số lượng. Ngoài việc bảo đảm các tiêu chí về về cơ sở vật chất, cần đặc biệt quan tâm chú trọng đến chất lượng giáo dục, điều kiện tiên quyết là bảo đảm đủ số lượng giáo viên. Cùng với đó, quan tâm, bồi dưỡng để nâng cao năng lực sư phạm của đội ngũ nhà giáo; đồng thời tạo môi trường để học sinh phát triển toàn diện.
Song song với giải pháp trên, để thực hiện hiệu quả việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng xã hội cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Qua đó, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy - học, bảo đảm tiêu chí trường chuẩn quốc gia; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng.
Bà Tăng Thị Ngọc Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, đại biểu Quốc hội khoá XIV: Không thể đạt xong rồi… bỏ bẵng
Trường học đạt chuẩn quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình thực hiện các nhiệm vụ giáo dục nói chung và đổi mới giáo dục nói riêng. Những năm qua, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã quan tâm tới sự nghiệp giáo dục. Điều đó được minh chứng bằng các cơ chế, chính sách và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm, bổ sung trang thiết bị cho cơ sở giáo dục.
Nhiều địa phương còn dành quỹ đất cho trường học, thậm chí còn quy hoạch đất dành cho trường học với tầm nhìn đến năm 2050. Điều đó thể hiện sự chủ động của các địa phương trong việc đón đầu sự gia tăng dân số cơ học từ việc phát triển khu, cụm công nghiệp ở địa bàn lân cận.
Trường lớp được xây dựng khang trang, sạch đẹp, thiết bị đầu tư mua sắm đầy đủ chính là tiền đề giúp nhà trường triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở miền Tây và Đồng bằng sông Cửu Long còn gặp nhiều khó khăn do yếu tố khách quan và chủ quan.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, việc đầu tư cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng, song cần đầu tư có chất lượng, tránh việc đầu tư để “lấp đầy” các tiêu chí, nên không thiết thực hiệu quả, hoặc không phục vụ cho việc dạy – học của thầy – trò và các hoạt động giáo dục của nhà trường. Chẳng hạn như: Nếu mua sắm trang thiết bị phục vụ cho dạy – học thì thiết bị phải được ra lớp, không nên đầu tư, mua sắm cho đủ tiêu chí, nhưng rồi thiết bị phải “đắp chiếu”.
Đặc biệt, với những cơ sở giáo dục đã đạt chuẩn quốc gia, cần tiếp tục phát huy và duy trì chất lượng. Theo đó, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, các trường cần phát huy nội lực, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục để giữ vững danh hiệu này, tránh tình trạng bị “tụt chuẩn” mà một số trường đã gặp phải. Vì thế, địa phương và nhà trường cần căn cứ vào thực tiễn để tái đầu tư, không nên “thả nổi”, hoặc bỏ bẵng khi trường đã đạt chuẩn quốc gia.
Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới đã được triển khai vào thực tiễn; trước mắt với lớp 1, 2, 6 và sẽ được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu cho đến năm học 2024 - 2025. Vì thế, để duy trì chất lượng trường chuẩn quốc gia tại các trường học hiện nay cho thấy, việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cần tiến hành thường xuyên để chống xuống cấp. Muốn vậy, cần bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đồng thời bảo đảm giữ và nâng chất lượng chuẩn quốc gia.