Khi đáp ứng được các điều kiện chung về trường chuẩn sẽ tạo ra tiền đề, động lực để đổi thay diện mạo nhà trường, nâng cao chất lượng dạy học. Và trong bối cảnh dịch bệnh, việc duy trì tiêu chí trường chuẩn giúp nhà trường thực hiện dạy - học bảo đảm giãn cách dễ dàng hơn.
Đổi thay diện mạo
Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hầu Thào (thị xã Sa Pa, Lào Cai) đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 từ năm 2017. Thầy Liễu Tiến Sơn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Sau khi đạt chuẩn, cơ sở vật chất luôn được duy tu, sửa chữa để đảm bảo các tiêu chí và yêu cầu dạy học. Về chất lượng đội ngũ, để đáp ứng tiêu chí trường chuẩn, lãnh đạo nhà trường đã xây dựng kế hoạch, lộ trình bồi dưỡng để giáo viên không ngừng nâng cao trình độ. Vì vậy thầy cô luôn bắt kịp yêu cầu dạy học, không tụt hậu cho tới khi nghỉ chế độ.
Đối với học sinh, được học tập trong môi trường đảm bảo các điều kiện lớp học, phòng chức năng… đã tạo ra sự vượt trội, tiến bộ đáng kể về chất lượng giáo dục. Trong những năm gần đây, số lượng học sinh giỏi, đạt thành tích tại các cuộc thi cấp thị xã, tỉnh tăng đáng kể. Các em cũng mạnh dạn, tự tin khi tham gia vào các sân chơi văn hóa, văn nghệ, thể thao…
Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình) là trường chuẩn mức độ 2. Đánh giá về những ích lợi khi trường đạt chuẩn và giữ được chuẩn giai đoạn qua, cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng trao đổi: Những điều kiện chung về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... đáp ứng chuẩn mức độ 2 đã mang lại cho trường tiền đề, động lực đáng kể để nâng cao hiệu quả dạy học. Từ đó mang lại kết quả giáo dục đại trà và mũi nhọn đáng tự hào.
Đánh giá điểm tích cực khi xây dựng trường chuẩn, cô Trần Thị Hợi nhấn mạnh: “Đội ngũ giáo viên trong môi trường chuẩn buộc phải tự giác nâng cấp chính mình, tích cực tự học tập, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu dạy học cho từng tiết dạy.
Thầy cô đều hiểu rằng dừng lại là tự đào thải mình, nên chặng đường xây dựng, giữ chuẩn kéo dài gần chục năm song đội ngũ giáo viên luôn coi việc đổi mới hoạt động chuyên môn như một nhu cầu tự thân, cần đạt để tương xứng với dạy học trường chuẩn”.
Ở góc độ khác, cô Phạm Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang) - ngôi trường vùng cao với gần 100% học sinh dân tộc Mông, đã đạt chuẩn mức độ 1 lại nhìn nhận: Trường chuẩn tạo ra sự thay đổi lớn trong nhận thức của phụ huynh về giáo dục, luôn cảm thấy tin tưởng, tự hào về nhà trường. Công tác xã hội hóa giáo dục từ phụ huynh cũng hiệu quả hơn.
Đáng nói, trong những dịp hè, Tết... giáo viên không còn vất vả trong việc duy trì sĩ số. Tỉ lệ chuyên cần trong suốt năm học và vào thời điểm “nóng” nhất về tình trạng học sinh bỏ học… vẫn luôn đạt trên 90% - 100%.
“Cú hích” cho giáo dục
Chị Đào Thị Hà (xã Lùng Tám, Quản Bạ) có con học lớp 5 Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám bày tỏ: Gia đình có 2 con theo học qua 2 thời điểm trường chưa đạt chuẩn và đạt chuẩn cho thấy sự khác biệt về điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp, chuyên môn đội ngũ giáo viên…;
Trước kia, ở một số môn học thực hành, học sinh phải học chay thì nay được học trong phòng chức năng. Giáo viên luôn sáng tạo và tích cực đổi mới phương pháp dạy học nên kết quả học tập của học sinh những năm gần đây nổi trội, kĩ năng sống tốt hơn.
Dạy học trong ngôi trường đạt chuẩn vừa tự hào nhưng cũng có những áp lực nghề nghiệp nhất định. Cô Hoàng Thị Thùy, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Sín Chéng 1 (Si Ma Cai, Lào Cai) chia sẻ: Mỗi giáo viên luôn phải chứng minh để phụ huynh thấy được học sinh học trường chuẩn hơn và khác biệt về “chất” so với trường chưa đạt chuẩn. Tuy trách nhiệm, đòi hỏi trường chuẩn đối với giáo viên cao hơn nhưng bù lại thầy cô có động lực phấn đấu, niềm vui, sự tự hào khi thu về những kết quả tốt.
Với nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, trường chuẩn có thêm điểm cộng khi dạy học trong bối cảnh bình thường mới. Năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Phước Tiến Đạt (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhờ cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ và đạt chuẩn nên chúng tôi không bị động, thậm chí linh hoạt với các phương án tổ chức dạy học trong điều kiện giãn cách để phòng chống dịch”. Hai tuần đầu tiên khi học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, nhà trường áp dụng phương án chia lại sĩ số các lớp học, đảm bảo biên chế 30 em/lớp. Nhưng sau đó, một vài lớp học, học sinh phải thực hiện cách ly tại nhà do có liên quan đến ca F0, nhà trường buộc phải chia đôi lớp học thành 2 ca, sáng và chiều.
Cô Quỳnh Hoa cho biết: 5 lớp có học sinh cách ly tại nhà chuyển sang dạy - học trực tuyến. Nhà trường đã đầu tư nền tảng công nghệ thông tin để chủ động cho việc dạy - học trực tuyến. Theo đó, giáo viên sẽ dạy tại trường, học sinh học online ở nhà. Tất cả môn học của lớp đều sử dụng chung đường truyền/ buổi học đó. Với cách làm này, nếu không có sự hỗ trợ của phụ huynh, học sinh vẫn có thể vào lớp được vì không thay đổi link dù mỗi môn học do một giáo viên đảm nhiệm.