Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của Chương trình – SGK mới, nhiều địa phương vẫn nỗ lực giữ tiến độ đầu tư trường chuẩn, hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ, chất lượng giáo dục…
Đa dạng nguồn lực đầu tư
Trước khi bàn giao cơ sở vật chất cho địa phương làm nơi cách ly tập trung, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã kịp hoàn thiện khu vệ sinh khép kín dành cho học sinh với tổng số tiền đầu tư hơn 400 triệu đồng.
Thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đây là công trình được huy động chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, một nhóm thiện nguyện ở TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 330 triệu đồng. Số tiền còn lại, UBND huyện hỗ trợ từ nguồn ngân sách để hoàn thiện, đáp ứng các quy chuẩn nhà vệ sinh trong trường học.
Theo chia sẻ của thầy Phương, mặc dù TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát, nhưng nhóm thiện nguyện vẫn hỗ trợ nguồn lực để nhà trường xây dựng công trình vệ sinh hiện đại tại điểm trường chính là vô cùng đáng quý.
Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập đang hoàn thiện hồ sơ để xét công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. “Hiện trường còn thiếu một số phòng bộ môn (nghệ thuật, ngoại ngữ) nhưng đã được đầu tư vốn xây dựng. Mọi công tác chuẩn bị cho lễ khởi công đã hoàn tất nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh nên phải hoãn lại. Những tiêu chí về điều kiện cơ sở vật chất, nhà trường được “nợ” vì địa phương đã có kế hoạch triển khai xây dựng”, thầy Phương chia sẻ.
Để hoàn thiện các điều kiện kiểm định chất lượng giáo dục và yêu cầu của trường chuẩn quốc gia chu kỳ 2021 - 2025, Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã xây dựng lộ trình đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Năm học 2021 - 2022, cơ sở vật chất của trường sẽ đáp ứng được mức 2 theo các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia khi đưa khu nhà mới xây vào khai thác với 3 phòng học và 3 phòng bộ môn. Ngoài ra, trong năm học tới, nhà trường đầu tư xây dựng bể bơi cứng thay vì bể bơi di động đang sử dụng. Thiết bị dạy học trong các phòng học cũng được đầu tư theo hướng vừa sử dụng nguồn ngân sách vừa huy động tài trợ giáo dục.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành cho hay: “Ngoài hệ thống máy chiếu tại các phòng học của lớp Một được trang bị mới từ nguồn kinh phí của UBND TP; tivi, điều hòa tại các lớp học được huy động theo hình thức 50% nguồn tài trợ của phụ huynh.
Để đáp ứng các điều kiện triển khai mô hình Trường học 4.0, nhà trường đã thay mới toàn bộ tivi cỡ lớn tại các phòng học, đảm bảo độ nhìn xa cho học sinh. Máy tính xách tay của 9 giáo viên khối lớp Một được trang bị từ nguồn tài trợ giáo dục. Sau khi kết thúc năm học, số máy tính này sẽ được bàn giao cho giáo viên chủ nhiệm mới”.
Trường mới chờ đón học sinh
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vừa hoàn thiện công trình xây dựng khu nhà 4 tầng với 24 phòng, trong đó có 18 phòng học và 5 phòng chức năng, gồm phòng bộ môn Âm nhạc, Nghệ thuật, Anh văn, Tin học và phòng Hỗ trợ giáo dục hòa nhập.
Theo thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng nhà trường, thêm khu nhà mới, toàn trường sẽ có 30 phòng học, đủ phòng chức năng theo quy định. 100% phòng học có kết nối mạng, tivi hoặc màn hình tương tác, có khu vệ sinh mới… thuận lợi cho công tác triển khai dạy học theo Chương trình GDPT 2018.
Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vừa được đầu tư xây dựng mới khối phòng học 2 tầng, gồm 1 phòng bộ môn Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, phòng hỗ trợ học sinh khuyết tật và phòng tư vấn tâm lý với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND huyện Hòa Vang còn đầu tư cải tạo 17 phòng học lý thuyết, 2 phòng học bộ môn, sân trường… Việc cải tạo, sửa chữa được thực hiện từ nguồn kinh phí nông thôn mới của huyện với kinh phí hơn 3 tỷ đồng.
Sau nhiều năm liền không thể đạt tiêu chí cơ sở vật chất theo yêu cầu trường chuẩn quốc gia, dù vẫn là một trong những trường “nóng” vào mùa tuyển sinh đầu cấp, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bắt đầu xây dựng lộ trình đáp ứng chuẩn. “Chỉ riêng yêu cầu diện tích sàn/học sinh, không năm nào nhà trường đáp ứng được, dù các quy định tuyển sinh đầu cấp đã được quận “siết chặt”, không tuyển trái tuyến. Ngoài ra, trường cũng thiếu nhà đa năng và phòng bộ môn”, thầy Hồ Ngọc Hưng, Hiệu trưởng nhà trường thông tin.
Sau một thời gian tạm dừng thi công để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, công trình xây dựng mới Trường THCS Trưng Vương đang vào giai đoạn hoàn thiện để kịp bàn giao trước khi học sinh đến trường học trực tiếp.
“Ngôi trường mới được thành phố đầu tư với tổng kinh phí hơn 83 tỷ đồng, gồm 4 khối công trình cao 5 tầng với quy mô 30 phòng học và 9 phòng bộ môn. Sân chơi, bãi tập đáp ứng đủ điều kiện để học sinh phát triển toàn diện theo yêu cầu đổi mới của Chương trình GDTP 2018. Với bề dày truyền thống dạy và học của nhà trường, sự đầu tư đồng bộ, hiện đại về cơ sở vật chất của thành phố, nhà trường sẽ sớm được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia trong thời gian tới” – thầy Hưng khẳng định.